Kinh nghiệm nhiều năm làm công tác thi ĐH, GS. TS. Nguyễn Quang Kim – Hiệu trưởng trường ĐH Thủy lợi và Hội đồng tuyển sinh Trường đã tổng kết những lỗi thường gặp trong công tác coi thi tuyển sinh.
Lỗi thường gặp đầu tiên là giám thị dán nhầm danh sách thí sinh ở phòng thi này sang phòng thi khác; không có sơ đồ chỉ rõ phòng thi tại điểm thi hay sơ đồ vẽ khó hiểu, khó xem. Có phòng thi không đánh số báo danh theo quy định.
Ban chỉ đạo điểm thi không chuẩn bị phiếu bốc thăm phân công cán bộ coi thi cho từng phòng thi; không phân công nhiệm vụ cụ thể hoặc không duyệt phương án của lực lượng bảo vệ khu vực thi.
Một số cán bộ coi thi cũng dễ mắc lỗi đến muộn; không phổ biến đầy đủ cho thí sinh những nội dung cần lưu ý trong quy chế tuyển sinh và những vật dụng bị cấm mang vào phòng thi; trả lời cho thí sinh không đúng quy chế; nghe nhầm hiệu lệnh và bóc đề thi sớm hơn quy định; không ngồi đúng vị trí, nói chuyện, làm việc riêng;
Cán bộ coi thi thu giấy ưu tiên, giấy chứng nhận cộng điểm … nhưng không để vào “túi phòng thi” hoặc không bàn giao đủ cho phòng đào tạo ĐH và sau ĐH;
Khi gọi thí sinh vào phòng thi, cán bộ coi thi không quan sát, đối chiếu thí sinh vào phòng thi so với album ảnh và ảnh trong thẻ dự thi;
Cán bộ coi thi 1 ký giấy thi trước khi thí sinh ghi đầy đủ các mục trong giấy thi;
Cán bộ giám sát phòng thi không giám sát khu vực phân công ngay từ khi cán bộ coi thi gọi thí sinh vào phòng thi
Cán bộ coi thi gạch nhầm tên những thí sinh đang dự thi; cho thí sinh đã bỏ thi (hoặc bị đình chỉ thi) môn trước vào thi môn tiếp ở buổi mình coi thi; sử dụng bút đỏ để ký giấy thi;
Cán bộ coi thi để thí sinh mang vật dụng cấm vào phòng thi; cho thí sinh ký trước vào danh sách thu bài thi; đình chỉ thi thí sinh mà không báo cho trưởng điểm thi hoặc xử lý thí sinh vi phạm quy chế không đúng quy định; để quên bài thi của thí sinh; không xếp bài thi theo thứ tự của danh sách thi khi nộp bài cho Ban thư ký điểm;
Cán bộ coi thi dùng bút gạch vào bài thi hoặc giấy nháp của thí sinh; quên không yêu cầu thí sinh ghi đầy đủ mã đề thi vào 2 danh sách thu bài thi; quên không yêu cầu thí sinh ký vào 2 danh sách khi thu bài thi trắc nghiệm;
Cán bộ coi thi 1 ký vào phiếu trả lời trắc nghiệm khi thí sinh chưa ghi rõ và đầy đủ thông tin vào mục từ 1-9;
Cán bộ coi thi để cả 2 danh sách thu bài coi thi trắc nghiệm vào túi bài thi; ký nhầm vào vị trí của cán bộ chấm thi, sau một thời gian thí sinh làm bài mới phát hiện ra và yêu cầu thí sinh đổi tờ giấy thi;
Cán bộ coi thi khi xử lý thí sinh vi phạm quy chế đã dung bút gạch vào bài của thí sinh; để cho thí sinh không ghi và tô mã đề thi ở bài thi trắc nghiệm;
Cán bộ coi thi gạch tên thí sinh vắng trong danh sách nhưng không ghi vào nhật ký theo dõi phòng thi;
Thư ký điểm thi không ký vào biên bản bàn giao bài thi và tình hình môn thi;
Cán bộ coi thi khi phát đề thi trắc nghiệm để cho 2 thí sinh trùng mã đề thi ngồi gần nhau;
Cán bộ coi thi để thí sinh thi ghi nhầm số tờ giấy thi vào phần điểm kết luận của bài thi;
Cán bộ coi thi để thí sinh ghi lên bài thi số báo danh khác với số báo danh thực tế của thí sinh nhưng vẫn cho thí sinh nộp bài và ký nhận theo số báo danh thực của thí sinh.
GS. TS. Nguyễn Quang Kim cho biết: Nhiều năm nay, trong mỗi kỳ tuyển sinh, Trường ĐH Thủy lợi đều chuẩn bị một “Cẩm nang hướng dẫn coi thi”, giúp cán bộ, giảng viên, sinh viên tham gia công tác tuyển sinh của trường nắm được những thông tin quan trọng, đáng lưu ý nhất trong kỳ thi cũng như khi thực hiện nhiệm vụ.
Một số nội dung quan trọng của cuốn cẩm nang này là chi tiết lịch thi tuyển sinh; hướng dẫn công việc của Ban chỉ đạo điểm thi; hướng dẫn công việc của thư ký điểm thi; những công việc chính và những điều cán bộ coi thi cần lưu ý; phổ biến tại trường thi…
Mỗi năm, cuốn cẩm nang này đều được cập nhật, bổ sung… cho chính xác, phù hợp.
Nguồn GD&TĐ