Theo ông Nguyễn Minh Thành – giám đốc Sở GD-ĐT Hòa Bình, tỉ lệ tốt nghiệp năm nay tương đương với con số 99% mà nhiều tỉnh đã công bố trước đó.
Được biết năm 2011, tỉ lệ tốt nghiệp toàn tỉnh là 97%. “Tỉ lệ đỗ cao còn do học sinh Hòa Bình được cộng nhiều điểm ưu tiên, nên chỉ cần mức trung bình mỗi môn thi 4-4,5 điểm là các em có thể đỗ rồi” – ông Thành phân tích.
Trả lời câu hỏi tỉ lệ tốt nghiệp cao như vậy có phản ánh đúng chất lượng đào tạo hay không, ông Thành cho rằng: “Sở đã chỉ đạo phải tổ chức kỳ thi nghiêm túc. Tất nhiên không tránh được chỗ này chỗ khác, song chắc chắn không hội đồng nào có sự lộn xộn đến mức như hiện tượng ở Trường THPT Đồi Ngô, Bắc Giang”.
Sở GD-ĐT Lào Cai cũng cho hay tỉ lệ tốt nghiệp toàn tỉnh tăng hơn so với năm ngoái 5-6%. Số liệu thống kê cho thấy năm 2011 tỉ lệ tốt nghiệp của tỉnh là 92%. Sở GD-ĐT Lai Châu cũng cho biết tỉ lệ tốt nghiệp THPT năm 2012 của tỉnh là 97,95%, khối giáo dục thường xuyên là 88,84%. Năm 2011, tỉ lệ tốt nghiệp THPT của Lai Châu 91,23%.
Hà Nội: tỉ lệ tốt nghiệp khá giỏi chiếm 24,16%
Theo ông Nguyễn Hiệp Thống – phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, năm nay Hà Nội có 98,24% học sinh THPT đỗ tốt nghiệp, tăng 0,55% so với năm 2011. Khối giáo dục thường xuyên đỗ tốt nghiệp 92,15%, thấp hơn năm 2011 5%. Tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp loại khá, giỏi của Hà Nội là 24,16%, tăng 5% so với năm 2011, trong đó học sinh đỗ loại giỏi chiếm 3,7%.
Cần Thơ: đạt 99,62%
Theo kết quả được công bố, ở hệ giáo dục phổ thông có 7.379 học sinh tốt nghiệp, đạt tỉ lệ 99,62%; trong đó có 330 học sinh tốt nghiệp loại giỏi và 1.824 học sinh tốt nghiệp loại khá. Ở hệ giáo dục thường xuyên có 1.365 học sinh tốt nghiệp, đạt tỉ lệ 78,58%. Trong tổng số 26 trường THPT của TP có 16 trường có tỉ lệ học sinh tốt nghiệp 100% gồm các trường: Châu Văn Liêm, Hà Huy Giáp, Lương Định Của, Nguyễn Việt Dũng, Phan Văn Trị, Thới Long, Thốt Nốt, Thuận Hưng, THCS và THPT Trần Ngọc Hoằng, Vĩnh Thạnh, THCS và THPT Trường Xuân, chuyên Lý Tự Trọng, tư thục Nguyễn Bỉnh Khiêm, phổ thông Thái Bình Dương, phổ thông Quốc Văn, phổ thông Năng khiếu thể dục thể thao Cần Thơ.
Bình Định: 32 trường đạt 100%
Năm nay, cả tỉnh Bình Định có 22.248 thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT và có 22.159 thí sinh được công nhận tốt nghiệp, đạt tỉ lệ 99,6%, tăng hơn 2,7% so với năm học trước. Trong đó có 164 thí sinh tốt nghiệp loại giỏi, chiếm tỉ lệ 0,74% và 3.016 thí sinh tốt nghiệp loại khá, chiếm tỉ lệ 13,61%. Đặc biệt, năm nay cả tỉnh có 32/50 trường có tỉ lệ học sinh đậu tốt nghiệp 100%, tăng 27 trường so với năm trước. Đối với hệ giáo dục thường xuyên, cả tỉnh có 480 thí sinh dự thi và có 449 thí sinh được công nhận tốt nghiệp, đạt tỉ lệ 93,54%.
