(Hiếu học) Đề án Phổ cập giáo dục mầm non giai đoạn 2010-2015 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu chung là bảo đảm hầu hết trẻ em 5 tuổi ở mọi vùng, miền được đến lớp. Với kinh phí gần 15 nghìn tỷ đồng, ngoài phần đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi, đề án sẽ thực hiện đào tạo mới và bồi dưỡng cho 22.400 giáo viên phục vụ việc chăm sóc, giáo dục trẻ 5 tuổi tại các cơ sở giáo dục mầm non
Hiện Bộ Giáo dục cũng đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính xây dựng dự án giáo dục mầm non cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Theo đó, trong giai đoạn 2011- 2015, khoảng 50 triệu USD sẽ được dùng để đầu tư cho trẻ thiệt thòi. Đây là kinh phí được sử dụng từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng thế giới.
Nghề không lo thất nghiệp
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, trong năm học 2010-2011, các cơ sở giáo dục mầm non trên cả nước còn thiếu hơn 20.000 giáo viên. Đây là khó khăn không nhỏ đối với ngành GD-ĐT, đặc biệt trong năm học 2010-2011 này khi đang triển khai đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.
Tại Hà Nội, con số giáo viên mầm non còn thiếu là 3.000 người. Để bổ sung nguồn giáo viên, đồng thời triển khai hiệu quả đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, lãnh đạo TP Hà Nội đã thông qua cơ chế cho hơn 26.000 giáo viên đang làm hợp đồng được hưởng các chế độ, chính sách như viên chức nhà nước; giao quyền tuyển dụng gần 5.000 giáo viên vào biên chế nhà nước cho các quận, huyện, thị xã…
Sở GD-ĐT TP.HCM vừa có công văn gửi các trường THPT về việc hướng dẫn cho học sinh lựa chọn ngành nghề phù hợp trong kỳ thi CĐ, ĐH sắp tới. Trong đó nhấn mạnh đến nhu cầu nhân lực cho ngành sư phạm mầm non và tiểu học. Theo Sở GD-ĐT, hiệnnhu cầu tuyển dụng giáo viên mầm non tại TP.HCM rất lớn nhằm đáp ứng cho công tác phổ cập giáo dục trẻ 5 tuổi. Từ nay đến năm 2013thành phố cần hơn 4.000 giáo viên mầm non, ngoài ra giáo viên tiểu học hiện cũng đang thiếu trầm trọng do số học sinh vào lớp 1 mỗi năm mỗi tăng.
Theo ông Phạm Ngọc Thanh (phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM): “Từ nay đến năm 2015 TP.HCM cần thêm khoảng 4.067 giáo viên mầm non, phải nói rằng nhu cầu về giáo viên mầm non đang trở nên bức thiết đối với sự phát triển của TP, nhất là trong giai đoạn TP đang thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Tôi bảo đảm những giáo sinh tốt nghiệp trường sư phạm mầm non nếu có tâm và đủ tay nghề sẽ có việc làm ngay trong vòng năm năm tới”.
Những năm gần đây, ngành Sư phạm không còn khó xin việc vì các cấp lúc nào cũng trong tình cảnh “khát giáo viên”. Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu về giáo viên mầm non ngày càng cao. Một số phụ huynh có điều kiện không thích gửi con ở trường công lập với sĩ số học sinh quá đông mà chấp nhận gửi con ở trường tư thục chất lượng cao, mỗi lớp chỉ có 6 đến 8 học sinh. Vì thế, khi tốt nghiệp ra trường, giáo viên mầm non có nhiều con đường để lựa chọn: nộp hồ sơ để được phân công nhiệm sở tại trường công lập hay đăng ký làm việc ở trường tư thục, làm giáo viên tự do giảng dạy tại nhà học sinh, hoặc nếu đủ điều kiện về tài chính thì có thể tự mở trường tư thục. Nhiều năm qua, TP.HCM đã có nhiều giáo viên mầm non mở trường tư thục và rất thành công”.
