(Hiêu học). Bạn đã, đang và sẽ đạt được những gì? Bạn có được sự tôn trọng tương xứng với những gì bạn đã cố gắng không? Thật kỳ lạ, ảnh hưởng của bạn đối với người khác nhiều hay ít lại tùy thuộc vào niềm tin của bạn. Không những thế, bạn có niềm tin vào chính bạn còn giúp cho bạn tạo ra những cơ hội mới, có những điều kiện thuận lợi hơn, dễ dàng đạt được những thành công tốt đẹp hơn.
Sự phấn đấu để xây dựng sự nghiệp, để tiến bộ, để thành công, để đạt được những điều gì đó…, nói chung là để tự khẳng định mình. Sự khẳng định này không phải là tính khoe khoang tự ca ngợi mình, mà nó phát xuất từ lòng tự tin, từ cố gắng, từ niềm tin vào phẩm chất của mình.
Bước đầu, để xây dựng nên niềm tin này, bạn hãy áp dụng những điều đơn giản và thiết thực như sau:
1) Không đòi hỏi sự hoàn mỹ theo quy định.
Trước hết, hãy nhận biết mình đã làm tốt công việc và hãy hãnh diện về điều đó. (Bạn phải chắc chắn rằng, mình đã nổ lực hết sức để có thành tựu đó). Nhiều người trong chúng ta thường không bằng lòng với những gì mình có, luôn đòi hỏi sự hoàn mỹ. Tâm lý này cũng tốt vì nó giúp bạn cải thiện đi lên. Nhưng cũng nên nhớ rằng, góp nhiều thành tựu nhỏ, thậm chí cả nhiều lần thất bại mới có thể tạo nên thành công lớn. Vả lại, cho dù có tốt đẹp đến mấy chăng nữa thì thành công của bạn cũng vẫn có người chê trách là “chưa đủ tốt”. Vì vậy, bạn nên tự xây dựng nên niềm tin cho chính mình, đừng quá quan tâm, lo lắng đến những lời dèm pha, những quy định hoàn mỹ của người khác. Bạn đã cố gắng và bạn có quyền thừa nhận thành quả của mình.
2)Hình dung tưởng tượng, xây dựng niềm tin, tự khích lệ để thành công.
Hình dung những ai là người cần biết đến những thành công của bạn: Gia đình, thầy cô, bạn bè, ông chủ, đồng nghiệp…để xây dựng và thể hiện tốt thông điệp của bạn. Hãy tưởng tượng bằng tất cả nhiệt tình như bạn đang diễn thuyết về thành quả của mình để thuyết phục người khác. Góp nhặt những thành tích, những bằng chứng, mô tả lại trường hợp mình phải đương đầu, đã chiến đấu như thế nào để vượt qua. Câu chuyện bạn kể cần rõ ràng, chân thực, nhiệt tình và đầy đủ từ đầu đến cuối như là kể trước những người thực. Nó cho thấy bạn cũng đạt được thành công mà ai đó đã từng đạt. Nó cũng nhắc nhở cho bạn về những gì bạn đã đạt được và nhận biết những điều gì khiến bạn có thêm lòng tự tin và sự tôn trọng.
3) Tự trọng, tự tin vào bản thân, không khoác áo khiêm nhường.
Chủ động giới thiệu về thành tích thật sự của bạn khi được yêu cầu, không khoác lác khoe khoang, không đòi hỏi quyền lợi vô lối, biết thừa nhận vai trò và sự cộng tác của người khác. Nhưng đồng thời bạn vẫn cần đòi hỏi những gì xứng đáng với mình và của mình.
Khi được khen ngợi, hãy nói “cám ơn”. Đừng khước từ lời khen tặng, cũng đừng nói: “không dám”, “không có chi”. Cũng đừng nhường chuyển lời khen sang cho người khác (trong nhóm hoặc tập thể) nếu đó là do từ cố gắng và là thành tựu của bạn. Tại sao bạn lại phải ra vẻ khiêm nhường trong trường hợp này? Làm như vậy là hạ mình và hạ cả người khen mình xuống. Hãy hãnh diện vì những gì mình làm được và hãy vui vì có ai đó nhìn ra những thành công của mình.
Nếu bạn không tự đánh giá đúng bản thân, bạn không có niềm tin ở chính mình, thì ai…? Những ai là người có thể tin vào bạn đây? Vì vậy, hãy tự xây dựng niềm tin cho bản thân, không sợ hãi – sai lầm – thất bại, nhân vô thập toàn mà! Hãy luôn nhớ: “cuộc đời bạn là cuộc sống của bạn”. Chính niềm tin sẽ giúp bạn vững tin, mạnh dạn vững bước đến thành công. Niềm tin sẽ giúp bạn cống hiến nhiều hơn, hạnh phúc hơn và vui vẻ đón nhận thành công.
Chúc các bạn luôn vững tin, vững bước vào đời.
Nghi Quân (hieuhoc_hieuhoc.com).