(Hiếu học) “Thí sinh dự thi không nhất thiết phải dự thi theo cụm mà dự thi theo điều kiện thuận lợi nhất của mình”. Để tránh thiếu sót khi làm hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) ĐH – CĐ 2011, các thí sinh cần lưu ý những điểm sau đây:
Mỗi thí sinh có 3 nguyện vọng
Thí sinh dự thi tại trường nào thì làm hồ sơ ĐKDT vào trường đó; Thí sinh đã dự thi ĐH theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT, nếu không trúng tuyển nguyện vọng 1 đã ghi trong hồ sơ đăng ký dự thi, có kết quả thi từ điểm sàn trở lên, được sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi ĐH ngay năm đó để nộp hồ sơ đang ký xét tuyển (ĐKXT) vào các trường còn chỉ tiêu xét tuyển hoặc không tổ chức thi tuyển sinh, có cùng khối thi và trong vùng tuyển quy định.
Thí sinh đã trúng tuyển vào một trường (hoặc một ngành, nếu trường xét tuyển theo ngành) không được xét tuyển vào trường khác (hoặc ngành khác).
Thí sinh dự thi vào ngành năng khiếu, nếu không trúng tuyển vào trường đã dự thi, được đăng ký xét tuyển vào đúng ngành đó của những trường có nhu cầu xét tuyển, nếu đúng vùng tuyển quy định của trường và có các môn văn hoá thi theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT.
Thí sinh dự thi CĐ theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT, nếu không trúng tuyển nguyện vọng 1 đã ghi trong hồ sơ đăng ký dự thi, có kết quả thi từ mức điểm tối thiểu quy định trở lên (không có môn nào bị điểm 0), được sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi CĐ ngay năm đó để nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào các trường cao đẳng hoặc hệ cao đẳng của các trường đại học còn chỉ tiêu xét tuyển, cùng khối thi và trong vùng tuyển quy định.
Thời gian nhận hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ năm 2011 bắt đầu từ ngày 14/3 đến 14/4. Các thí sinh tự do nộp tại các địa điểm sở GD-ĐT qui định từ 15/4 đến 21/4
Bộ GD-ĐT quy định Hồ sơ ĐKDT đầy đủ gồm có:
Một túi hồ sơ và 2 phiếu ĐKDT có đánh số 1 và 2; Ba ảnh chụp theo kiểu chứng minh thư cỡ 4x6cm có ghi họ, tên và ngày, tháng, năm sinh của thí sinh ở mặt sau (một ảnh dán trên túi đựng hồ sơ, hai ảnh nộp cho trường); Bản sao hợp lệ giấy chứng nhận là đối tượng ưu tiên (nếu có); Ba phong bì đã dán sẵn tem và ghi rõ địa chỉ liên lạc của thí sinh để các sở GD&ĐT gửi giấy báo dự thi, giấy chứng nhận kết quả thi (hoặc giấy báo điểm) và giấy báo trúng tuyển. (Xem thêm: Cách khai hồ sơ ĐKDT Đại học – Cao đẳng)
Đối với thí sinh là đối tượng tốt nghiệp trung cấp nghề (hệ THCS) phải có xác nhận đã học đủ khối lượng và thi đạt các môn văn hóa THPT theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Hồ sơ đăng ký xét tuyển gồm có: Giấy chứng nhận kết quả thi do các trường tổ chức thi cấp (có đóng dấu đỏ của trường). Một phong bì đã dán sẵn tem và ghi rõ địa chỉ liên lạc của thí sinh để trường thông báo kết quả xét tuyển.
Thủ tục nộp hồ sơ ĐKDT, hồ sơ ĐKXT và lệ phí tuyển sinh
Thí sinh nộp hồ sơ ĐKDT, lệ phí ĐKDT và cước phí vận chuyển hồ sơ tại nơi tiếp nhận theo quy định của Sở GD-ĐT. Các Sở GD-ĐT sẽ chuyển hồ sơ ĐKDT, lệ phí ĐKDT cho các trường.
Khi hết thời hạn nộp hồ sơ ĐKDT, lệ phí ĐKDT theo quy định của Sở GD-ĐT, thí sinh nộp ĐKDT và lệ phí ĐKDT trực tiếp tại trường.
Sau khi nộp hồ sơ ĐKDT, nếu phát hiện có nhầm lẫn, sai sót, thí sinh phải thông báo cho trường trong ngày làm thủ tục dự thi để kịp sửa chữa, bổ sung.
Những thí sinh đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia lớp 12 THPT; đạt giải hoặc đẳng cấp thể dục thể thao, nghệ thuật, nộp thêm giấy chứng nhận đạt giải hoặc giấy chứng nhận đẳng cấp trong ngày làm thủ tục dự thi.
Về thủ tục nộp hồ sơ ĐKXT và lệ phí ĐKXT: Theo đúng thời hạn quy định trong lịch công tác tuyển sinh ĐH, CĐ của Bộ GD-ĐT, thí sinh nộp hồ sơ ĐKXT và lệ phí ĐKXT qua đường bưu điện chuyển phát nhanh hoặc chuyển phát ưu tiên. Thí sinh cũng có thể nộp hồ sơ ĐKXT và lệ phí ĐKXT trực tiếp tại trường, hiệu trưởng các trường chịu trách nhiệm trong tất cả các khâu: tổ chức thu nhận, vào sổ, quản lí, cấp biên lai cho thí sinh,…
Hồ sơ và lệ phí ĐKXT của thí sinh dù nộp qua đường bưu điện chuyển phát nhanh hoặc dịch vụ chuyển phát ưu tiên hoặc nộp trực tiếp tại các trường trong thời hạn quy định của lịch công tác tuyển sinh, đều hợp lệ và có giá trị xét tuyển như nhau.
