Những lời khuyên của giáo sư Harvard

Các giáo sư Harvard thường có những lời khuyên bổ ích dành cho sinh viên của mình. Dưới đây là tập hợp những lời khuyên có giá trị, đặc biệt dành cho các sinh viên châu Á.

Hoạt động ngoại khóa của sinh viên Harvard. Nguồn: harvard.edu.

Đừng mắc nợ. Nếu phải lựa chọn giữa một đại học công lập nhỏ, bình thường với một đại học tư lớn, danh giá nhưng đắt đỏ, hãy chọn cái đầu tiên. Việc không mắc nợ tiền học phí sẽ khiến bạn nhẹ nhõm và có lợi hơn nhiều.

Tự kiếm tiền trang trải khi học đại học. Đây chính là quá trình tích lũy kinh nghiệm làm việc. Điều này rất quan trọng, nhưng đa phần sinh viên châu Á không làm được, thậm chí một số còn cho rằng không cần thiết. Kỳ thực, những người tự kiếm tiền trang trải mới là những người biết giá trị của cuộc sống.

Đừng học tiến sĩ chuyên ngành khoa học xã hội, trừ khi bạn không thể sống thiếu học thuật. Việc học tiến sĩ chẳng giúp được gì cho những công việc trên thực tế.

Đừng học luật, trừ khi bạn có thần kinh thép. Luật sư luôn phải đại diện đi đòi quyền lợi cho người khác, áp lực vô cùng lớn. Tự sát là nguyên nhân đầu tiên trong bảng xếp hạng về những cái chết bất thường của giới luật sư. (Ở Harvard, môn tâm lý học về “hạnh phúc” là một trong những môn “hot” nhất).

Đừng sống theo kỳ vọng của cha mẹ, hãy làm những công việc mình thật sự yêu thích. Carly Fiorina, nữ CEO của tập đoàn máy tính khổng lồ Hewlett-Packard, đã từng nói: “Đừng bao giờ bán linh hồn mình.”

Tích cực tham gia các hoạt động tập thể. Qua những hoạt động này, bạn sẽ biết làm cách nào để giao tiếp được với mọi người cũng như cảm thông, giúp đỡ người khác. Đây chính là cơ sở cho “tố chất lãnh đạo” thường được nhắc tới trong văn hóa Mỹ. Khi xin việc, bạn sẽ được chú ý đặc biệt. Đừng bao giờ nghĩ rằng những hoạt động mình tham gia chỉ gói gọn trong phạm vi nhà trường mà thôi.

Hãy chơi thể thao. Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, những người say mê một môn thể thao trong trường đại học, sau khi ra trường sẽ có thu nhập cao hơn nhiều so với người không bao giờ chơi thể thao. Người Mỹ chơi thể thao không phải chỉ để tăng cường thể lực, mà còn để rèn luyện đấu chí và tố chất lãnh đạo. Không ai có thể cạnh tranh với đội trưởng một đội thể thao trong trường đại học, ngay cả khi anh ta đi xin việc ở phố Wall.

Hãy tập làm một vài việc mà bạn không thạo. Như Socrates đã từng nói, người ta vị tất đã hiểu hết bản thân. Thế nên, hãy cho bản thân một cơ hội mới.

Lấy chính mình để định nghĩa thành công, đừng lấy những thứ bên ngoài (chẳng hạn như tiền) để định nghĩa thành công.

Công việc tốt do chính mình tìm thấy, chứ không phải từ trên trời rơi xuống.

Học môn nghệ thuật biểu diễn. Xã hội Mỹ là một sân khấu lớn. Từ giáo sư, chính trị gia, CEO, đến luật sư, ký giả, nhà quân sự… không biết biểu diễn thì đều khó ngóc đầu lên được.

Học cách khen ngợi người khác. Biết cách làm một diễn viên giỏi, đồng thời cũng phải biết cách làm một khán giả tốt. Đôi khi bạn thấy quan hệ con người trong xã hội Mỹ có vẻ hơi xa cách, đó chẳng qua là vì thiếu những lời ấm áp và những cử chỉ chân thành.

Sử dụng dịch vụ vụ tư vấn nghề nghiệp. Một phần không thể thiếu của đại học Mỹ chính là cơ quan tư vấn hướng nghiệp. Đội ngũ chuyên nghiệp sẽ giúp bạn phân tích sở trường, sở đoản cá nhân, phân tích tình hình thị trường, đưa ra lời khuyên về nghề nghiệp cũng như bí quyết phỏng vấn thành công, và giúp bạn sửa đơn xin việc.

Điềm tĩnh khi bị từ chối.

Đừng ngạo mạn. Dù có đậu vào Harvard cũng đã là gì ghê gớm!

Đừng quá cầu toàn. Đừng tạo cho mình những áp lực không cần thiết. Sống đâu chỉ có học hành và công việc, còn bao nhiêu thứ khác nữa chứ!

Khi có mục tiêu, hãy viết ra giấy. Đừng phí thời giờ nghĩ vẩn vơ, chỉ có hành động mới giúp được bạn.

Theo (Xinhua/Giáo dục-VNNet)

Bài liên quan

Tìm học ở nhiều lĩnh vực

(hieuhoc_hieuhoc.com) Để có thể thảo luận mọi chuyện với tất cả mọi người, để có thể thành công trong giao tiếp và trong công việc, bạn hãy làm quen dần với các lĩnh vực không phải là sở trường của bạn… 

Làm gì sau khi rời ghế nhà trường?

(hieuhoc_hieuhoc.com) Bạn sẽ làm gì sau khi rời ghế nhà trường? Bạn đã sẵn sàng để đối mặt với những điều đang đợi sau khi bạn tốt nghiệp? Môi trường lý tưởng cho bạn sống và làm việc như thế nào? 

Cùng chuyên mục