Hiện nay, số lượng nhân viên tín dụng tăng gấp năm lần so với nửa đầu năm 2010, và số khách vay không nhiều, các nhân viên tín dụng buộc phải năng động hơn trong việc tư vấn, tìm kiếm khách hàng…
Có nhu cầu vay vốn, người viết liên lạc cô bạn tên An, nhân viên tín dụng ở một ngân hàng nước ngoài có trụ sở nằm trên đường Đồng Khởi. Thay vì hẹn tư vấn ở văn phòng giao dịch như lúc trước, An cho biết, cô sẵn sàng tới tận nơi để tư vấn. Khi gặp, người nhân viên này than thở, nhân viên tín dụng hết thời ngồi bàn giấy.
Mới cách đây hai năm, những nhân viên tín dụng tại ngân hàng nước ngoài này chủ yếu đáp ứng nhu cầu của khách trực tiếp đến giao dịch.
Tìm đủ cách tiếp cận khách hàng
Theo thông tin từ người phụ trách mảng cho vay tiêu dùng cá nhân ở ngân hàng nước ngoài mà An làm việc, hiện nay lượng nhân viên tín dụng tăng gấp năm lần so với nửa đầu năm 2010. Tăng người, số khách vay không nhiều, các nhân viên tín dụng buộc phải năng động hơn trong việc tư vấn, tìm kiếm khách hàng. An cho biết thêm, nhân viên tín dụng giờ phải đi rải tờ quảng cáo về các sản phẩm của ngân hàng ở các cao ốc, thậm chí là tại các chợ như Bến Thành, Chợ Lớn… An cho hay, với tiểu thương, ngân hàng của cô đưa ra hình thức vay thế chấp sạp hàng. An cho biết, có những đợt triển khai cho vay dành cho người thu nhập thấp trong khối cơ quan nhà nước, nhiều người ngạc nhiên vì họ không nghĩ rằng một ngân hàng nước ngoài lại chú trọng đến mảng này. Để đẩy mạnh các khoản vay thế chấp bất động sản, nhân viên ngân hàng trước đây chủ yếu làm việc với các sàn giao dịch thì nay phải làm quen với các “cò”, kể cả bà bán hàng nước, xe ôm ở những địa chỉ “nóng” để khi các “cò” có khách hàng thì giới thiệu.
Là cán bộ tín dụng của một ngân hàng S. nhiều năm qua, anh Việt cho rằng, nhân viên ngân hàng giờ chịu nhiều áp lực. Khi lãi suất biến động liên tục, anh Việt kể, khổ nhất là việc thông báo lãi suất tăng. “Khi thì giải thích ỉ ôi, lúc phải thương lượng”, anh Việt nói. Có khách hàng thương lượng không được, đành chấp nhận lãi mới, nhưng không quên kèm lời trách móc: “Anh chào ngân hàng chú, làm ăn kiểu ba trợn”. Anh Việt cho biết, những lúc như thế đành ngậm mà nghe. “Chủ trương chung là vậy, hoàn cảnh của khách vay thì mình cũng hiểu, nhưng biết làm sao”, anh Việt nói.
Ngân hàng tự nguyện chịu phạt
Không chỉ có nhân viên tín dụng xuống tận nơi tư vấn, các nhân viên giao dịch giờ cũng hết thời ngồi nhà. Ông Đinh, làm ở cơ quan có trụ sở ở quận 3, cho biết, ông vừa ngỏ ý với vài người bạn làm trong ngành tài chính là có 1 tỉ đồng nhưng chưa biết gửi tiết kiệm ở đâu thì lập tức ngày hôm sau đã nhận hàng loạt cú điện thoại của các nhân viên ngân hàng chào mời lãi suất gửi hấp dẫn. Thậm chí chỉ cần đồng ý, các nhân viên này liền hẹn ngày giờ và mang hợp đồng đến tận nhà để lập hợp đồng gửi tiết kiệm cho khách hàng. Có nhân viên giao dịch sốt sắng gợi ý, nếu tiền đang gửi ở ngân hàng khác, họ sẽ đưa xe chở đến ngân hàng kia rút tiền và hộ tống về ngân hàng bên họ gửi tiền. Sau hồi thương lượng, có ngân hàng chấp nhận mức lãi suất 19% cho kỳ hạn một tháng. Theo ông Đinh, hợp đồng khá chặt chẽ. Trong đó, hợp đồng chính ghi rõ lãi suất 14% và phụ lục hợp đồng ghi rõ điều khoản đóng phạt 5% nếu ngân hàng không trả lãi và gốc đúng kỳ hạn. “Mà ngày đáo hạn luôn rơi vào chủ nhật, nên ngân hàng luôn chịu phạt”, ông Đinh nói.
Áp lực công việc tăng, song mức thưởng đạt chỉ tiêu lại khó đạt. An cho biết, trước đây cũng có áp lực công việc nhưng nhu cầu vay lớn nên hầu hết nhân viên tín dụng đều đạt chỉ tiêu. Theo An, mức thưởng khi đạt và vượt chỉ tiêu trung bình gấp đôi mức lương của cô. An nói: “Bây giờ phần lớn mọi người không đặt hy vọng vào việc đạt chỉ tiêu, và chủ yếu trông chờ vào lương”.
Theo: Bảo Anh/SGTT.VN