Khi đi học ở mỗi quốc gia, bạn sẽ khám phá được rất nhiều điều hay và tuyệt vời mà chính bạn cũng không ngờ tới.
Đi du học, bạn sẽ khám phá ra rất nhiều điều hay ho từ các quốc gia khác.
Ai cũng biết ra nước ngoài du học sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho sự nghiệp sau này của chúng ta. Nhưng bên cạnh đó, việc trải nghiệm nền học vấn, cuộc sống sinh hoạt ở mảnh đất khác cũng mang đến cho chúng ta rất nhiều khám phá lý thú đấy nhé!
Khám phá một đất nước khác
Thùy Anh (Du học sinh Nhật Bản) đã “đóng đô” ở đất nước mặt trời mọc được hơn một năm. Bạn ấy chia sẻ: “Trẻ con ở Việt Nam từ nhỏ đã được dạy rằng nước ta rừng vàng biển bạc đất phì nhiều, tài nguyên thiên nhiên màu mỡ. Nhưng trẻ con Nhật Bản lại được học rằng Nhật là một nước nghèo, rất nghèo, không có tài nguyên.
Sở dĩ người Nhật có thể tồn tại và phát triển đến bây giờ là do cần cù lao động mà ra. Sự khác biệt này xuất phát một phần từ đặc điểm khác nhau của mỗi nước. Nhưng tớ nghĩ, chính cách giáo dục rằng mình nghèo đó đã khiến người Nhật có đủ nghị lực để kiên cường trước sóng gió, vươn lên làm giàu, trở thành niềm ngưỡng mộ của biết bao quốc gia bè bạn”.
Học vì bản thân, học vì niềm tự tôn dân tộc
Theo tâm sự của Duy Anh (22t, du học sinh Anh), tất cả những sinh viên bên đó đều lao đầu vào học, vất vả vô cùng. Họ học ngày học đêm, bám trụ ở thư viện không cả về nhà. Tất cả chỉ để vượt qua những kì thi cam go. Nhiều bạn du học sinh Việt Nam còn không có nhiều thời gian để liên lạc về nhà. Tuy rất nhớ, nhưng các bạn ấy phải động viên nhau cố gắng. Vì: “Nếu cứ chui trong chăn khóc nhớ nhà hoặc ôm laptop cả ngày để chat với bạn bè ở Việt Nam, chẳng biết khi nào mình mới hoàn thành xong chương trình học để trở về. Vậy nên cứ gồng mình mà sống thôi!”
Tại sao các bạn ấy phải học nhiều như vậy? Có phải chỉ vì thành tích cá nhân? Mai Lan (21t, du học sinh Úc) đã rất tự hào khoe với chúng tớ về bảng thành tích khá ổn của bạn ấy. “Trường tớ đang học có đông bạn bè quốc tế lắm. Nên thầy cô cũng có thiên hướng nhìn học trò mà đánh giá “tiềm năng” của cả một đất nước đó. Tớ muốn làm rạng danh Việt Nam, muốn các thầy nghĩ về Việt Nam với những ấn tượng tốt nên luôn chăm chỉ học hành để có được kết quả tốt. Và may mắn đã mỉm cười, các thầy giáo của tớ cũng đã dành rất nhiều lời khen cho du học sinh Việt Nam đấy nhé!” – Mai Lan chia sẻ.
Mọi thứ đều có thể được đưa vào sách
Yến Anh (du học sinh Mỹ) cho hay, trường ĐH Rutgers đã mở chuyên ngành học mang tên “Chính trị hóa Beyonce”. Bởi theo đánh giá của trường, ca sĩ Beyonce Knowles là một tấm gương sáng về chính trị và có tác động tích cực tới nhận thức của giới trẻ. “Ở Việt Nam mình, cứ thấy ca sĩ nào được đưa vào sách là mang ra bàn tán, nghĩ chuyện đúng sai, nên chăng. Ra nước ngoài mới thấy, việc các ca sĩ có thể nổi hoặc không được đưa vào sách cũng là chuyện bình thường. Họ coi đó như những ví dụ phổ thông khác thôi mà” – Nam, du học sinh Hàn Quốc nói.
Đừng sống theo những gì người khác nghĩ
Đa phần mọi người đều nghĩ rằng ra nước ngoài du học đồng nghĩa với việc gia đình bạn giàu có và tương lai bạn hứa hẹn và rộng mở. Nhưng sự thực liệu có như vậy. Thùy Linh (du học sinh Úc) nói: “Tớ và bạn bè của mình xin đi làm thêm ở một cửa hàng ăn đồ Á, cũng vất vả lắm, nhưng tiền lương đủ để trang trại sinh hoạt tối thiểu. Up ảnh lên Facebook, bạn bè ở nhà đứa nào cũng kêu rằng sao phải khổ thế, có đứa còn làm ra vẻ vỡ mộng cơ. Nhưng có đi mới hiểu, dù khá giả đến đâu ở Việt Nam thì ra nước ngoài, bạn vẫn chỉ nghèo khó như đại bộ phận du học sinh khác mà thôi. Đừng ham hư danh, sợ bạn bè chê cười vì làm thêm mà bỏ việc. Hãy sống theo cách bạn mong, đừng làm theo những gì họ muốn.”
Đi du học, bạn sẽ học được nhiều thứ hơn là chỉ kiến thức sách vở!
Nguồn: Sưu tầm