Đời sống người dân ngày một nâng cao, nhu cầu giải trí ngày càng tăng, nghề cá cảnh, cây cảnh có nhiều cơ hội phát triển, không lo về thị trường tiêu thụ.
Gia đình khuyên anh nên thi đại học để kiếm một cái nghề, nhưng với Nguyễn Phương Tiến, nuôi cá cảnh cũng là một cách lập nghiệp, làm giàu như những nghề khác. (Nguyễn Phương Tiến thành công với niềm đam mê cá cảnh – Ảnh: T.N.Q)
– Làm giàu từ nuôi đặc sản rừng
Ở thôn 3, xã Hòa An, huyện Krông Păk (Đắk Lắk), nhiều người bảo Tiến là gã thanh niên “làm chơi, ăn thiệt”. Tiến cười bảo: “Đúng là sản xuất cá cảnh chỉ phục vụ nhu cầu giải trí, nhưng mình phải làm thật đàng hoàng mới “có ăn” được”.
Anh kể cái duyên đến với cá cảnh thật tình cờ. Khi đang học lớp 10, được một thầy giáo cho cặp cá cảnh, anh mua xi măng về đúc một bể nhỏ thả cá nuôi chơi. Vài tháng sau, cặp cá đẻ ra một đàn cá con, đàn cá lớn lên được anh bán lẻ cho các bạn học. Hóa ra nuôi cá cảnh cũng có thể kiếm tiền. Việc làm đó khiến Tiến nung nấu ý tưởng khởi nghiệp bằng nghề cá cảnh mà người dân trong vùng chuyên canh cà phê này cho là “không giống ai”.
Tốt nghiệp THPT vào năm 2001, Tiến quyết định ở nhà hẳn để bắt tay thực hiện niềm đam mê nuôi cá cảnh kinh tế. Ban đầu, mọi người trong gia đình đều phản đối quyết định của anh. Người anh đầu của Tiến làm việc ở TP.HCM cũng gọi điện về chỉ trích, khuyên Tiến nên thi đại học để có nghề nghiệp vững chắc hơn, nhưng anh vẫn nhất quyết làm theo ý mình.
Những năm đầu, nuôi cá theo kiểu đại trà không dễ, có khi cá bệnh, chết hàng loạt, mất vốn; còn nhân giống thì trầy trật, cá đẻ trứng không biết phối giống, trứng cá không nở… Tiến gom tiền nong tới TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa…, ở đâu có nuôi cá cảnh là anh tìm đến lân la học hỏi kinh nghiệm. Anh kể: “Ban đầu nhiều người giấu nghề, nhưng thấy mình thiệt lòng chia sẻ một số kinh nghiệm có được, vậy là họ cũng vui vẻ trao đổi. Nhờ đó, mình học được mỗi nơi một ít kiến thức nghề này”.
Trở về sau những chuyến đi đó, Tiến tự tin hơn khi nắm bí quyết lai tạo, nhân giống, chăm sóc cá… Anh xin bố mẹ khoảnh vườn trước nhà, xây hàng loạt bể xi măng nhỏ, mỗi bể chừng 10m2 cùng hệ thống bơm, tiêu thoát nước hoàn chỉnh để nuôi cá. Hiện anh có 40 loại cá cảnh khác nhau, nhiều nhất là các loại cá chép Nhật, la hán, trân châu, hồng gấm… Riêng cá kiếm được anh lai tạo thành các loại: bạch kiếm, hoàng kiếm, hắc kiếm…
Mỗi năm Tiến xuất bán hơn 100 ngàn con cá cảnh thương phẩm, thu nhập trên dưới 100 triệu đồng. Cơ sở của anh cũng được xem là nơi cung ứng cá cảnh lớn bậc nhất tại Đắk Lắk. Tiến chia sẻ kinh nghiệm: “Nuôi cá cảnh thì chủ động nguồn giống sẽ quyết định phần lớn thành công; tiếp đến là khâu dinh dưỡng, vệ sinh, phòng bệnh cho cá”. Theo anh, vì các loại cá có nhu cầu đạm khác nhau nên khi mua thức ăn công nghiệp về, anh phải phối trộn, gia giảm thêm nguyên liệu tự chế biến từ thảo mộc, cua đồng, giun đất… Đó là bí quyết giúp cá vừa lớn nhanh, vừa có sức đề kháng tốt.
Bây giờ thì cả gia đình, hàng xóm đều tin Tiến lập nghiệp thành công với nghề nuôi cá cảnh. Không chỉ vậy, anh còn tạo thêm việc làm cho một số lao động trong thôn. Hiện anh còn mở rộng làm thêm nghề cây cảnh, cung cấp các loại bonsai, gỗ lũa trang trí…
Tiến cho rằng đời sống người dân ngày một nâng cao, nhu cầu giải trí ngày càng tăng, nghề cá cảnh, cây cảnh có nhiều cơ hội phát triển, không lo về thị trường tiêu thụ. Anh cho biết đang làm thủ tục để thành lập công ty cổ phần lấy tên Toàn Mỹ để ngày càng chuyên môn hóa các khâu sản xuất, kinh doanh, qua đó sẽ tạo lập một thương hiệu cho nghề tưởng như “làm chơi” này.
Theo: Anh chàng “làm chơi, ăn thiệt” (TNO)