(hieuhoc_hieuhoc.com): Đại học (ĐH) không phải là con đường duy nhất để đến thành công. Bạn hoàn toàn có thể gầy xựng lên sự nghiệp mà không cần đến tấm bằng ĐH. Chúng tôi tin ở bạn. Còn bạn, bạn có tin tưởng vào bản thân mình không?
Trước tiên, phải tự thừa nhận với nhau rằng căn bệnh sĩ diện hão, thích danh vị, chuộng bằng cấp vẫn còn khá phổ biến không chỉ trong xã hội Việt Nam. Khi đi giao tiếp với nhau, người ta thường hỏi nhau rằng anh học trường gì, anh đỗ đạt bằng cấp nào để rồi có sự tôn trọng nhau cao hay thấp; khi có chương trình hội thảo nào mời được ông Giáo sư nọ, bà Tiến sĩ thì lấy làm vinh dự lắm lắm; hay khi tuyển người thì cứ ai bằng cấp cao là coi như nắm chắc đến 99% được nhận, chẳng cần phải để ý nhiều đến năng lực thực sự…
Chính vì vậy, chúng ta cần phải có cái nhìn đúng đắn về bằng cấp. Bằng cấp là gì? Từ điển Tiếng Việt (NXB Thanh Niên, 2000, trang 71) định nghĩa: “Bằng cấp là giấy làm bằng của chính phủ hoặc một tổ chức có thẩm quyền cấp cho thí sinh trúng tuyển”. Như vậy, bằng cấp vốn chỉ là một cái bằng chứng, chứng nhận người học đã có học qua ít nhiều sách vở, đã rèn luyện trí não đến một trình độ nào đó. Chỉ thế thôi.
Vậy mà, không biết tự bao giờ người ta đã gán cho tờ giấy trên đó có tên họ đi kèm với chữ kí và dấu triện của nhà trường những chức năng mà bản thân nó vốn không hề có. Bằng cấp trở thành câu thần chú “Vừng ơi mở cửa ra!” mở được tất cả các cánh cửa của các cơ quan, doanh nghiệp. Và nghiễm nhiên, nó trở thành một thứ điều kiện đủ, một phương tiện duy nhất trên con đường mưu sinh và thăng tiến dễ dàng.
Sự ưu ái thái quá đối với bằng cấp đã làm không ít người xem con đường thi cử là con đường duy nhất để tiến thân, dẫn đến gian lận trong thi cử, mua bán bằng cấp… Lại có một số người trẻ cho rằng thi rớt là dấu chấm hết của cuộc đời mình, rồi hành xử tiêu cực… Trong khi đó cơ chế sử dụng nhân lực còn nhiều khiếm khuyết là một trong những nguyên nhân dẫn tới hệ quả như hiện nay: nhiều người biết làm việc nhưng không có việc làm, nhiều người được việc làm nhưng không làm được việc.
Tác giả Phùng Tất Đắc cũng thở dài cho cái tư duy trọng bằng cấp của dân ta: “Ôi! Biết bao giờ người ta mới nhận ra rằng, bằng cấp rốt cuộc cũng chỉ là một cái bằng – chứng chứng – tỏ là ta đã chính thức học qua ít nhiều sách vở, đã chính thức học qua ít nhiều sách vở, đã chính thức rèn luyện trí não đến một trình độ nào đó, chỉ thế thôi, chứ không hẳn chỉ có nó mới cho ta được đôi chút danh dự và cũng chỉ có nó mới giúp cho ta một phương tiện duy nhất trên con đường doanh sinh.”
