Phát triển nguồn nhân lực du lịch

tam giác An Giang- Cần Thơ- Kiên Giang

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong quá trình phát triển du lịch là điều cần phải làm ngay. Trước mắt, cần có sự phối hợp, định hướng cho các thế hệ trẻ khi quyết định lựa chọn nghề nghiệp.

Chợ nổi Cái Răng- Cần Thơ, điểm đến hấp dẫn du khách.

Tam giác An Giang – Cần Thơ – Kiên Giang nằm trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long và là tiểu vùng có tài nguyên du lịch đa dạng nhất so với các địa phương còn lại của khu vực.

Với du lịch sông nước, miệt vườn nổi trội ở Cần Thơ, du lịch tâm linh ở An Giang và biển đảo ở Kiên Giang tiểu vùng này có được lợi thế so sánh vô cùng to lớn trong việc tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo và khác biệt phục vụ cho việc phát triển du lịch của mỗi địa phương và trong toàn tiểu vùng.

Không phải ngẫu nhiên trong thời gian gần đây, tam giác này đã thu hút tới 63% lượng khách du lịch nội địa và 30% lượng khách du lịch quốc tế đến vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của du lịch thì vấn đề phát triển nguồn nhân lực lại được nhắc đến là bài toán nan giải cần có lời giải trong thời gian ngắn đối với sự phát triển du lịch bền vững của vùng ĐBSCL.

Theo dự báo của Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch (Tổng cục Du lịch), nhu cầu về số lượng nhân lực tại thời điểm năm 2020 của 13 địa phương trong ĐBSCL sẽ là 207.900 người, trong đó 75.400 lao động trực tiếp trong du lịch và 132.500 lao động gián tiếp.

Chủ tịch Hiệp hội du lịch Cần Thơ Đặng Tiến Hùng cho biết, hiện nay khối khách sạn tại Cần Thơ nguồn nhân lực có chất lượng mới đáp ứng được khoảng 50% và lữ hành khoảng trên 20% đạt yêu cầu xuất sắc. Nguồn nhân lực du lịch tại khu vực ĐBSCL đang thiếu hụt rất lớn.

Trong khi đó, từ nay tới năm 2020, TP. Cần Thơ cần tới 9.800 người lao động trực tiếp trong du lịch; lao động gián tiếp ngoài xã hội là 19.600 người, một con số không hề nhỏ trong bối cảnh du lịch vùng đang phát triển mạnh mẽ.

Theo các chuyên gia, việc nâng cao nhận thức trách nhiệm nghề nghiệp cho nhân viên ngành Du lịch là yêu cầu bắt buộc. Có nhận thức tốt về nghề nghiệp, nhân viên sẽ có trách nhiệm, thái độ phục vụ tốt hơn, bởi hình ảnh của nhân viên du lịch cũng chính là hình ảnh đại diện của địa phương, quốc gia đối với du khách..

Do vậy, để hỗ trợ ngành Du lịch phát triển nguồn nhân lực, trong 3 năm Chương trình Phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội do Liên minh châu Âu tài trợ (Dự án EU) đã giúp An Giang- Cần Thơ – Kiên Giang nâng cao năng lực về chính sách và thể chế, năng lực cạnh tranh của sản phẩm và hợp tác công tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch thông qua bộ Tiêu chuẩn nghề du lịch VTOS.

Phó Giáo sư Lê Việt Dũng, Đại học Cần Thơ cho rằng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong quá trình phát triển du lịch là điều cần phải làm ngay. Đồng tình với quan điểm trên, ông Đỗ Đoàn Hoài Vũ – Khách sạn Ninh Kiều 2 cho rằng, sự thiếu hụt nguồn nhân lực ở vùng ĐBSCL là rất lớn, nhất là 3 tỉnh Cần Thơ, An Giang và Kiên Giang.

Ông Hoài Vũ đề xuất, trước mắt, cần có sự phối hợp, định hướng cho các thế hệ trẻ khi quyết định lựa chọn nghề nghiệp. Đồng thời, xây dựng mô hình liên kết giữa các trường du lịch và các công ty kinh doanh dịch vụ du lịch để tạo ra một quy trình khép kín, giúp trường đào tạo đúng nhu cầu xã hội, các công ty tuyển được nhân viên chuyên nghiệp, không mất thời gian đào tạo lại và sinh viên ngành du lịch được học đi đôi với hành…

Theo: Lưu Hiệp (Kinh tế/CAND)

Bài liên quan

Các chuyên ngành khối kinh tế du lịch

(Hiếu học) Các chuyên ngành thuộc lĩnh vực kinh tế du lịch gồm có: Du lịch học; Văn hóa du lịch; Quản trị du lịch và khách sạn - nhà hàng; Hướng dẫn du lịch; Kinh doanh du lịch; Du lịch lữ hành; Quản lý môi trường và du lịch sinh thái... Các chuyên ngành Du lịch này được trên 30 trường Đại học đào tạo...

Cùng chuyên mục