Nữ thủ khoa khiếm thị gây xôn xao xóm nhỏ

Cái tin cô bé khiếm thị Mai Thị Tư đỗ thủ khoa HV Âm nhạc Huế khiến cả xóm Hải Cát 2 chộn rộn hẳn lên. Ở làng nghèo này, thi đỗ đại học đã mừng lắm rồi, nói chi đến ngôi vị thủ khoa, hơn nữa lại “rơi” vào cô bé Tư khiếm thị.

Mai Thị Tư, sinh năm 1990 ở thôn Hải Cát 2, xã Hương Thọ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên – Huế trúng tuyển vào chuyên ngành Đàn tranh (thuộc ngành Biểu diễn âm nhạc) với số điểm 37, cao nhất trong nhóm thi vào chuyên ngành đàn tranh thuộc Học viện Âm nhạc Huế.
Tư là con út trong gia đình có 4 anh em. Bố mẹ Tư đều là nông dân nên cái nghèo luôn đè nặng. Không được may mắn như 2 người anh trai đầu, Mai Thị Tư cùng người anh trai thứ 3 là Mai Văn Đông (sinh năm 1988) đều bị mù từ nhỏ.

Mai Thị Tư (trái, hàng đầu) tại kỳ thi vào Đại học Huế năm 2009

Khi Tư và anh trai bỗng nhiên bị mù, bố mẹ em khóc hết nước mắt, chạy vạy khắp nơi để chạy chữa cho con nhưng đều bất lực. Ông Mai Văn Ẩn, bố Tư tâm sự: “Lúc cháu sinh ra được hơn một tháng, cũng như thằng anh nó, đêm xuống tui dùng đèn huơ huơ trước mặt nhưng nó không nhận biết được ánh sáng. Tui và mẹ nó tan nát cả cõi lòng, bao nhiêu thuốc thang chạy chữa vẫn không khỏi”.

Cũng vì hoàn cảnh mà trong gia đình, Tư và anh trai luôn được bố mẹ cùng các anh lớn dành hết tình thương yêu, chăm sóc để mong bù đắp phần nào thiệt thòi do số phận nghiệt ngã.

Lớn lên một chút, mắt của 2 anh em Tư, Đông có đỡ hơn được phần nào, nhưng cũng chỉ dừng lại ở phân biệt sáng tối một chút mà thôi. Năm lên bảy tuổi, được sự giúp đỡ Hội người mù tỉnh, 2 anh em đã được vào đây ăn ở và học tập.

Lên 12 tuổi, trong một buổi văn nghệ giao lưu với hội viên tỉnh bạn, tiếng đàn tranh trong trẻo đã thu hút, lôi cuốn Mai Thị Tư. Kể từ đó, tiếng đàn trở nên thôi thúc, dần dần trở thành niềm đam mê âm nhạc cháy bỏng trong em. Học đến lớp 10, niềm đam mê đó trở thành hiện thực khi em thi đỗ vào Trường Trung học Văn hoá Nghệ thuật Huế (VHNT).

Đến tuổi làm đẹp nhưng không biết đến mua sắm, không được ngắm mình trước gương như bao cô thiếu nữ bình thường khác, Tư dồn tâm huyết, đam mê của mình vào cây đàn. Em học đàn, đánh đàn bằng cả trái tim.
Đàn là người bạn để em giải bày nỗi lòng bằng ngôn ngữ âm nhạc. Những bài lý, dân ca ba miền, bài quan họ bên lũy tre làng, những câu hò đậm đà tình quê hương đều được Tư thể hiện một cách nhuần nhuyễn bằng một thứ âm thanh réo rắt của tiếng đàn tranh.

Tư luôn dành hết thời gian cho tình yêu âm nhạc

Những ngày đầu Tư phải mò mẫm so từng dây đàn, ghi nhớ, lắng nghe và tưởng tượng từng nốt nhạc, giai điệu. Được cô giáo Dương Thị Quỳnh Nga, giáo viên dạy đàn tranh tại trường Trung học VHNT tận tình chỉ dạy, cùng với năng khiếu thiên bẩm và khả năng thẩm thấu âm nhạc tuyệt vời cô bé Tư đã nhanh chóng trở thành một học trò giỏi trong lớp.

Với kết quả tốt nghiệp trường VHNT năm 2009 loại giỏi (điểm tổng kết 8,5), Mai Thị Tư tiếp tục nộp đơn vào ngành Biểu diễn âm nhạc- chuyên ngành Đàn tranh của Học viện Âm nhạc Huế. Em là thí sinh khiếm thị duy nhất thi và đỗ vào Học viện Âm nhạc Huế từ trước đến nay.
Nói về kỳ thi đại học, Tư tâm sự: “Em tin mình sẽ vượt qua và phấn đấu hơn thế nữa. Em sẽ không bao giờ từ bỏ khát khao được vào đại học và học lên nữa”. Chứng kiến Tư từ những ngày em ôn thi để đạt được kết quả ngày hôm nay mới thấy hết được nghị lực phi thường của cô bé có dáng người nhỏ nhắn này.

Dưới sự hướng dẫn của cô giáo Nga, Tư trở thành một học sinh giỏi chuyên ngành đàn tranh

Tư còn chinh phục các thầy cô, mọi người về khả năng thích nghi, hòa nhập rất nhanh, luôn đoàn kết giúp bạn có hoàn cảnh như mình vượt những khó khăn, bất hạnh… Em thường xuyên tham gia chia sẻ những nỗi niềm sâu kín của người khuyết tật, dìu dắt, động viên họ vươn lên trong cuộc sống…

Ngoài thời gian học, Tư thường xuyên giúp mẹ các công việc trong nhà

Thời gian rảnh, Tư lại về thăm mẹ để đỡ đần bớt chút công việc như rửa bát, dọn nhà… Ngày biết tin đậu thủ khoa đại học, chuyên ngành đàn tranh, Tư khá bất ngờ: “Em chỉ nghĩ sẽ gắng làm bài hết sức mình để không phụ lòng mong đợi của mọi người. Không nghĩ là mình sẽ đạt điểm cao nhất chuyên ngành đàn tranh. Em vui quá, cảm giác thật khó tả”. Bà con chòm xóm, bạn bè và các thầy cô ở Hội người mù ai cũng qua chúc mừng Tư, khiến niềm vui được nhân lên gấp bội.

Nguồn: Dan Tri

Cùng chuyên mục