Từ khi còn là cô sinh viên khoa xã hội học trường đại học Mở TP.HCM, chị Lương Thị Loan đã tham gia làm tình nguyện viên cho một tổ chức phi chính phủ. Công việc thường xuyên buộc chị phải tiếp xúc với những trẻ em đường phố.
Từ chuyện đời của một thân chủ
Mới tròn 23 tuổi, Nguyễn Kim Thư có gương mặt rất xinh xắn và dễ gây thiện cảm với bất cứ ai tiếp xúc. Thật khó có thể ngờ cô gái trẻ đó đã có một thời gian làm nghề mại dâm, và hiện đang mang trong mình căn bệnh AIDS.
Ba mất, mẹ đi lấy chồng, từ nhỏ Thư đã sống cùng ông bà nội ở quận 8. Nhà nội quá nghèo, Thư phải nghỉ học từ năm 12 tuổi, phụ việc bưng bê hủ tíu cho một quán ăn. Lớn hơn một chút, Thư bỏ ra ngoài thuê nhà sống cùng một người đàn ông lớn tuổi đã có gia đình.
Khi đứa con đầu lòng ra đời được vài tháng thì người cha của đứa bé bị tai nạn giao thông qua đời. Mẹ con Thư chới với vì mất đi điểm tựa. Rồi cô gia nhập làng mại dâm, chuyên đón khách hàng đêm tại công viên Văn Lang để nuôi bản thân và con nhỏ. Tại đây, Thư gặp một người đàn ông làm nghề xe ôm, và sống với anh ta cho tới khi có bầu một lần nữa.
Thế nhưng, người chồng sau chỉ có duy nhất thú đam mê cờ bạc. Có bầu, nhưng Thư vẫn phải hàng đêm tiếp tục bán dâm ở công viên để nuôi sống gia đình nhỏ, cho tới khi bụng cô trở lên quá lớn không thể tiếp khách được cũng là lúc người chồng hờ lặng lẽ bỏ đi. Không tiền thuê nhà trọ, Thư phải đưa con tới công viên sống vạ vật qua ngày. Vào cuối tháng 2.2011, Thư dẫn đứa con trai chưa được hai tuổi bỏ trước làng trẻ SOS Gò Vấp…
Tới một “ca” trợ giúp thành công
Sau khi nhận được thông tin về trường hợp của Kim Thư qua một đồng nghiệp, chị Lương Thị Loan – điều phối viên của nhóm công tác xã hội đã có những tiếp xúc ban đầu với Thư, “ca” của Kim Thư được chị giao cho tình nguyện viên Trần Thị Tuyết Trâm – sinh viên năm cuối bộ môn công tác xã hội tại đại học Khoa học xã hội và nhân văn phụ trách. Tuyết Trâm bắt đầu những bước làm quen và xây dựng lòng tin với thân chủ. Trong các câu chuyện trao đổi cô luôn phải khéo léo khơi gợi cảm xúc để thân chủ tự kể lên câu chuyện của mình, lọc thông tin làm hồ sơ cá nhân cho thân chủ.
Vì Kim Thư đã mang thai được tám tháng nhưng chưa một lần đi bác sĩ, Trâm phải thuyết phục thân chủ đi khám thai đồng thời làm các xét nghiệm. Nhận được sự đồng ý của Thư, tới ngày hẹn đích thân Trâm tới tận nơi đón, và lo hết các thủ tục giấy tờ để yên tâm vào phòng khám. Xét nghiệm lần này cho thấy, thân chủ của cô dương tính với HIV.
Vừa tìm mọi cách xốc tinh thần cho Kim Thư, Trâm vừa cố gắng lo các thủ tục cần thiết để đưa trường hợp của thân chủ vào chương trình PMCT – chương trình phát thuốc phòng tránh lây nhiễm HIV từ mẹ sang con. Vào chương trình này, thân chủ của cô sẽ được nhận sữa dinh dưỡng trong thai kỳ, và em bé sơ sinh cũng nhận được trợ cấp sữa miễn phí cho tới khi được 18 tháng tuổi. Cô lại đôn đáo ngược xuôi tìm mọi nguồn quen biết nhằm tìm một nơi ở cho Kim Thư. Sau rất nhiều nỗ lực, ngày 23.3.2011, mái ấm Mai Tâm tại Hiệp Bình Chánh – Thủ Đức đã đồng ý tiếp nhận Thư về bảo trợ. Tại đây, Thư được hướng nghiệp để có cơ hội hoà nhập với cộng đồng.
