(hieuhoc_hieuhoc.com) Thống kê tuyển sinh trong ba năm gần đây cho thấy số lượng thí sinh đăng ký dự thi vào khối ngành kinh tế là nhiều nhất. Còn nhóm ngành lừng lẫy một thời “nhất y nhì dược” vẫn giữ “phong độ” với việc thu hút nhiều thí sinh có học lực thuộc diện khá giỏi dự thi.
Nhiều thí sinh chọn lựa ngành kinh tế
Theo số liệu dự thi hàng năm, khối ngành kinh tế có nhiều thí sinh dự thi nhất. Trong đó, các ngành quản trị kinh doanh, kế toán hay tài chính – ngân hàng đều nằm trong tốp năm ngành đang được nhiều trường tuyển sinh nhất, chiếm tỉ lệ áp đảo so với các khối ngành khác và nếu cộng lại hết thì đây cũng là khối ngành có chỉ tiêu nhiều nhất.
Tuy nhiên, có một điều thí sinh cần hết sức quan tâm là số thí sinh đăng ký dự thi vào các trường chuyên đào tạo khối ngành kinh tế tăng không đáng kể, như Trường ĐH Kinh tế – luật (ĐHQG TP.HCM) năm 2009 có khoảng 12.000 thí sinh đăng ký dự thi, sang năm 2010 tổng số thí sinh đăng ký dự thi trường này chỉ tăng rất ít là 12.467 hồ sơ. Thậm chí Trường ĐH Kinh tế TP.HCM trong năm 2009 có hơn 31.000 hồ sơ đăng ký dự thi nhưng sang năm 2010 giảm còn khoảng 25.000 hồ sơ. Hoặc ở phía Bắc, Trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng chỉ tăng khoảng 1.000 hồ sơ trong tổng số hơn 20.500 hồ sơ đăng ký dự thi vào trường năm 2010. Mà số lượng tăng chủ yếu bởi các thí sinh đã chọn vào khối ngành kinh tế ở nhiều trường đào tạo đa ngành lớn nhỏ khác nhau. Trong đó, nhiều nhất thuộc về ngành quản trị kinh doanh với tổng cộng khoảng 360 trường tuyển sinh, kế đến là chuyên ngành kế toán cũng có khoảng 300 trường.
Năm nay, theo dự kiến tuyển sinh của những trường đã công bố, chỉ tiêu của nhóm trường được coi là tốp giữa tăng 5-10%. Ở nhóm trường top giữa này, tổng chỉ tiêu thường là khá lớn và là những trường dành cho phần đông thí sinh có sức học khá. Bên cạnh đó, chỉ tiêu tuyển sinh của các trường ĐH tốp dưới cũng ngày một nhiều hơn, trao thêm nhiều lựa chọn cho thí sinh.
Một lựa chọn khác là thí sinh có thể chọn bậc cao đẳng, sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể đăng ký dự thi liên thông lên bậc đại học (hay một tên gọi khác là hoàn chỉnh đại học). Thời gian đào tạo của chương trình này khoảng 1,5 năm. Và các ngành Kinh tế, Quản trị kinh doanh, Kế toán, Tài chính – Ngân hàng… đều có đào tạo liên thông tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Tài chính – Marketing và một số đại học khác.
Lưu ý, một đặc điểm riêng của trường ĐH Kinh tế TP.HCM: Trường tuyển sinh một điểm chuẩn chung cho tất cả các chuyên ngành. Sau thời gian 1.5 năm, nhà trường sẽ tổ chức cho sinh viên đăng ký chuyên ngành (dựa trên nguyện vọng của sinh viên, chỉ tiêu đào tạo từng chuyên ngành của nhà trường, và dựa trên kết quả học tập của sinh viên).
Hiện nay, lĩnh vực kinh tế tài chính đang thu hút nhiều thí sinh vì nói chung ai cũng thích làm giàu. Tuy nhiên, các bạn nên chọn ngành học theo sự yêu thích nghề nghiệp, năng lực và sở trường học tập cũng như hoàn cảnh kinh tế của gia đình. Trong thực tế, rất nhiều người thành đạt trong lĩnh vực kinh tế nhưng họ đã trang bị kiến thức khoa học kỹ thuật trước rồi học thêm kinh tế (văn bằng 2 hoặc các khóa học quản trị ngắn hạn) sau.
Thí sinh có học lực khá, giỏi dự thi vào Y- Dược
Ngành Y – Dược làm nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe cho xã hội, đây là nhóm ngành đặc biệt nên trong chế độ tuyển sinh, đào tạo và tuyển dụng cũng có những điểm đặc biệt. Vì thế, các trường y dược thường có điểm chuẩn khá cao, do đó tỷ lệ đậu ĐH không nhiều (điểm chuẩn 25, 26 điểm). Riêng việc thi vào trường ĐH Y dược TP.HCM vốn đã quá khó lại ngày càng khó hơn. Về phía thí sinh, điều này đồng nghĩa với việc để được vào học ở nhóm trường này cần phải trải qua thử thách cam go hơn. Một mặt, thí sinh cần cố gắng hết sức từ bây giờ, mặt khác cũng cần lượng sức mình trước khi đặt bút đăng ký dự thi kỳ thi tuyển sinh 2011 sắp tới. Nói chung là cần phải xác định kỹ năng lực của mình, và nhất là trình độ học lực phải khá giỏi mới có cơ hội vào ĐH Y – Dược. Tốt nhất các bạn nên thử làm đề thi các năm trước, sau đó đối chiếu kết quả với điểm chuẩn trong những năm gần đây của các trường để xác định trường phù hợp.
Ngành Công nghệ sinh học phục vụ ngành Y
Ngành Công nghệ sinh học với các chuyên ngành như: Công nghệ sinh học Y Dược, Công nghệ sinh học Nông Nghiệp, Công nghệ sinh học Môi trường, Công nghệ sinh học Công nghiệp, Sinh – Tin học. Hiện nay công nghệ sinh học ở nước tamạnh về phục vụ ngành y trong các vấn đề thụ tinh trong ống nghiệm, xét nghiệm, thuốc đặc trị. Sinh viên ra trường có thể công tác tại các viện Kiểm nghiệm, viện nghiên cứu, các cơ quan y tế, bệnh viện, xí nghiệp Dược, các viện nghiên cứu Y Dược, các công ty chế biến thực phẩm, Nông lâm nghiệp, Thủy sản, Bảo vệ Môi sinh… Hoặc chuyên ngành Hóa, các cử nhân Hóa học có khả năng tham gia giải quyết tất cả các vấn đề liên quan đến hóa học tại các viện nghiên cứu, các phòng thí nghiệm của các trung tâm kiểm định, kiểm nghiệm, của các đơn vị sản xuất, nhà máy xí nghiệp hoặc tham gia giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng và trung học…
Kim Tuyến tổng hợp (hieuhoc_hieuhoc.com)