Nhân viên chứng khoán buồn hiu với Tết

Sắp đến Tết Nguyên đán, nhưng Hằng – môi giới của một công ty chứng khoán vẫn nợ đầm đìa, gần 80% lương hằng tháng bị giữ lại để trả nợ…

Nửa đầu năm 2010, chị vẫn đang “lên mây” với những cơn sóng dữ dội của cổ phiếu nhỏ, các khoản đầu tư lãi gấp 3-5 lần, chỉ trong hơn 1 tháng nhờ dùng đòn bẩy tài chính, và tiền vay mượn từ bạn bè, người thân.

Thế nhưng, nửa năm sau đó là những ngày tháng trầm uất của Hằng với việc giá các cổ phiếu nhỏ trong đó có 2 mã mà chị đầu tư liên tục tụt dốc. Thắng lớn thì cũng thua lớn, chị Hằng không những mất toàn bộ tiền của mình và số đi vay nợ, mà còn “âm” cả tài khoản. Do là nhân viên chị không bị bán cổ phiếu siết nợ mà vẫn được “du di” một thời gian để chờ thị trường phục hồi.

Sát Tết Nguyên đán, nhân viên chứng khoán ‘buồn hiu” vì trả nợ.

Gần cuối năm, công ty phải bán giải chấp cổ phiếu chị đầu tư để thu hồi vốn và cũng để kiểm soát rủi ro. Do dùng đòn bẩy quá lớn, số tiền bán cổ phiếu cũng không đủ trả nợ công ty.

Mỗi tháng, Hằng chỉ nhận được 20% lương cơ bản và có nguy cơ bị siết nợ thêm cả phần thưởng kinh doanh hằng tháng. Lý do là công ty có một số người nghỉ việc “đem theo” khoản nợ nên chị bị xếp vào diện phải trả nợ nhanh, tránh tình trạng xù nợ như những nhân viên đã ra đi.

Ở một công ty chứng khoán khác tại Hà Nội, hàng loạt nhân viên cũng lâm vào cảnh bị trừ lương để thu hồi nợ do dùng đòn bẩy tài chính quá đà. Hùng – nhân viên phòng kế toán tâm sự: “Gần Tết rồi mà chẳng biết là sẽ biếu ông bà cái gì bởi lương bị trừ gần hết, ăn còn chẳng đủ nói gì đến việc khác”.

Do thị trường chứng khoán năm 2010 diễn biến không thuận lợi vào cuối năm, tiền thưởng Tết tại các công ty chứng khoán đều ở mức khiêm tốn. Hầu hết các công ty chỉ cố gắng thưởng cho nhân viên tháng lương thứ 13 cho dịp Tết Nguyên đán chứ không có chuyện thưởng đến 6 tháng thu nhập như năm trước. Tổng giám đốc một công ty chứng khoán lớn ở Hà Nội tâm sự: “Tình hình thị trường thế này, lợi nhuận không đạt kế hoạch, thưởng Tết lớn, cổ đông họ ‘cuốc’ vào mặt mình”.

Tại một công ty cỡ vừa ở Hà Nội, nhân viên cứ lan truyền nhau một câu chuyện bi hài về nghề chứng khoán dịp trước Tết Dương lịch. Trong một buổi học về nghề nghiệp tại trường, khi được hỏi bố mẹ làm gì, con gái của một nhân viên môi giới chứng khoán cho biết là cả bố và mẹ đều làm chứng khoán. Cả lớp ồ lên vì thời điểm đó hàng loạt bài báo nói về sự bi đát của nghề môi giới chứng khoán. Cô giáo gõ bàn cạch cạch và nói: “Các em không được cười, phải cảm thông với những người nghèo chứ…”.

Hà – chuyên viên môi giới của công ty này than thở: “Cả 2 vợ chồng mà thu nhập hằng tháng để tiêu giờ chẳng được 3 triệu đồng thì làm thế nào bây giờ? Mà Tết thì sắp đến rồi”.

Theo: (Kinh doanh/VNE)

Bài liên quan

Đừng tin tưởng tuyệt đối

(hieuhoc_hieuhoc.com) Bài học kinh doanh tuyệt vời nhất cho bạn trẻ là không có một đáp án hay công thức chung nào cho tất cả. Việc lắng nghe, đặt câu hỏi và chia sẻ sẽ giúp mỗi bạn trẻ tìm lời giải cho con đường khởi nghiệp của riêng mình, nhưng cũng đừng tin tưởng tuyệt đối vào chuyên gia hay nhà tư vấn bên ngoài. 

Phía sau nghề môi giới chứng khoán.

(hieuhoc_hieuhoc.com). Sau 9 năm ra đời, thị trường chứng khoán VN đã có vài ngàn broker (môi giới chứng khoán)... Nhiều broker có thâm niên được khách hàng tin tưởng giao toàn bộ tiền của mình để đầu tư. Vai trò của các broker ngày càng trở nên quan trọng và phía sau nghề môi giới chứng khoán này cũng có nhiều bí ẩn.

Cùng chuyên mục