Tỉ phú Robert Kiyosaki, tác giả của bộ sách “Dạy con làm giàu” xuất bản hàng triệu bản trên thế giới đã khảng định rằng Sự thành công trên ghế nhà trường (tức chuyện học hành) không đảm bảo cho sự thành công trong sự nghiệp. Nói cách khác, không phải cứ học giỏi, bằng cấp cao là sẽ thành công trong công việc, sự nghiệp. Điều này, bạn hoàn toàn có thể thấy ngoài thực tế rằng có rất nhiều người đậu ĐH bằng cao, học lực tốt nhưng vẫn khó xin việc, khi đi làm thì lại rất chật vật với công việc và có mức thu nhập không cao. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể thấy hàng trăm, hàng ngàn tỉ phú, triệu phú, những vị giám đốc thành đạt không có bằng ĐH, thậm chí là trình độ học vấn rất thấp trên khắp thế giới cũng như ngay ở Việt Nam. Tôi xin kể ra đây một số người như vậy.
Trong danh sách 1.125 tỷ phú do Forbes bình chọn, ít nhất 73 nhà tài phiệt chưa hoàn thành bậc ĐH, thậm chí có người bỏ học từ năm 12 tuổi. Bỏ học, sống trong nghèo đói, mồ côi hay bị lạm dụng tình dục, rất nhiều người trong số những tỷ phú mà Forbes nêu danh đã phải trải qua những con đường vô cùng khó khăn. Tuy nhiên điều đó không thể ngăn họ trở nên giàu có và quyền lực nhất thế giới.
Một thần tượng của nhiều bạn trẻ là Bill Gates – tỉ phú nhiều năm liền giàu nhất thế giới, người đã bỏ học ĐH Harvard – ĐH bậc nhất thế giới khi 20 tuổi để thành lập lên công ty mà bây giờ là tập đoàn sản xuất, kinh doanh phần mềm lớn nhất thế giới. Bỏ học ngay từ năm 12 tuổi, tỉ phú của Hong Kong, Lý Gia Thành, là con trai trong một gia đình nhập cư nghèo khổ. Khởi nghiệp từ năm 1950 chỉ bằng việc bán hoa nhựa nhưng cho tới thời điểm này ông đã là người giàu nhất Hong Kong. Tỉ phú Sheldon Adelson, con trai của một người lái xe taxi, và là kẻ bỏ học ĐH. Roman Abramovich, ông chủ của CLB Chealse thì mồ côi từ bé và có một tuổi thơ rất khó khăn. Tỷ phú người Nga này sớm kết thúc sự nghiệp học hành tại ĐH và lao vào kinh doanh ở tuổi 18. Tỉ phú người Tây Ban Nha, Amancio Ortega, thì bỏ học từ năm 14 tuổi….
Gần gũi hơn, ở Việt Nam cũng không ít những người như vậy. Triệu phú Đặng Lê Nguyên Vũ bỏ học Y để đi sản xuất café và bây giờ là ông chủ của thương hiệu café Trung Nguyên xuất khẩu khắp thế giới. “Thần đèn” Nguyễn Cẩm Lũy có thể di dời ngôi nhà 3 tầng qua 1 cái ao với trình độ tiểu học. Nguyễn Tuấn Việt, sinh năm 1982 làm chủ khi vẫn còn là học sinh và bỏ học ĐH Xây dựng HN để theo con đường Thương mại điện tử với mặt hàng sản xuất từ gỗ vụn. Năm 2006, website Thương mại điện tử của Việt đã giành giải nhất với tư cách là đơn vị có khối lượng hàng hóa xuất khảu lớn nhất thế giới do website Alibaba.com trao tặng. Một giám đốc 8x khác nữa là Võ Đức Thọ, sinh năm 1986, rời ghế nhà trường khi đang học lớp 10 và nay là giám đốc 1 công ty phần mềm và giải pháp mạng. Một nữ sinh viên năm nhất trường ĐH Kinh tế Quốc dân cũng bỏ học vì niềm đam mê kinh doanh thiệp…Tất cả họ đều đã có những thành công nhất định mà không phải thông qua bằng cấp.
