(Hiếu học). Từ bỏ tất cả, thoát khỏi vòng quay vô tận của đồng tiền, không chút đắn đo dành thời gian để hiểu và sống hạnh phúc, chan chứa yêu thương với những em nhỏ bị bệnh hiểm nghèo không thể cứu chữa. Xoa dịu nỗi đau cho các em, đó cũng là lẽ sống…
Kevin Waller, bạn thân của tôi, ngay từ thời đi học đã nổi tiếng là người thông minh. Vừa tốt nghiệp khoa luật, trong khi đám bạn cày cục xin vào những công ty luật nổi tiếng, thì Kevin về làm ở một công ty môi giới bảo hiểm y tế ở Paul Valley, một thị trấn nhỏ thuộc tiểu bang Oklahoma.
Trong khi nhiều người còn đang chờ được phỏng vấn, thì Kevin đã kịp xây dựng một loạt các chương trình bảo hiểm y tế phức tạp cho công ty kia, và là người nhận lương một triệu đô một năm đầu tiên trong số sinh viên năm đó.
Hai năm sau, để giữ chân cậu ta, công ty môi giới bảo hiểm kia chấp nhận đổi tên, công nhận cậu ta là một trong ba chủ nhân chính của công ty, kèm theo vô số lợi ích khác. Tương lai xán lạn của cậu ta có vẻ đã được định sẵn, với một tài khoản gồm nhiều chục triệu đô la ở lứa tuổi ba mươi, một ngôi nhà sáu phòng ngủ, một chiếc xe thể thao loại xịn nhất và một cô bồ xinh đẹp.
Chính vì vậy, tôi choáng váng khi nghe tin cậu ta từ bỏ tất cả. Bán nhà, bán xe, bán phần hùn ở công ty và thậm chí từ giã cả cô bồ xinh đẹp.
Vài năm sau, tôi suýt không nhận ra khi cậu ta ra đón tôi ở sân bay với một chiếc xe cà tàng và một bộ mặt cùng hàm râu lâu ngày không cạo. Chỉ có đôi mắt là vẫn như cũ, vẫn ánh lên lém lỉnh, tinh quái kiểu trẻ thơ – “Tớ sắp sang Thái Lan” – cậu ta tuyên bố – “Cậu sang đấy làm quái gì?”. “Tớ sẽ tới một thiền viện. Tớ sắp hết dầu rồi, chắc tớ cần thời gian để nạp thêm năng lượng”.
Hóa ra ba năm qua, Kevin đã trở thành một tình nguyện viên của bệnh viện thành phố Oklahoma. Công việc chính của Kevin là trở thành người bạn tâm tình của các em nhỏ bị bệnh hiểm nghèo không thể cứu chữa. Hàng ngày, cậu ta tới bệnh viện chơi với chúng, trở thành người bạn tâm sự, đưa chúng ra ngoài khi có thể, và ở bên cạnh chúng cho tới ngày cuối cùng.
“Cậu không thể tưởng tượng việc đó hút mất sinh lực của tớ thế nào. Tháng nào cũng có vài người thân của tớ ra đi vĩnh viễn, và thật đau lòng khi thấy chúng ra đi khi còn nhỏ như vậy, còn biết bao ước mơ chưa được thực hiện. Mỗi một lần như vậy, tớ lại bị suy sụp, rồi lại phải gượng dậy bởi vì còn những đứa trẻ khác cần tớ. Nhưng có lẽ tớ cần tới thiền để học cách chấp nhận, bởi vì tớ vẫn rất đau lòng, và chắc không thể trụ vững được lâu hơn nữa”.
“Nhưng tại sao cậu phải làm thế! Cậu vẫn có thể làm khác, với tiền của cậu…”. tôi hỏi dè dặt. “A, tớ chẳng biết. Có tiếng nói nào đó bên trong nói với tớ là tiền thì chẳng làm được gì mấy cho những đứa trẻ ấy. Cậu có nhớ Shawner Tunner học cùng khóa với mình không? Cô ấy sang châu Phi làm tình nguyện viên, và một lần, khi quay về đây, gặp tớ ở quán bar, cô ấy đã nói thẳng với tớ rằng đồng tiền tớ kiếm được từ hoa hồng của những công ty bảo hiểm y tế chính là lấy từ gia đình của những người cần những đồng tiền ấy nhất. Cô ấy khuyên tớ đến bệnh viện, nói chuyện với các bệnh nhân, và điều ấy đã thay đổi tớ. Tớ không sống như cách cũ được nữa…”
Sau đó, Kevin sống trong một thiền viện giữa rừng của Thái Lan trong vòng một năm. Mỗi ngày chỉ một bữa ăn, buổi sáng làm việc trong thiền viện, buổi chiều nghiên cứu cùng tăng đoàn.
Vài năm trước, cậu ta sang thăm tôi ở Việt Nam. “Thái Lan thế nào?” – tôi hỏi – “Tuyệt vời, trừ một thứ làm tớ không chịu được là trong tăng đoàn không được nói chuyện sắc dục. Đó chính là điều làm tớ chịu không ở thêm được. Nhưng tớ sắp sang Ấn Độ” – cậu ta khoe – “Tớ muốn tìm hiểu thêm về đạo Phật, với lại, bên đó cũng có rất nhiều trẻ con cần giúp đỡ. Tớ muốn tới các bệnh viện làm bạn với các em. Chắc chúng nó cũng không ngại một thằng cha Mỹ thô lỗ như tớ đâu nhỉ”.
Nguồn: “Nổi đau – lẽ sống” (Thanh Sơn/TBKTSG).