3 hệ đào tạo ngành giáo dục mầm non
Riêng trên địa bàn TP.HCM, hiện có ba trường: Đại học Sư phạm TP.HCM, Đại học Sài Gòn và Cao đẳng Sư phạm T.Ư TP.HCM có đào tạo ngành giáo viên mầm non. Có ba hệ đào tạo (dành cho những học sinh đã tốt nghiệp THPT hoặc bổ túc THPT, không khuyết tật, không bị dị dạng) là – Hệ trung cấp: thi đầu vào môn văn và năng khiếu (hát, múa minh họa, đọc, kể chuyện diễn cảm) học trong hai năm, tốt nghiệp sẽ nhận bằng trung cấp sư phạm mầm non; – Hệ cao đẳng: thi môn văn, toán, năng khiếu, học trong ba năm, nhận bằng cao đẳng sư phạm ngành giáo dục mầm non; – Hệ đại học: thi môn văn, toán, năng khiếu, học trong bốn năm, nhận bằng đại học sư phạm ngành giáo dục mầm non.
Hàng loạt trường ĐH, CĐ tăng chỉ tiêu ngành giáo dục mầm non để đào tạo nguồn giáo viên mầm non đang thiếu hụt trầm trọng.
Cụ thể: Trường ĐH Sư phạm TPHCM tuyển 130 chỉ tiêu (CT); Trường ĐH Sư phạm thuộc ĐH Huế tuyển 150 CT;Trường ĐH Sài Gòn tuyển 50 CT hệ ĐH và 350 CT hệ CĐ; Trường ĐH Sư phạm thuộc ĐH Đà Nẵng tuyển 100 CT; Trường ĐH Đồng Tháp tuyển 150 CT hệ ĐH và100 CT hệ CĐ; Trường ĐH An Giang tuyển 100 CT hệ ĐH và 200 CT hệ CĐ; Trường ĐH Tây Nguyên tuyển 60 CT… Ngoài ra, nhiều trường còn tuyển hàng trăm CT ngành giáo dục mầm non hệ TCCN.
“Do ngành giáo dục thiếu giáo viên mầm non quá nhiều nên năm nay chúng tôi quyết định tăng thêm 100 chỉ tiêu ngành giáo dục mầm non so với năm 2010”- bà Nguyễn Thị Phương Nga, Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Trung ương TPHCM, cho biết. Bà Nga cũng cho biết, trường CĐ Sư phạm Trung ương TPHCM không đặt yêu cầu quá cao trong thi năng khiếu. Ngoài khả năng học tập, thí sinh chỉ cần không nói ngọng, nói lắp, có thể bắt chước các hoạt động hát múa, thẩm âm… thì có thể vượt qua được vòng thi năng khiếu.
Trong trường sư phạm, giáo sinh sẽ được trang bị những kiến thức và kỹ năng chăm sóc nuôi dạy trẻ như tâm lý lứa tuổi mầm non, vệ sinh, dinh dưỡng, kỹ năng làm đồ chơi, kỹ năng tạo hình, kỹ năng làm quen với trẻ… Giáo sinh sẽ được rèn kỹ năng nghề thông qua các buổi thực hành ngay trong trường sư phạm và các buổi kiến tập, thực tập trong trường mầm non.
Trong cuộc sống, môi trường mầm non có lẽ là môi trường trong sáng nhất, cô giáo yêu thương học sinh và được học sinh yêu thương lại một cách không vụ lợi. Có em đã lên lớp nhưng ngày ngày vẫn đòi ba mẹ dẫn đến chào cô giáo cũ rồi mới vào lớp của mình. Có phụ huynh mặc dù con mình đã vào đại học nhưng hằng năm ngày 20-11 vẫn dẫn con đến thăm cô giáo mầm non để bày tỏ lòng biết ơn.
Phạm trường Tây tổng hợp (hieuhoc_hieuhoc.com)