Tại sao họ lại không đi theo con đường ĐH? Bởi vì họ đều có chung 1 suy nghĩ như Shochiro Honda – người sáng lập ra hãng Honda: “Bằng cấp không gây ấn tượng cho tôi. Chúng chẳng làm nên việc. Điểm số của tôi đã không cao bằng người khác, và tôi cũng đã không tham gia kỳ thi cuối khoá. Thầy hiệu trưởng gọi tôi lên và cho tôi nghỉ học. Tôi đã nói với thầy rằng tôi không cần bằng cấp. Giá trị của chúng không bằng cả một chiếc vé xem phim. Ít nhất với một chiếc vé, bạn còn được bảo đảm là được vào rạp. Còn một tấm bằng lại không bảo đảm được điều gì cả.”
Đúng là “một tấm bằng không bảo đảm được điều gì cả”. Những người đã kinh qua môi trường ĐH có dám chắc rằng các bạn có tài giỏi hơn những người chưa bao giờ bước qua cánh của ĐH không? Tôi dám cam đoan rằng bạn không bao giờ dám lớn tiếng như vậy, bởi tôi biết rằng tự trong lòng các bạn, các bạn cũng đang lo lắng về những thiếu xót của bản thân. Những kiến thức trong trường ĐH người ta hoàn toàn có thể tìm kiếm được ở bên ngoài khi mà thông tin đang bùng nổ như ngày nay. Học ĐH chỉ đơn giản là tiếp tục hoàn thiện phương pháp học tập để rồi sau này học tập tiếp. Sự học là công việc cả đời chứ không phải chỉ học ĐH xong là đủ.
Khi đến Việt Nam, trước câu hỏi của các phóng viên: “Tại sao ông lại bỏ học?”, Bill Gates đã trả lời: “Tôi không học ĐH, chứ không phải bỏ học”. Cả cuộc đời của ông luôn dành cho việc học. Tìm hiểu, nghiên cứu về các CEO thành công nhất của thế giới và Việt Nam, chúng ta thấy có một điểm chung: họ xem việc học như là bữa cơm hàng ngày. Không học ĐH thì học trường đời, tự học qua sách vở và qua quá trình làm việc. Thực tế, có rất nhiều yếu tố cần thiết để tạo nên sự thành công sau này nhưng nó lại không nằm ở trong trường ĐH mà phần lớn lại nằm ở bên ngoài. Đó là những kỹ năng mềm thiết yếu cho sự thành công như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, các kinh nghiệm thực tế và cả những kinh nghiệm xương máu từ những thất bại… Những kiến thức tự học này sẽ ở lại lâu hơn và có hiệu quả cao hơn nhiều những kiến thức lý thuyết khô khan trên giảng đường ĐH. Các bạn sinh viên, các bạn có được những kiến thức này khi đang ngồi trên ghế giảng đường không?
Trượt ĐH hay học hành kém cỏi không có nghĩa là bạn cũng kém cỏi. Mỗi một con người có một tố chất riêng và một trong những tố chất đó là có phù hợp với con đường học hành hay không. Người nào có tố chất để thành công trong học hành, họ có thể trở thành nhà khoa học; bạn không có tố chất học hành, bạn có thể làm doanh nhân và đi thuê những người có bằng cấp về làm việc cho mình. Bạn không tin điều đó sao? Hãy nhìn xung quanh bạn đi, có biết bao nhiêu người có bằng cử nhân, thạc sĩ mà vẫn đi làm thuê đấy thôi.
ĐH chỉ là 1 trong rất nhiều con đường đi đến đích thành công chứ không phải là tất cả. Nếu bạn có ước mơ, có khao khát, sự chăm chỉ học hỏi để hoàn thiện bản thân và quyết tâm đeo đuổi đam mê của mình thì tôi tin bạn hoàn toàn có thể đặt chân lên đến đỉnh vinh quang mà không cần phải học ĐH. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng ở bạn. Còn bạn, bạn có tin tưởng vào bản thân mình không?
Nguyễn Trọng