(Hiếu học). Số lượng thí sinh đăng ký dự thi (ĐKDT) vào các trường sư phạm ngày càng giảm. Những năm gần đây, số thí sinh ĐKDT vào các trường, ngành sư phạm ngày càng thấp. Đầu vào thấp, dự báo ảnh hưởng tới chất lượng đội ngũ giáo viên tương lai! (Nỗi lo đầu vào Sư phạm thấp – Một thí sinh sau giờ thi tại Hội đồng thi trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm 2009 – Ảnh: Đ.N.T).
Mất dần sức hút.
Thạc sĩ Tạ Quang Lâm – Phó trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho biết: “Hồ sơ (HS) ĐKDT nộp vào các ngành Sư phạm ngày càng giảm rõ rệt. Năm 2000, có 42.300 HS đăng ký vào trường. Sau đó, HS giảm dần đến năm 2009 còn 24.500 và năm nay là 12.856”. Trong đó, có những ngành số HS ĐKDT nộp vào không đủ chỉ tiêu đề ra, như: Sư phạm song ngữ Nga – Anh: 1/0,57 (30 CT/17 HS), Sư phạm Tiếng Pháp: 1/0,87 (30 CT/26 HS)…
Riêng ngành SƯ phạm Giáo dục tiểu học có số lượng thí sinh ĐKDT khá cao. Năm 2010, tỷ lệ “chọi” các ngành này ở trường ĐH Sài Gòn là 1/53,86 (90 CT/4.847 HS); ĐH SP TP.HCM là 1/20,68 (120 CT/2.482 HS)… Tuy nhiên, mức điểm chuẩn ngành này những năm qua không cao. Thạc sĩ Tạ Quang Lâm cho rằng, sở dĩ thí sinh dự thi vào ngành này đông một phần do nhu cầu giáo viên ngành này còn nhiều. Tuy nhiên, điểm chuẩn không cao có thể thấy thí sinh thi vào ngành này chủ yếu có học lực trung bình, khá chứ ít người giỏi.
Tại ĐH Cần Thơ, số HS ĐKDT vào các ngành SP cũng giảm dần. Chẳng hạn năm 2008 có 13.513 HS, năm 2009 là 10.281 và 2010 là 8.646. Trường ĐH An Giang cũng tương tự, năm 2005 có 4.881 HS ĐKDT vào 10 ngành SP, đến năm 2010 chỉ còn 1.914 HS vào 17 ngành.
HS nộp vào ít, tỷ lệ “chọi” thấp nên điểm chuẩn cũng không cao. Từ năm 2009 trường ĐH SP TP.HCM phải lấy điểm trúng tuyển một số ngành rất thấp (chỉ cao hơn điểm sàn từ 1-2 điểm), như: SP Tin học 15,5 điểm, SP Địa lý (khối A) 15 điểm. Ngoài ra, trường phải xét tuyển thêm 755 chỉ tiêu NV2 cho nhiều ngành. Điểm chuẩn một số ngành SP của ĐH Cần Thơ cũng chỉ ở mức điểm sàn như SP Vật lý, SP Vật lý – Công nghệ, SP Anh văn, SP Tiếng Pháp: 13 điểm; SP Lý – Tin, SP Giáo dục tiểu học: 13,5 điểm; SP Sinh học, SP Sinh – Kỹ thuật nông nghiệp là 14 điểm…
Là một trường lớn đào tạo giáo viên kỹ thuật nhưng các ngành có tên “Sư phạm” của trường ĐH SP kỹ thuật TP.HCM cũng không thực sự hấp dẫn thí sinh. Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng phòng Đào tạo nhà trường cho biết, năm 2009 có những ngành chỉ có vài HS như SP Kỹ thuật công nghiệp, SP Điện công nghiệp. Điểm chuẩn trúng tuyển năm 2009 của các ngành này chỉ cao hơn điểm sàn 1 điểm và phải tuyển thêm NV2.
Khó kiếm việc làm.
Thạc sĩ Lâm quan ngại: “Với tình trạng này, chắc chắn các ngành Sư phạm sẽ không thu hút được thí sinh khá, giỏi. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến các thế hệ sau bởi ngành Sư phạm đào tạo ra người thầy mà muốn có trò giỏi thì trước hết người thầy phải giỏi”.
Nói về nguyên nhân của hiện tượng trên, thạc sĩ Lâm cho rằng: “Dù ngành Sư phạm ưu đãi cho người học bằng cách miễn học phí nhưng mối quan ngại của người học hiện nay là chế độ chính sách đầu ra. Sinh viên ra trường rất khó tìm việc, và khi đã tìm được việc thì đồng lương nghề giáo lại không đủ sống. Thêm nữa, việc điều động giáo viên mới tốt nghiệp tại các địa phương còn nhiều bất hợp lý”.
Tiến sĩ Dũng nói thêm, chính môi trường làm việc trong lĩnh vực giáo dục ít mang tính thúc đẩy như ngoài doanh nghiệp, thiếu thốn nhiều thứ cũng góp phần kém thu hút thí sinh. Do vậy, chỉ cần nghe thấy 2 chữ “Sư phạm” trong tên ngành đã khiến thí sinh không muốn thi vào.
Tóm lại, điểm chuẩn ngành Sư phạm không cao, qua thống kê các năm có thể thấy thí sinh thi vào ngành này chủ yếu có học lực trung bình, khá chứ ít người giỏi. Đầu vào thấp, dự báo ảnh hưởng tới chất lượng đội ngũ giáo viên tương lai, điều này ảnh hưởng rất lớn đến các thế hệ sau, bởi ngành Sư phạm đào tạo ra người thầy mà muốn có trò giỏi thì trước hết người thầy phải giỏi.
Thế nào là thầy giỏi?
Tuy vậy, đã chọn nghề dạy học thì không nên chỉ luẩn quẩn vói tiền. Người thầy giỏi cũng không nhất thiết là người có sức học luôn phải đạt điểm 9, điểm 10. Trên thực tế, người thầy từng tốt nghiệp hạng ưu, thậm chí đậu thủ khoa hoặc có nhiều bằng cấp cao hơn nữa cũng không có gì bảo đảm rằng sẽ dạy tốt hơn những người thầy chỉ tốt nghiệp (Sư phạm) hạng khá. Bởi đặc thù nghề nghiệp, người thầy giỏi trước tiên phải là người có tấm lòng tận tâm với học trò, yêu nghề, có kỹ năng truyền đạt…
Vì vậy, sự phù hợp, say mê và nhu cầu xã hội là những điểm tựa mà mỗi học sinh cần cân nhắc trước khi đặt bút chọn ngành nghề sẽ học. Phải hoàn toàn tin tưởng rằng, những ngành nghề (trong đó có Sư phạm) mà các bạn đã chọn và dự định sẽ học là hoàn toàn phù hợp với năng lực, hoài bão của mình và nhu cầu xã hội. Các thống kê về tỷ lệ chọi nhiều hay ít, điểm chuẩn đầu vào thấp hay cao, tất cả chỉ có ý nghĩa tham khảo mà thôi. Quyết không để những thành kiến như nghề này của người sang, nghề kia của kẻ hèn, ngành đó cho người giỏi, ngành đây toàn người kém… làm ảnh hưởng đến tương lai và sự nghiệp.
Chúc các bạn thành công.
Theo: (TNO/TPO/TTO).
Tuấn phong tổng hợp/(hieuhoc_hieuhoc.com).