Những người thầy thầm lặng

Năm học sắp kết thúc, cũng là lúc các con được khen thưởng, các bố mẹ nói lời cảm ơn đối với các thày cô. Tuy nhiên, có những người thầy thầm lặng ở bên ngoài nhà trường. Đó là những nhà giáo đã về hưu, những giáo viên nghiệp dư, những gia sư dạy toán, dạy văn, dạy vẽ, dạy đàn, dạy võ…

Rất nhiều những người thầy/cô thầm lặng ở bên ngoài nhà trường

Tôi viết bài này để cảm ơn những người thầy như vậy, bởi nhiều khi người ta nghĩ họ đã nhận tiền thì việc gì phải cảm ơn. Nhưng cuộc sống đâu có đơn điệu thế!

Câu chuyện sau đây là có thật. Tôi xin kể lại như một lời tri ân với những người thầy thầm lặng.

Năm ấy con gái tôi lên lớp 10. Từ nhỏ, tôi vẫn muốn con tự lực, nên không cho con đi học thêm. Nhưng sang đầu học kỳ II lớp 9 thì con kêu không thể tự “bơi” được nữa, vì cả lớp đều đi học thêm và ở trường không ai dạy gì. Ngoại ngữ và văn thì con không ngại, nhưng toán thì con lo lắm.

Hai vợ chồng cuống quít hỏi thăm tìm thầy phụ đạo cho con. Hà Nội có hàng trăm thày cô và trung tâm luyện thi vào 10. Nếu cứ theo quy luật ‘tiền nào của ấy’ thì theo học mấy thầy cô có tiếng tăm đang dạy trường chuyên là nhất. Nhưng sự thật nhiều khi không phải vậy. Lớp thì quá xa, lớp thì đông như lò luyện thi đại học. Thầy giáo giao bài qua loa theo cả nghĩa đen vào nghĩa bóng, vì thầy phải nói qua micro. Những trung tâm vắng hơn thì giáo viên lại trẻ, có người mới vừa ra trường.

Hoang mang, tôi mò lên mạng tìm. Hồi đó chưa có Facebook như bây giờ, nên tôi phải sục sạo khắp các diễn đàn của học sinh và sinh viên để xem phản hồi về các thầy cô. Nhưng học sinh khi ấy còn đương kín tiếng lắm. Đang nản thì bắt gặp một bạn học sinh du học bên Đức viết cho đàn em, nói về một thày dạy toán tên là Th. Em tả về thầy: quần sóc, may ô, quạt máy vù vù, người đầy mùi thuốc lá, nhưng giảng cực hay. Lần mò theo những mẩu chuyện qua lại không đầu không đuôi của đám học sinh, tôi tìm ra nhà thày ở khu đô thị cũ.

Lớp học ở ngay tầng trệt, cửa thông ra đường. Thấy tôi đứng ngoài, thầy, một người đàn ông trung niên dáng đậm với khuôn mặt chữ điền, ra hỏi:

– Xin lỗi, anh là phụ huynh..?

– Vâng, tôi là phụ huynh của cháu Mỹ Anh đây. Cháu muốn được theo học thầy. Tôi tìm được địa chỉ của thầy trên diễn đàn của các cháu học sinh trên mạng.

– À… Vậy anh và cháu vui lòng chờ lớp tan rồi ta nói chuyện.

9 giờ tối lớp tan. Thầy cho Mỹ Anh vào căn nhà ngang làm bài kiểm tra đầu vào. Lát sau thầy ra ngoài nói chuyện với tôi. Nghe tôi kể từ bé con chưa học thêm gì. Thầy có vẻ đăm chiêu:

– Các cháu ở đây tôi kèm từ năm lớp 6. Giờ đã học xong chương trình THCS rồi, chỉ còn luyện thi thôi. Nếu cháu nhà anh yếu quá thì tôi đành xin lỗi…

Tôi rút bao thuốc, mời thầy và rít một hơi:

– Thưa thầy, cháu nhà tôi 8 năm đạt học sinh giỏi, cấp 1 tham gia đội tuyển toán, cấp 2 tham gia đội tuyển môn ngoại ngữ và môn sinh. Nếu được thầy dìu dắt, tôi tin cháu sẽ đuổi kịp các bạn.