Đắk Lắk: 97,46%
Tại Đắk Lắk, tỉ lế£ học sinh đậu tốt nghiệp hệ THPT đạt 97,46% (tăng 8,53% so với năm trước), hệ giáo dục thường xuyên là 70,74% (giảm 2,75%). Kỳ thi năm nay toàn tỉnh có 71 thí sinh xếp loại tốt nghiệp giỏi, 1.660 loại khá và 20.792 loại trung bình.
Có sáu trường có tỉ lệ tốt nghiệp đạt 100% là Trường THPT chuyên Nguyễn Du, Trường THPT Buôn Ma Thuột, Trường thực hành Cao Nguyên, Trường Văn hóa 3, Trường THPT dân tộc nội trú Tây Nguyên và Trường THPT huyế£n Buôn Đôn.
Đồng Nai: 99,6% – cao nhất từ trước tới nay
Theo đó, tỉ lệ tốt nghiệp ở hệ THPT đạt 99,6% và hệ giáo dục thường xuyên là 76,98%. Đây là kết quả tốt nghiệp cao nhất từ trước đến nay của tỉnh Đồng Nai.
Tại kỳ thi năm nay, toàn tỉnh có 36 trường THPT đạt tỉ lệ 100%, trong đó có sáu trường ngoài công lập. Trong sáu môn thi tốt nghiệp, môn thi có số bài đạt điểm trung bình trở lên cao nhất là môn hóa học với hơn 96%, tiếp đến là lịch sử và địa lý.
TP.HCM: không công bố các trường tốt nghiệp 100%
Đó là quan điểm của Sở GD-ĐT TP.HCM tại buổi công bố kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT và giáo dục thường xuyên năm 2012 sáng 16-6. Theo ông Phạm Hồng Sơn – giám đốc sở, “công bố tỉ lệ tốt nghiệp 100% như mọi năm sẽ không công bằng giữa những trường chỉ có vài chục thí sinh với những trường có cả ngàn thí sinh dự thi”. Theo kết quả được Sở GD-ĐT TP công bố, năm nay ở hệ THPT có 55.043 thí sinh đậu tốt nghiệp trong tổng số 56.059 thí sinh dự thi, đạt tỉ lệ 98,18% (năm ngoái là 96,7%). Tỉ lệ đậu tốt nghiệp ở hệ giáo dục thường xuyên là 80,25%.
Ông Nguyễn Hoài Chương, phó giám đốc sở, nhận định: “Nhiều giám khảo đánh giá năm nay đề có phần nhẹ hơn, vừa sức hơn so với yêu cầu đề thi năm ngoái. Vì vậy tỉ lệ tốt nghiệp nói trên là phù hợp với đề thi đã ra và chất lượng chung của học sinh TP.HCM”. Ông cũng cho biết thí sinh bắt đầu nộp đơn phúc khảo tại trường từ chiều 16-6, thời hạn nhận đơn là một tuần. Từ ngày 18-6, thí sinh nhận giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời tại trường mình.
Kết quả tốt nghiệp THPT cao ngất: có thực chất?
Ngày 16-6, nhiều tỉnh thành đã công bố kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012 với những con số cao ngất ngưởng, thậm chí có tỉnh đạt tỉ lệ 99,9%. Phải chăng chất lượng dạy và học đã tiến bộ một cách đáng mừng? Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với các nhà giáo, chuyên gia về vấn đề này.
Tiến sĩ Nguyễn Cam (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM):Nhích vài phần trăm là nỗ lực lắm rồi!
Tỉ lệ tốt nghiệp THPT cao ngất ngưởng không phải năm nay mới xuất hiện mà đã tồn tại từ rất lâu. Tôi chỉ đặt câu hỏi: Kết quả thi tốt nghiệp THPT ở nhiều tỉnh thành đạt đến 99% thì Bộ GD-ĐT có dám khẳng định rằng chất lượng dạy và học ở địa phương đó là xuất sắc không? Liệu có bất thường không khi cách đây năm năm ngành giáo dục mạnh tay thực hiện “hai không”, kỷ luật phòng thi bị “siết” chặt hơn với đội ngũ thanh tra của Bộ GD-ĐT – thế là tỉ lệ tốt nghiệp của nhiều tỉnh, thành từ hơn 90% sụt giảm một cách thảm hại: có tỉnh chỉ hơn 70%. Mấy năm gần đây, khi việc nói không với tiêu cực trong thi cử bị lãng quên thì tỉ lệ tốt nghiệp ở nhiều tỉnh, thành lại tăng đột biến.
