Ông Bảy Lam, vị anh hùng vì người nghèo

Từ đồng bằng sông Cửu Long đến Campuchia, ai cũng gọi ông Bảy Lam là cứu tinh của người nghèo. Mỗi lần nghe như vậy, ông Bảy cười khà khà, nói: “Giúp đỡ người nghèo là công sức, tiền bạc của cả xã hội chớ của gì riêng tui”.

Ông Bảy Lam bên bảng vàng tri ân những nhà hảo tâm đã đóng góp kinh phí cho hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Kiên Giang cứu giúp người nghèo xuyên biên giới. Ảnh: Hùng Anh

Năm 1995, đang là phó chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, ông Bảy Lam (Trần Lam) nhập viện cấp cứu vì căn bệnh viêm gan siêu vi C. Suốt mấy năm trời nằm hết bệnh viện này đến bệnh viện khác để chống chọi với căn bệnh mà các bác sĩ đều nói là “chín phần chết một phần sống”, ông Bảy Lam chứng kiến không biết bao nhiêu hoàn cảnh người nghèo không tiền chữa bệnh, đành xuôi tay cho số phận. Bệnh tình thuyên giảm, ông Bảy nghỉ làm chính quyền, đến cuối năm 2003 đồng ý nhận chức chủ tịch hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo tỉnh Kiên Giang để có điều kiện dồn toàn tâm sức vào chuyện cứu giúp người nghèo.

Làm từ thiện xuyên biên giới

“Hồi mới lập hội, trong tay không có một đồng, cũng chẳng có trụ sở, muốn giúp người nghèo mà chẳng biết làm sao. Túng thế, tui chạy lên Sài Gòn gặp ông Nguyễn Vĩnh Nghiệp, “nhờ thầy tư vấn cách vận động gây quỹ giúp người nghèo”, trong căn phòng vừa là hội trường của hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo vừa là nơi làm việc, ông Bảy Lam nhớ lại chuyện xưa. Sau thời gian tầm sư học nghề, ông Bảy Lam về Kiên Giang tổ chức một đêm ca nhạc từ thiện gây quỹ. “Nhờ tui quen biết nhiều, nên đêm ca nhạc quyên góp được 20 triệu đồng, mấy nghệ sĩ nổi tiếng từ TP.HCM xuống biểu diễn xong chẳng ai lấy tiền cátsê, chỉ xin một nồi cháo khuya cho ấm lòng”, ông Bảy kể.

Từ số tiền ít ỏi ban đầu, ông Bảy Lam lên kế hoạch vừa triển khai chương trình mổ mắt miễn phí, mổ tim, khám chữa bệnh cho người nghèo, tặng xe lăn cho người khuyết tật, khám chữa bệnh và phẫu thuật cho phụ nữ nghèo song song với việc đi vận động các doanh nghiệp, cơ quan đơn vị, các nhà hảo tâm, bạn bè chí cốt trên toàn quốc ủng hộ kinh phí. Chỉ trong thời gian từ năm 2004 đến năm 2008, ông Bảy Lam vận động được hơn 128 tỉ đồng cho hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Kiên Giang và dùng số tiền này mổ mắt miễn phí cho hơn 13.300 người nghèo trong tỉnh, hơn 2.100 người nghèo Campuchia, mổ tim miễn phí 212 ca, khám chữa bệnh miễn phí cho hơn 32.400 lượt người bệnh nghèo… Trong văn phòng làm việc của ông Bảy, trên tấm bảng lớn ghi rõ ràng, cụ thể số tiền vận động tài trợ hàng năm và kết quả sử dụng số tiền đó. “Khi làm các chương trình giúp đỡ người nghèo trong tỉnh thành công, nhiều người nghèo ở các tỉnh miền Tây gởi đơn đề nghị giúp đỡ, rồi tỉnh yêu cầu giúp người nghèo Campuchia để thể hiện tinh thần hữu nghị tương thân tương ái với nước bạn, nên tui quyết định làm hết, cho nên người ta nói tui làm từ thiện xuyên biên giới là vậy”, ông Bảy Lam nói.