Thầy chăm chú nghe tôi, rồi nhìn đồng hồ và bảo Mỹ Anh nộp bài. Cũng với vẻ chăm chú ấy, thầy ngồi khoanh từng lỗi đỏ. Tôi nhìn theo mỗi đường khoanh và chữ Sai, mà thấy như chính mình đang bị cho điểm kém (!).

Chấm lỗi xong, thầy ghi điểm 5 và bảo: Cháu hổng khá nhiều, nhưng qua cách làm bài thấy tư chất thông minh. Mai anh cho cháu tới tôi kèm riêng một buổi, rồi ngày kia vào học cùng các bạn. Tôi thở phào nhẹ nhõm. Từ đấy, một tuần hai buổi, bố con đưa nhau 7 cây số đến nhà thầy. May nhà có xe nên dù đi học, đi làm về mệt, vội vàng ăn, vội vàng đi, vẫn kịp. Những hôm mưa gió, nước ngập trắng đường nhưng vẫn không bỏ buổi nào.

Tôi với thày theo thời gian thành ra đôi bạn. Nhiều buổi dạy xong, thầy đưa Mỹ Anh ra tận quán cafe nơi tôi ngồi đợi, bảo: “Trao trả tận tay bố Thắng.” Tôi mời thày cafe, thầy mời tôi bia. Dần dà, thầy kể tôi nghe câu chuyện đời mình.

Thầy vốn là dân sư phạm toán. Tốt nghiệp loại ưu, thầy được phân công dạy ở một trường danh tiếng của Hà Nội. Được 2 năm, Phòng GD nhấc thầy lên làm thanh tra chuyên môn. Không nhận phong bì, thầy bị cho về vườn. Từ đó thầy bôn ba, có thời gian sang tận Đông Âu làm thợ. Cuộc sống sáng sủa dần lên khi thầy lập gia đình với một cô giáo cấp II. Cô cũng là giáo viên dạy toán. Khi thời bao cấp qua đi, thầy cô mở lớp phụ đạo cho học sinh yếu kém. Với tư chất thông minh của mình cộng với lòng yêu trẻ, sau vài năm, thầy trở thành giáo viên chính, còn cô là phụ. Học sinh theo học có lúc hơn một ngàn.

Lớp thày dạy Mỹ Anh có 33 học sinh. Số kém nhất khi kiểm tra cũng được trên 7. Sau 1 tháng, Mỹ Anh đã theo được số đó. Thời gian ấy, tôi nhận lời dạy tiếng Anh cho con gái của thày. Mỗi buổi tối, khi Mỹ Anh vào lớp ở tầng 1 thì tôi lên tầng 2 hướng dẫn cho cô bé chuyên Anh trường Ams cách học qua VOA, Internet… Một hôm, thầy gọi điện bảo: “Tôi muốn kèm riêng cho Mỹ Anh mỗi tuần một buổi.” Từ đấy, ngoài 2 buổi học cùng các bạn, Mỹ Anh còn tới học riêng với thầy. Trò làm bài, còn thầy vo gạo, rửa rau cho bữa chiều.

Thời gian thấm thoắt thoi đưa. Tiếng ve mùa hè trở nên im ắng khi mùa thi đến. Kết quả thi, Mỹ Anh được 59.5 điểm, trong đó toán được 9.5.

Giờ đây, mỗi lần con gái về Việt Nam, hai bố con vẫn đưa nhau đến thăm nhà thầy. Nhìn mái tóc bạc và làn da ngăm xạm thời gian cùng đôi bàn tay lấm lem bụi phấn, nhiều khi tôi tự hỏi: Vì sao một người THẦY như vậy lại không ở trong hệ thống giáo dục của Việt Nam?

Theo: Trương Phan Việt Thắng (Giáo dục /DT)

Cùng chuyên mục