Những ưu thế bất ngờ khi làm việc bằng ngoại ngữ

Tiếng Anh ngày càng trở thành ngôn ngữ làm việc phổ biến. Các công ty đa quốc gia, các tổ chức quốc tế đang tích cực sử dụng thứ ngôn ngữ mặc định này của thế giới. Liệu đây có phải là lợi thế riêng của người Anh bản ngữ?

Kỹ năng học tiếng anh


Sử dụng ngoại ngữ khi làm việc hiển nhiên là vô cùng khó khăn. Vốn từ hạn chế, các vấn đề về ngữ pháp, cấu trúc câu, cách phát âm không chuẩn… tất cả đều có ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng giao tiếp, truyền đạt thông tin của bạn trong môi trường làm việc quốc tế. Ở phía đối diện, những người bản ngữ trông thật thoải mái, đôi khi họ có thể thuyết phục được cả một hội đồng chỉ nhờ lối diễn đạt tự tin, trôi chảy.

Nhưng trên thực tế, ở phần chìm của tảng băng, những người làm việc bằng ngoại ngữ cũng có những lợi thế “ngầm” rất lớn. Người không phải bản ngữ có thể gặp nhiều khó khăn khi thể hiện năng lực bản thân, khiến thực lực của họ bị đánh giá thấp hơn so với thực tế – và chính điều này có thể sẽ là yếu tố gây bất ngờ trong một cuộc đàm phán. Ngoài ra, việc xuất thân từ một nền văn hóa khác – chứ không chỉ là từ một ngôn ngữ khác – sẽ giúp người ngoại quốc nhận ra những cản trở và những lối mòn tư duy của người bản xứ, từ đó có thể dẫn dắt cuộc nói chuyện theo một hướng khác, đi vòng qua những chướng ngại đó; và trong trường hợp này, người ngoại quốc có thể khéo léo lèo lái cuộc nói chuyện với vẻ “ngây thơ” dễ chấp nhận: “Tôi không biết ở đây thì thế nào, nhưng tôi đang nghĩ là…”

Ngoại ngữ không thông thạo cũng có thể trở thành một công cụ hiệu quả giúp bạn “câu giờ” hoặc làm phân tâm đối phương. Nói chậm giúp bạn có điều kiện chọn từ ngữ thích hợp, dễ kiềm chế cảm xúc của mình. Hơn nữa, chẳng phải cổ nhân đã dạy chúng ta phải biết “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” hay sao?

Thú vị hơn, có thể còn tồn tại một lỗ hổng phản hồi từ lời nói dội ngược về tư duy. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng đôi khi việc ra quyết định bằng ngoại ngữ lại tốt và hiệu quả hơn. Trong một thí nghiệm, các nhà nghiên cứu của trường Đại học Chicago cho người tham gia làm một bài trắc nghiệm trong đó họ đưa vào những phương án thoạt nhìn có vẻ đúng nhưng trên thực tế lại sai. Họ quan sát thấy những người làm bài kiểm tra bằng ngoại ngữ có xu hướng tránh được “chiếc bẫy” kia hơn và thường chọn đúng đáp án hơn. Nói cách khác, ngôn ngữ trôi chảy cũng có mặt nhược điểm và sự cẩn trọng từ tốn cũng có mặt ưu điểm của nó. Nhóm nghiên cứu trên còn phát hiện ra rằng ngay cả trong những quyết định thiên về mặt đạo đức – chẳng hạn như giết một người để cứu mạng nhiều người là có chấp nhận được không – con người cũng tư duy theo hướng thực tế và ít bị cảm xúc chi phối hơn khi sử dụng ngoại ngữ. Một người Mỹ làm việc tại Đan Mạch cho biết khi đàm phán lương, anh luôn yêu cầu sử dụng tiếng Đan Mạch, bởi anh cảm thấy rất không thoải mái khi đề xuất tăng lương bằng tiếng Anh.

Một quan chức Hà Lan thuộc Ủy ban châu Âu chia sẻ kinh nghiệm rằng, khi “nhảy cóc” liên tục từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, bạn sẽ luôn luôn ý thức được về sự khác biệt trong cách nhìn nhận vấn đề giữa mình với người khác. (Theo một nghiên cứu, trẻ em sử dụng song ngữ có khả năng phán đoán suy nghĩ của người khác tốt hơn, nguyên nhân có lẽ do các em luôn quan sát xem ai đang sử dụng ngôn ngữ gì).

Chật vật sử dụng ngoại ngữ quả là một việc đáng nản, nhưng những người chỉ biết một ngôn ngữ chẳng cũng thiệt thòi lắm sao?

Chi Nhân Economist (theo:Giaoduc/TiaSang)

Cùng chuyên mục