(hieuhoc_hieuhoc): Đến với nghề thật tình cờ, khó ai có thể tin được một chàng trai 20 tuổi lại có việc làm ổn định tại một Công ty 3D như E5 JSC với một mức lương ngất ngưởng xấp xỉ 900$ một tháng.
Có dịp được trò chuyện cùng Anh Vũ – chúng tôi càng thêm cảm phục và “choáng” trước quan điểm, kiến thức và những điều mà cậu đạt được, càng khẳng định thêm về những hiểu biết và tiếp thu không ngừng của thế hệ 8x mà đại diện là Vũ.
Đơn giản không cầu kỳ, nói chuyện hòa nhã và vui vẻ, Anh Vũ đã không ngại bộc bạch toàn bộ những cảm nhận cũng như kinh nghiệm của cậu trong lĩnh vực thiết kế đồ họa 3D – một lĩnh vực đang rất hot và có sức hút lớn đối với giới trẻ nhưng cũng không kém phần khắc khe và lắm chông gai.
PV: Chào Vũ bạn có thể chia sẻ kinh nghiệm cho mình và các bạn khác biết thêm về Thiết kế đồ họa: Ảo tưởng và thực tế một nghề đang hot nhất hiện nay. Đặc trưng, cũng như những yêu cầu khắt khe của nghề thiết kế 3D được không?
Phạm Anh Vũ: Đặc trưng của nghề này đương nhiên là vẽ 3D rùi! Nghề này có sức hấp dẫn rất lớn đối với những người thích tự do và sáng tạo. Nó tạo cho họ một cảm giác thoải mái, không bị hạn chế về không gian cũng như ý tưởng, là một môi trường rất tốt để bạn có thể thể hiện hết những gì thuộc về phương diện “ý nghĩ và cảm xúc”. Song, chính vì những đặc điểm đó nên nó đặc biệt “chống chỉ định” đối với những đối tượng thuộc tuýp người còn lại.
Cũng giống như tất cả những người làm nghề tự do, nghề này có nhược điểm là mức ổn định không cao, cụ thể như có tuần có vài ba công trình, nhưng cũng có những lúc chơi dài. Cộng thêm vào đó là một khoảng đầu tư kha khá vào trang thiết bị máy móc cần thiết nếu bạn muốn đặt chân vào. Mà đa phần, điều này lại có tác động rất lớn đến số lượng cũng như chất lượng của ngành.
Để làm tốt được nghề này thì phải có khả năng sử dụng các phần mềm phục vụ cho công việc tốt. Song song với nó là ý tưởng thiết kế, con mắt thẩm mĩ, tư duy sáng tạo tưởng tượng không gian tốt, nếu sáng tạo không tốt thì phải có khả năng biến cái của người khác thành của mình…
Với Vũ, để theo đuổi được nghề này cần kiên trì, bền bỉ, không bỏ cuộc giữa chừng. Bên cạnh đó, phải chịu khó tìm tòi, học hỏi thêm… thì sẽ khá lên thôi.
Để có được một tay nghề tốt, trước tiên bạn phải nắm vững những lý thuyết cơ bản về thiết kế 3D. Sau đó bạn cần xác định rõ mục đích cũng như lĩnh vực trước khi bạn bước vào con đường này, chẳng hạn như làm phim, kiến trúc, nội thất, ngoại thất, model, animation… nhiều lắm. Tiếp đến, nên tìm tòi và nâng cao kiến thức hiểu biết về phần mềm mình đang sử dụng – bằng cách tham khảo sách báo hay tra cứu trên các website chuyên ngành. Một kinh nghiệm cho thấy – bạn nên đặc biệt quan tâm đến các bản help đi kèm chương trình, đây thực sự là một tài liệu bổ ích cho nền tảng ban đầu. từ đây bạn có thể yên tâm về kiến thức 3D của bạn rùi đó.
PV: Theo Vũ nghề này hấp dẫn/khó khăn như thế nào?
Phạm Anh Vũ: Vì cũng như một số “món” khác trong cái thế giới gọi là Digital Art nên môi trường cũng như tính chất công việc không đến nỗi gò bó lắm. Dù đôi lúc vẫn phải làm theo những yêu cầu khá “vớ vẩn” của khách hàng khi mình thực sự không “ham hố” gì cả. Nhưng, được thấy sản phẩm của mình làm ra,… đẹp, nên thích.
Khó khăn lớn nhất mà mình gặp phải là: 3D là cả một thế giới rộng – rất rộng. Để làm việc được trong thế giới đó, yêu cầu bạn phải có được những kiến thức tối thiểu nhất về mọi lĩnh vực và mọi giai đoạn để hoàn thành một sản phẩm. Đây quả thật là một điều kiện rất khó, nên một người làm 3D sẽ khó có thể giỏi hết toàn bộ mọi thứ trong cái gọi là 3D. Ngoài ra, còn gặp khó khăn về kỹ thuật, khách hàng.
