(hieuhoc_hieuhoc.com): Những kỹ năng mềm thuộc về tính cách con người, không mang tính chuyên môn như những môn học trong trường đại học nhưng lại quyết định rất nhiều đến cuộc sống của bạn.
Làm việc nhóm (Team work): Là kỹ năng tương tác giữa bạn với các các thành viên trong một nhóm để cùng thực hiện một công việc sao cho hiệu quả. Làm việc nhóm là sự nhân lên của nhiều khối óc, nhiều cánh tay, đúng như cha ông ta vẫn có câu: “Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Tuy nhiên, mỗi người có một cá tính riêng nên đòi hỏi mỗi thành viên trong nhóm phải có kỹ năng này để có thể hòa hợp với nhau, cùng phát huy mặt mạnh của mỗi người để thúc đẩy công việc phát triển.
Trong kỹ năng làm việc nhóm, bạn cần phải nắm vững các yêu cầu sau: Xác định người có vai trò chính; Phát triển quá trình làm việc; Kỹ năng quản lý hội họp; Sáng tạo và kích thích tiềm năng của mỗi người.
Làm việc độc lập (Independent work): Trong khi kỹ năng làm việc nhóm yêu cầu sự hợp tác thì kỹ năng này lại yêu cầu bạn phải có sự độc lập trong suy nghĩ và hành động. Một khi bạn phải một mình giải quyết vấn đề nào đó thì kỹ năng này sẽ phát huy tác dụng giúp bạn hoàn thành công việc.
Trong kỹ năng này, bạn cần phải có khả năng tự quyết cao độ, tinh thần luôn vững vàng trước mọi tình huống.
Giải quyết vấn đề (Problem solvihng): Là cách thức suy nghĩ nhằm làm rõ và đưa ra giải pháp thực thi để nhanh chóng cải tiến một vấn đề, cốt lõi là tìm cách đạt được mục đích khi gặp trở ngại hoặc chỉ có những điều kiện rất hạn chế để thực hiện mục đích.
Kỹ năng này gồm: Xác định vấn đề; Phân loại; Mô hình hoá; Sử dụng các công cụ để giải quyết; Lên quy trình giải quyết.
Kỹ năng giao tiếp (Communication): Mục đích của giao tiếp là phải truyền tải được các thông điệp đến người khác. Muốn truyền đạt thông tin một cách trọn vẹn và hiệu quả, bạn phải truyền đi được suy nghĩ cũng như ý tưởng của mình, làm sao cho đối phương cũng có thể suy nghĩ về vấn đề đó giống như bạn. Nếu không, những ý tưởng của bạn sẽ không được truyền đi đầy đủ, gây nên sự hiểu lầm và tạo ra những rào cản để bạn đạt được mục tiêu.
Nên ứng dụng kỹ năng giao tiếp qua các hoạt động: Thuyết trình trước đám đông; Truyền đạt thông tin; Lắng nghe và thu thập thông tin.
Tư duy phản biện (Critical thinking): Chúng ta tiếp nhận thông tin không chỉ đơn thuần là sự nhập liệu và duy trì thông tin một cách thụ động. Đó là quá trình tư duy tìm lập luận phản bác lại kết quả của một quá trình tư duy khác nhằm xác định lại tính chính xác của thông tin. Lập luận phản biện cần phải rõ ràng, logic, đầy đủ bằng chứng và khách quan.
Ngô Nghê
(Chú ý: Hãy ghi rõ nguồn: “Ngô Nghê – Theo hieuhoc_hieuhoc.com” khi xuất bản lại nội dung bài viết này)