Trường hợp của Thư là một “ca” trợ giúp thành công điển hình của những nhân viên xã hội mảng hiện trường.
Nhân viên xã hội, nghiệp hay nghề?
Từ khi còn là cô sinh viên khoa xã hội học trường đại học Mở TP.HCM, chị Lương Thị Loan đã tham gia làm tình nguyện viên cho một tổ chức phi chính phủ. Công việc thường xuyên buộc chị phải tiếp xúc với những trẻ em đường phố. “Có khá nhiều người cho rằng chúng tôi đang làm công việc từ thiện. Xin nói rõ là chúng tôi đang làm công việc cầu nối và trợ giúp cho thân chủ, với mục đích đưa họ tới những dự án, những dịch vụ họ có quyền hưởng mà chính bản thân họ không nhận biết. Người làm từ thiện thường đem tới một món đồ rồi đi là xong. Chúng tôi thì ở bên, và luôn có những trợ giúp khi thân chủ cần”.
Chị Loan cho biết, nguyên tắc nằm lòng đầu tiên của những người làm công tác xã hội tại hiện trường, bao giờ cũng là thái độ tôn trọng thân chủ. Do môi trường sống, tất cả các thân chủ đều vô cùng nhạy cảm. Khi cảm thấy bản thân bị kỳ thị, họ sẽ co mình lại bất hợp tác, vậy là coi như bao nỗ lực xây dựng lòng tin của nhân viên xã hội sẽ đổ sông đổ biển trong tích tắc.
34 tuổi đời, nhưng có tới 14 năm chuyên trách các mảng công tác xã hội về mại dâm và trẻ em đường phố, chị Lương Thị Loan đã nếm nhiều trải nghiệm mang đủ dư vị cay đắng ngọt bùi với nghề. Ngoài ra, hiện chị Loan còn là đại diện duy nhất tại Việt Nam của tổ chức Hope Chapel – một tổ chức phi chính phủ chuyên về những dự án hỗ trợ học bổng cho học sinh nghèo hiếu học. Tuy nhiên, tất cả nguồn thu nhập của chị lại đến từ nghề tay trái: giám đốc marketing cho một công ty nước ngoài, vì cả hai mảng công tác xã hội được coi như nghề tay phải chị đều làm tình nguyện, không hề nhận một đồng lương nào.
Không nhận lương, nhưng việc móc tiền túi ra trả cho những chi phí trong quá trình hoạt động xã hội hoàn toàn không hề hiếm với chị Loan và những người làm mảng hiện trường. Đó là những trường hợp thân chủ không nằm trong dự án được trợ giúp, nhưng do nhu cầu thực tế, chính nhân viên xã hội phải tự gồng gánh những hoá đơn xét nghiệm, siêu âm… và bao khoản không tên khác. Tâm huyết đổ ra như vậy, nhưng cũng có rất nhiều trường hợp khiến nhân viên xã hội phải ngã lòng khi giúp hoài mà thân chủ của mình không hề có biến chuyển. Bản thân chị Loan đã tính chuyện bỏ nghề rất nhiều lần, nhưng như một sự sắp đặt của định mệnh, mỗi lần như vậy lại có những tin nhắn từ thân chủ đề nghị một sự trợ giúp, và chị lại chẳng thể nén lòng. “Chúng tôi không đặt mục tiêu cao như thế để tránh những thất vọng cho chính chúng tôi. Thành công của chúng tôi đơn giản lắm. Thân chủ chịu tiếp chuyện, chịu tâm sự: thành công. Và khi gặp vấn đề, thân chủ gọi điện thoại cho mình, đó cũng là thành công…”, chị Loan chia sẻ.