Quy định tuyển sinh của Bộ GD-ĐT yêu cầu, trước khi vào thi, thí sinh xuất trình giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời (đối với những thí sinh vừa dự kỳ thi tốt nghiệp) hoặc bản sao bằng tốt nghiệp (đối với những thí sinh đã tốt nghiệp những năm học trước).
Thí sinh không nhất thiết phải dự thi theo cụm
Ông Ngô Kim Khôi, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT cho biết: “Thí sinh dự thi không nhất thiết phải dự thi theo cụm mà dự thi theo điều kiện thuận lợi nhất của mình”.
Theo quy định hiện nay đang có 3 cụm thi quốc gia:
Tại Vinh cho 4 tỉnh: Nghệ an, Hà tĩnh, Quảng Bình, Quảng trị. Tất cả những thí sinh có hộ khẩu thường trú tại 4 tỉnh này nếu có nguyện vọng học tại những trường đại học đóng tại Hà Nội thì không phải ra các trường tại Hà Nội mà thi tại cụm thi Vinh, đỡ tốn kém, mất thời gian cho các thí sinh.
Cụm thi thứ hai tại Bình Định: Tổ chức thi cho thí sinh các tỉnh ở Nam Trung Bộ và Tây nguyên. Những thí sinh có hộ khẩu thường trú ở 7 tỉnh này có nguyện vọng học tại các trường đóng tại Hà Nội và TPHCM thì thi tại cụm thi Bình Định. Cụm thi Bình Định sẽ chuyển bài thi của thí sinh ra các trường tại Hà Nội và TPHCM.
Tại cụm thi Cần Thơ: Tổ chức thi cho học sinh có hộ khẩu thường trú tại 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long có nguyện vọng học tại các trường đóng tại TPHCM mà không phải về TPHCM dự thi.
Tuy nhiên, thí sinh có hộ khẩu thường trú tại tỉnh (thành phố) được chỉ định dự thi tại cụm thi TP Vinh, Quy Nhơn hoặc Cần Thơ nhưng tốt nghiệp THPT tại các tỉnh (thành phố) khác, thí sinh tự do không nhất thiết bắt buộc phải dự thi theo cụm mà có thể dự thi theo điều kiện thuận lợi nhất của mình. (Ví dụ: Các bạn ở Cần Thơ đi ôn thi ở TPHCM, có nguyện vọng thi tại TPHCM thì không bắt buộc phải về Cần Thơ dự thi).
Riêng thí sinh của các tỉnh thuộc ba cụm thi kể trên, nếu đăng ký dự thi vào các trường ĐH khối Quốc phòng và Công an hoặc các trường và các ngành năng khiếu vẫn phải đến trường ĐH, CĐ đó để dự thi (không dự thi ở cụm). Cụ thể là: Thể dục thể thao, Nghệ thuật, Mỹ thuật, Nhạc, Hoạ, Sân khấu điện ảnh, Kiến trúc, Mỹ thuật công nghiệp, Văn hoá quần chúng và các ngành năng khiếu của các trường sư phạm. (Xem thêm: – Điều kiện dự thi vào khối công an, quân đội; – Chọn học các ngành Nghệ thuật )
Trước ngày 25/5/2011, Trường ĐH chủ trì cụm thi sẽ thông báo địa chỉ cụ thể của các điểm thi và các phòng thi; số lượng thí sinh mỗi phòng thi.
Mỗi thí sinh có 2 giấy chứng nhận kết quả thi
Theo ông Ngô Kim Khôi (Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học – Bộ GD-ĐT), những thí sinh có nguyện vọng 1 học tại trường không tổ chức thi phải đăng ký dự thi tại một trường tổ chức thi (thi nhờ). Thí sinh có nguyện vọng 1 học tại trường không tổ chức thi tuyển sinh hoặc hệ CĐ của trường ĐH phải nộp hồ sơ ĐKDT và dự thi tại một trường ĐH tổ chức thi theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT có cùng khối thi; đồng thời nộp 1 bản photocopy mặt trước phiếu ĐKDT số 1 cho trường không tổ chức thi tuyển sinh hoặc hệ CĐ của trường ĐH. Những thí sinh này chỉ được xét tuyển theo nguyện vọng 1 vào trường không tổ chức thi hoặc hệ CĐ của trường ĐH.
Trường tổ chức thi phải chấm thi và in giấy chứng nhận kết quả thi số 1, số 2, phiếu báo điểm cho thí sinh này, sau đó theo đúng lịch tuyển sinh của năm, các trường tổ chức thi gửi toàn bộ dữ liệu kết quả thi, gửi giấy chứng nhận kết quả thi số 1, số 2, gửi phiếu báo điểm cho trường không tổ chức thi để các trường này làm thủ tục xác định biên bản trúng tuyển, in giấy trúng tuyển đối với những thí sinh có nguyện vọng học trường mình để gửi giấy triệu tập trúng tuyển.(Xem thêm: Thí sinh thi nhờ cần lưu ý)
Trong trường hợp không trúng tuyển, các trường này gửi chứng nhận thi kết quả số 1, số 2 cho thí sinh nếu có kết quả thi bằng hoặc cao hơn điểm sàn hệ cao đẳng nhưng không trúng tuyển vào trường.
Về gửi giấy báo điểm cho những thí sinh kết quả dưới điểm sàn hệ cao đẳng là các trường không tổ chức thi phải trực tiếp gửi chứ không thể các Sở GD-ĐT làm việc này vì các Sở không thể xét tuyển được – ông Khôi cho hay.
Chúc các bạn thành công trong kỳ tuyển sinh năm nay.
Tư vấn tuyển sinh (hieuhoc_hieuhoc.com)