Những quân sư cho doanh nghiệp

Bạn đang có trong tay một số vốn nho nhỏ nhưng không muốn nó ngủ yên, bạn đang chập chững muốn bắt đầu sự nghiệp kinh doanh hay bạn có một lượng hàng hóa cần bán nhưng chưa tìm ra giải pháp nào tốt nhất…, lúc ấy bạn hãy tìm đến một “quân sư”.

Gợi ý, làm bảng kế hoạch, vạch chiến lược marketing… xây dựng những dự án kinh doanh giúp doanh nghiệp… đó là công việc của những người làm tư vấn kinh doanh.

Công việc không phải ai cũng làm được

Khi tìm hiểu công việc này, bạn sẽ thấy, khai sinh một dự án kinh doanh, cứu một doanh nghiệp là việc không phải ai cũng làm được. Công việc của một người tư vấn kinh doanh yêu cầu phải nắm bắt và hiểu cặn kẽ những nhu cầu cần thiết của khách hàng. Từ những nhu cầu ấy, hồ sơ, thông tin liên quan từ môi trường xung quanh, xã hội… được tìm hiểu, thu thập đầy đủ, làm cơ sở cho những giải pháp kinh doanh khả thi sau này. Khả năng của tư vấn viên (TVV) kinh doanh phần lớn được đánh giá qua những giải pháp họ đưa ra. Nếu tư vấn viên có tầm nhìn, họ sẽ vạch ra những giải pháp để khách hàng của họ được lợi nhuận cao nhất và dài nhất. Và đó chỉ mới là nửa chặng đường thôi, tư vấn viên còn phải tiếp tục theo dõi, chỉnh sửa để đánh giá mức độ hiệu quả của dự án do mình vạch ra. Thời điểm kế hoạch đó đã đi vào hoạt động trôi chảy, vai trò của tư vấn viên mới thật sự chấm dứt.

Hãy rèn luyện để làm một “quân sư” giỏi

Trước tiên, nói về trình độ, các TVV trong lĩnh vực kinh doanh thường tốt nghiệp từ các trường đại học, cao đẳng về kinh tế, luật… ở các ngành: Luật kinh tế, Quản trị kinh doanh, Ngoại thương, Cao đẳng kinh tế đối ngoại… Và ngoài ra, để “tung hoành” được, họ phải hiểu biết rộng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, rành luật Việt Nam, thuế, những chính sách của nhà nước trong lĩnh vực họ tư vấn, địa bàn dân cư… Họ thường lăn lộn nhiều qua các lĩnh vực kinh doanh, nên am hiểu công việc, có kinh nghiệm và có tầm nhìn rộng hơn những người khác trong việc vạch chiến lược. Nhạy bén, Kiên trì và sáng tạo cũng là những phẩm chất mà một nhà tư vấn phải có. Sự kiên trì, bãn lĩnh trước khó khăn giúp cho các TVV đối mặt và vượt qua được những trở ngại khi thực hiện dự án. Sự nhạy bén, sáng tạo trong cách nghĩ, trong công việc giúp họ có những bản dự án hay, thuyết phục và chiến lược marketing của khách hàng độc đáo hơn.

Lò luyện “quân sư”

Anh Hoàng Vũ (GĐ Trung tâm tư vấn kinh tế Thanh Niên TP.HCM) cho biết: “Ở Việt Nam, vẫn chưa có một ngành đào tạo chính thức về tư vấn kinh doanh. Nghề dạy nghề vẫn được xem là cách học phổ biến hiện nay của các tư vấn viên VN. Tuy nhiên, từ những xuất phát điểm ban đầu: nhà kinh tế học, luật sư, nhà tâm lí… bạn đều có thể đến với nghề này dưới góc độ chuyên môn của mình. Và để nâng cao “tay nghề”, bạn có thể chọn học thêm những khóa học tư vấn doanh nghiệp, tư vấn trong lĩnh vực marketing của trường đại học Marketing TP.HCM, trường đại học Kinh tế Quốc dân, Hà Nội, đại học Kinh tế TP.HCM…”.

Triển vọng và thu nhập

Hiện nay, tư vấn doanh nghiệp được xem là một trong những nghề thời thượng. Nhà tư vấn làm việc theo nhóm, hoạt động trong những công ti TNHH tư vấn tư nhân, bạn có thể có thu nhập từ 300 – 500 USD là bình thường. Trong vai trò của một tư vấn viên độc lập, thu nhập đó có thể từ 1.000 USD trở lên, tùy theo những dự án kinh doanh lớn, nhỏ mà bạn thực hiện.

Nếu bạn mê tìm hiểu và nghiên cứu thị trường, thậm chí, mê xem quảng cáo trên tivi và mê làm “quân sư”, sao không thử nghĩ đến TƯ VẤN KINH DOANH như nghề nghiệp tương lai của mình để bắt đầu chuẩn bị từ hôm nay nhỉ?

Thúy Vy (Muctim Online)

Cùng chuyên mục