Theo tôi, nếu đánh giá một cách trung thực và tổ chức một kỳ thi nghiêm túc thì mỗi năm tỉ lệ tốt nghiệp chỉ nhích lên vài phần trăm là cả thầy và trò đã nỗ lực lắm rồi (như TP.HCM chẳng hạn, tôi cho rằng kỷ luật thi cử ở TP.HCM là khá nghiêm túc, cả thầy và trò đều nỗ lực từng ngày nhưng tỉ lệ tốt nghiệp cũng chỉ tăng rất chậm).
Bộ GD-ĐT hãy giao cho các địa phương tự đánh giá học sinh của mình, em nào đạt yêu cầu thì được cấp chứng chỉ đã học hết lớp 12. Đương nhiên song song đó bộ cũng cần thanh tra, kiểm tra chặt chẽ, đồng thời phải đánh giá thường xuyên, đánh giá cả một quá trình dạy học chứ không đánh giá chỉ qua một kỳ thi. Tức là cần có một tổ chức kiểm định chất lượng độc lập ngoài ngành giáo dục. Tổ chức này sẽ đánh giá thường xuyên xem chất lượng dạy và học ở các địa phương như thế nào. Chứ cứ duy trì một kỳ thi tốt nghiệp THPT mang tính quốc gia như hiện nay rồi xuề xòa với nhau, vui vẻ cả làng thì rất nguy hiểm.
Tiến sĩ Phạm Thị Ly (ĐH Quốc gia TP.HCM):Không khỏi nghi ngờ
Nghe tin tỉnh này tỉnh kia đạt tỉ lệ tốt nghiệp cao trong khi điều kiện dạy và học còn nhiều khó khăn, trình độ đội ngũ giáo viên còn nhiều hạn chế thì dư luận xã hội không khỏi nghi ngờ: có phải đó là chất lượng dạy và học thực chất không? Hay đang tồn tại một sự gian dối nào đó? Nhất là năm nay, khi hàng loạt clip gian lận thi cử ở Bắc Giang được tung ra. Sự thật phũ phàng này đã khiến dư luận đặt câu hỏi: Những nơi khác thì sao? Thực chất tỉ lệ tốt nghiệp THPT là bao nhiêu?…
Tôi đề nghị cần có một cuộc nghiên cứu nghiêm túc về mức độ, thực trạng của vấn đề thi cử ở nước ta hiện nay. Khi có những bằng chứng khoa học về một kỳ thi phải huy động toàn bộ sức lực, vật lực của xã hội thì lúc ấy sẽ cần đến những giải pháp khoa học và phù hợp.
Nhà nghiên cứu giáo dục Lê Thị Thanh Thảo (TP.HCM):Cần có bộ phận khảo thí độc lập
Học trò của tôi hiện là những giáo viên ở một số tỉnh, thành còn kể rằng: giám thị đọc cả đáp án cho học sinh chép mà có em còn chép không kịp. Ngay cả việc chấm chéo cũng không bảo đảm 100% khách quan vì các trường có “giao kèo” với nhau: anh “nương” cho học trò của tôi thì tôi sẽ “biết điều” với học trò của anh. Tôi nghĩ sự thật này Bộ GD-ĐT đã biết từ lâu nhưng làm ngơ. Ngay cả sự kiện ở Bắc Giang thì Bộ GD-ĐT cũng cố “lái” dư luận sang một hướng khác: rằng đến nay chưa có tình trạng này xảy ra, rằng gian lận thi cử chỉ xảy ra duy nhất ở Đồi Ngô, Bắc Giang.
Trong giáo dục, bộ phận cần chuyên nghiệp nhất và công tâm nhất là khảo thí, kiểm định chất lượng, nhưng ở Việt Nam chưa có bộ phận này một cách đúng nghĩa với những chuyên gia giàu kinh nghiệm và giỏi chuyên môn. Bộ phận khảo thí và kiểm định chất lượng phải hoạt động độc lập chứ không thể để ngành giáo dục “vừa đá bóng vừa thổi còi”.
Nguồn : tuổi trẻ