Còn sức thì còn giúp người nghèo

Ở thành phố Rạch Giá, mọi người thường thấy một ông già đi chiếc xe Toyota Prado hai cầu màu trắng bóng dợn, cứ tưởng đại gia. Ông già đó chính là ông Bảy Lam, chiếc Prado mang bảng xanh là của một doanh nghiệp ở Phú Quốc tặng cho hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo làm xe công vụ. “Tui đã 70 tuổi, già rồi, bệnh tật nhiều, nên mấy cháu tặng cho hội hai chiếc xe Prado để vừa làm xe cấp cứu vừa đi làm từ thiện”, ông Bảy Lam nói. Ngoài chuyện đi khắp nơi vận động những tấm lòng hảo tâm đóng góp cứu giúp người nghèo và tổ chức những chuyến mổ tim, mổ mắt, khám bệnh, xây nhà, xây cầu, trường học ở khắp nơi, hiện nay ông Bảy Lam đang xúc tiến việc hoàn tất trung tâm y học cổ truyền Thái An sát bên trụ sở hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, với đầy đủ các phòng chức năng trang bị hiện đại để khám chữa bệnh. “Tổng cộng khu nhà này đã tốn hơn tám tỉ đồng. Mục tiêu của trung tâm là phục vụ người nghèo, tui đã kết nối được với các bác sĩ ở các bệnh viện, phòng khám đông y trong tỉnh để anh em trợ giúp. Nhưng tui đang suy tính đến việc trung tâm sẽ nhận khám, chữa bệnh cho người giàu để lấy tiền phục vụ lại người nghèo miễn phí được tốt hơn nữa”, ông Bảy Lam tâm sự.

Mười tháng đầu năm 2010 các nhà hảo tâm đã đóng góp 53 tỉ đồng để hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo mổ mắt cho hơn 6.300 người, mổ tim 215 ca, tặng 570 xe lăn và khám chữa bệnh miễn phí cho hơn 10.000 lượt người nghèo, xây 125 căn nhà tình thương, 34 cầu nông thôn, 19 phòng học, mua hai xe cứu thương và thiết bị y tế, tặng 200 chiếc xe đạp cho học sinh nghèo.

Về Kiên Giang, đi từ Rạch Giá xuống các huyện, nhắc đến tên ông Bảy Lam cứu tinh của người nghèo, ai cũng biết. Nhưng ông Bảy Lam luôn một mực từ chối mọi danh xưng, tôn vinh. Ở Rạch Giá, rất nhiều người biết chuyện năm 2008, ông Bảy được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động vì thành tích giúp người nghèo, nhưng ít người biết buổi lễ trao danh hiệu anh hùng cho ông Bảy Lam diễn ra rất đặc biệt: rất ít người được mời, buổi lễ chỉ có bình trà, bánh ngọt, đại diện chính quyền đọc quyết định phong tặng danh hiệu anh hùng, trao bằng và huân chương rồi hết. Ông Bảy bùi ngùi nói: “Thành quả hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo có được hôm nay là nhờ tấm lòng hảo tâm của mọi người trên toàn quốc, công sức của anh chị em trong cơ quan, chớ đâu phải riêng tui. Tui không thể nào quên hình ảnh bà Năm bán xôi ở chợ Rạch Giá nghèo rớt mồng tơi nhưng dành dụm được 20.000 đồng là nhất quyết đóng góp cho hội giúp người nghèo, chuyện ông Hưng bị bệnh bại liệt, nhà rất nghèo, năm 2007 được hội tặng chiếc xe lăn, giúp cho nghề bán vé số, hiện nay mỗi tháng dành ra 100.000 đồng đóng góp cho hội giúp người nghèo khác. Cho nên khi đề nghị phong tặng danh hiệu anh hùng, tui từ chối nhưng không được, đành yêu cầu chỉ làm gọn nhẹ, đơn giản”. Các bạn đồng nghiệp ở Rạch Giá còn cho biết một thông tin: ông già 70 tuổi suốt ngày đi giúp người nghèo nhưng là một tay máy ảnh nghệ thuật với nhiều giải thưởng quốc tế trong tay, thiệt là một ông già đáng nể.

Theo: SGTT.VN

Bài liên quan

Tân sinh viên nghèo vượt khó đến trường

(Hiếu học) Báo Tuổi trẻ trao học bổng “Tiếp sức đến trường” cho 100 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, 100 tân sinh viên với 100 mảnh đời khác nhau nhưng điểm chung của họ là ý chí nghị lực, khát khao học tập để thoát nghèo.

Chàng sinh viên nghèo sở hữu cả chuỗi công ty.

(Hiếu học). Bước vào con đường kinh doanh với hai bàn tay trắng, chàng sinh viên nghèo Shi Weisheng (Trùng Khánh, Trung Quốc) đã tự mình gây dựng nên một sự nghiệp gồm hàng loạt công ty đang ăn nên làm ra khiến nhiều bạn trẻ cùng độ tuổi phải hết sức khâm phục.

Người anh hùng của năm 2010

  Hãng thông tấn CNN ngày 21/11 đã chính thức công bố danh hiệu “Người anh hùng của năm 2010” thuộc về bà Anuradha Koirala, người có công giải cứu 12.000 phụ nữ và bé gái thoát khỏi nô lệ tình dục.    

Cùng chuyên mục