PV: Nghề thiết kế 3D đã tạo cho Vũ những cơ hội, cũng như sự thăng tiến trong công việc như thế nào?
Phạm Anh Vũ: Em không biết gọi thế nào là thăng tiến trong công việc cả. Chỉ cần mình làm việc tốt, làm được nhiều việc => tiền nhiều => good!
PV: Theo như ban đầu Vũ tiết lộ, công việc hiện tại của bạn có đến 50% của sự may mắn, vậy Vũ có thể nói thêm về điều này không? May mắn như thế nào đã đưa bạn đến với nghề?
Phạm Anh Vũ: Em bắt đầu đơn giản lắm, chỉ bằng cách post gallery của mình lên cgtalk. Một hôm em nhận được khách hàng đầu tiên của em, sau đấy em bắt đầu làm freelancer lần đầu tiên. Rồi từ đó dẫn đến những lần làm freelancer tiếp theo… Và cứ thế, em cứ tiếp tục làm freelance. Dần dần, em mở rộng được mối quan hệ. Một hôm, anh bạn em mở công ty riêng, em chuyển sang làm cố định ở đó, thỉnh thoảng cũng có làm freelancer ở ngoài.
PV: Lần đầu tiên nhận công việc cảm giác thế nào? Có chút lo sợ gì không?
Phạm Anh Vũ: Lúc ấy em thấy hơi lo lắng và bỡ ngỡ, vì tự nhiên có người gửi mail cho mình bảo muốn làm cái này cái nọ và chỉnh sửa theo ý của họ. Hơn nữa, đó lại là khách hàng người nước ngoài nên tạo cho mình một cảm giác không chắc chắn và không yên tâm (không biết có bùng mình không nữa – cười)… nói chung, cảm giác lúc ấy lẫn lộn lắm. Mà hồi đấy cũng cách đây 2 năm rồi, hồi ấy còn “non” lắm, chả như bây giờ đâu.
PV: Vậy lần đó làm việc có gặp khó khăn gì với Vũ không? Và Vũ đã làm gì với số tiền nhận được đó?
Phạm Anh Vũ: Lần đầu tiên đó khá suôn sẻ và không gặp khó khăn gì cả, vì lúc đấy họ chỉ giao việc để test mình thôi à, không rắc rối lắm. Lần ấy, em được trả 200$, đáng kể đấy chứ!. Em đã làm gì ý ạ? Hình như là ăn chơi hết sạch.
PV: Từ khi bắt đầu làm việc đến nay, Vũ cảm thấy mình làm việc nào thành công nhất?
Phạm Anh Vũ: Cách đây khoản 2 tuần, em có làm một image cho khách hàng nước ngoài. Mục tiêu của họ là thử nghiệm vào một số tạp chí để quảng cáo cho công ty. Bất ngờ là cái ảnh đấy được đăng trong tạp chí expose’ 6 – sắp phát hành vào tháng 6 này. Là tạp chí về digital art, có cả 2D lẫn 3D được bầu chọn là đẹp nhất trong mỗi năm nên nói chung với em đây là một thành công lớn và đầy bất ngờ. Thực sự, từ lâu, em đã hy vọng có một bài được đăng trong cái tạp chí này rồi.
(http://www.ballisticpublishing.com/books/expose/)
PV: Vũ nhận thấy khả năng sáng tạo trong nghề này như thế nào?
Phạm Anh Vũ: Theo em thì khả năng sáng tạo thì gần như không nhiều, vì đa phần mình làm theo những việc mình được giao.
Nếu gọi là sáng tạo thì mình sẽ chỉ làm những cái riêng của mình thôi, em thích được làm những thứ riêng và đúng sở thích của mình, nhưng lượng thời gian quá hạn hẹp, và thật khó để làm được điều này.
Hơn nữa vì 3D quá rộng nên nếu không thích làm game thì có thể làm về Kiến trúc, Quảng cáo, Hoạt hình…. Mình thích cái nào thì nên tập trung vào cái ấy ngay từ ban đầu.
Theo nhận xét khách quan của em, thị trường 3D Việt Nam khá đơn điệu, đa phần đều là kiến trúc 3D, nếu có thì thêm phim hoạt hình và game, kỹ xảo hầu như còn rất mới mẻ. Vì vậy, nhân lực thiếu nhiều, nếu có thì số lượng và trình độ không cao. Trong khi đó, nhân lực 3D kiến trúc lại chả thiếu bao giờ.
PV: Rất cảm ơn Vũ vì buổi trò chuyện cởi mở và thẳng thắn này, chúc Vũ ngày càng thành công trong công việc, hy vọng trong lần gặp kế tiếp sẽ được gặp Vũ ở một vai trò mới và có những đóng góp nhiều hơn nữa cho nền 3D VN.
Vũ Thị Thu – FPT Arena