Trong các buổi kiểm huấn cùng thầy cô và những chuyên viên giàu kinh nghiệm, rất nhiều trường hợp khiến không ít sinh viên ngành xã hội phải rơi nước mắt lại là những trường hợp gây sốc, tổn thương khi những tình cảm chân thành của họ với thân chủ được đáp trả bằng những câu chuyện giống nhau như văn mẫu! Chính từ những kinh nghiệm này, người làm công tác xã hội trưởng thành hơn, biết đủ mềm mại để trải lòng chia sẻ với thân chủ, nhưng cũng đủ tỉnh táo và cứng rắn để đối phó với những tình huống không mong đợi. (Theo: SGTT.VN)
Chọn đường đi cho riêng mình
Thông thạo ngoại ngữ, đoạt giải cao quốc gia về môn văn, tốt nghiệp thủ khoa ngành quan hệ quốc tế (ĐH KHXH&NV TP.HCM)…, Bùi Thị Minh Châu khiến nhiều người ngạc nhiên khi từ chối những lời mời hấp dẫn từ các công ty nước ngoài, đi theo con đường hoạt động xã hội vì trẻ em nghèo và cơ nhỡ.
Khi còn đi học, Châu đã có duyên với công tác xã hội. Chỉ tính riêng bốn năm đại học, Châu đã thành hạt nhân phong trào khi tham gia nhiều chương trình như: Vì thành phố không còn trẻ em lang thang 2006, Đêm hội trăng rằm 2005-2006, Xuân tình nguyện 2008…
Nhiều người hỏi Châu là con gái, lại giỏi giang… sao không chọn chỗ nhàn hạ mà thích tìm đến với trẻ em bất hạnh? Châu kể câu chuyện của chính mình thay câu trả lời: “Tôi từng là đứa trẻ khá bướng bỉnh, lúc nhỏ thường bị cha mẹ cho đòn roi mỗi lần phạm lỗi. Nhưng sau đó cha mẹ đã chịu khó tìm hiểu và trò chuyện, giải thích cặn kẽ cho tôi về mọi thứ. Tôi đã trở thành một con người khác nhờ cách giáo dục đầy tính nhân văn này”.
Đau lòng vì thấy nhiều trẻ em bị ngược đãi, bỏ rơi và dần trở thành thành phần xấu do sự vô tâm của gia đình, xã hội… Châu mong muốn mình có thể cải thiện phần nào tình trạng đó.
Hiện Châu đang là điều phối viên dự án kiêm trợ lý phó giám đốc Hiệp hội Bảo trợ trẻ em CNCF tại Việt Nam. Công việc thường ngày khá khó khăn do phần lớn liên quan đến những trẻ em có vấn đề, tuy nhiên Châu nghĩ: “Những điều không hay xảy ra chính là cơ hội để chúng ta làm những việc hay. Nếu thay đổi cách nhìn, khó khăn là cơ hội”. (Theo: NSS/TTO)
Lên kế hoạch phát triển nghề công tác xã hội
UBND TPHCM vừa có quyêt định đầu tư 38,4 tỷ đồng để phát triển nghề công tác xã hội trên địa bàn Thành phố.
Hiện nay, TPHCM có khoảng 400.000 người cao tuổi, hơn 44.000 người khuyêt tật, 20.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khoảng 130.000 hộ gia đình nghèo, gần 10.000 người nghiện ma tuý, hơn 2.000 người bán dâm (tập trung tại các cơ sở), khoảng 100.000 đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp hàng tháng từ ngân sách nhà nước… Đây đều là những đôi tượng cần được hổ trợ bởi các đội ngũ nhân viên công tác xã hội.
Đội ngũ nhân viên công tác xã hội của TP cũng có trên 5.000 người làm việc trong các cơ quan hành chính – xã hội, trên 90 cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở chữa bệnh – giáo dục lao động xã hội và các cơ sở trợ giúp xã hội… Tuy nhiên, đội ngũ này chưa được đào tạo bài bản cả ở khâu tham mưu chính sách cũng như khâu tác nghiệp cụ thể, nhất là cán bộ làm việc trực tiếp với đối tượng; chưa hiểu và chưa được đào tạo về công tác xã hội; tổ chức bộ máy cung cấp dịch vụ công tác xã hội ở cộng đồng chưa nhiều.
Vì vậy, đến năm 2015 TP sẽ phát triển thêm khoảng 10% cán bộ, viên chức, nhân viên, cộng tác viên công tác xã hội. TP cũng sẽ hỗ trợ các cơ sở đào tạo có khoa CTXH về trang thiết bị phục vụ, địa điểm thực hành cho sinh viên; hỗ trợ nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên ngành công tác xã hội như tập huấn, hội thảo chuyên đề, hoặc chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy…
Tuấn Công tổng hợp (hieuhoc_hieuhoc.com)