Nhân lực ngành du lịch: còn thiếu và yếu. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch,ngành có nỗi lo về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực của ngành công nghiệp không khói này.
=>> Quản trị Du lịch và Khách sạn
Vòng chung kết cuộc thi “Hướng dẫn viên giỏi TPHCM năm 2010” vừa kết thúc hôm 31-7, nhằm chọn đại diện dưÌ£ hội thi “Hướng dẫn viên du lịch giỏi toàn quốc năm 2010” do Tổng cục Du lịch tổ chức vào giưÌ�a tháng 8 tới. Nhưng đằng sau cuộc thi bộc lộ nỗi lo về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực của ngành công nghiệp không khói này.
Thiếu về số lượng
Theo ông Nguyễn Đức Chí, Phó trưởng phòng lữ hành thuộc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch: Thành phố hiện có 1.684 hướng dẫn viên quốc tế được cấp thẻ nghề, nhưng con số hành nghề thực ước tính khoảng 3.000 hướng dẫn viên; ngoài ra còn có từ 3.000 đến 5.000 hướng dẫn viên nội địa đang công tác trên địa bàn thành phố. Song, qua hội thi lần này, cần phải nhìn lại số lượng cũng như chất lượng của các hướng dẫn viên quốc tế.
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, năm 2009, nguồn nhân lực du lịch Việt Nam có khoảng 1 triệu lao động, trong đó có 262.200 lao động trực tiếp, chiếm 33,75% tổng số lao động, bao gồm lao động thuộc các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các đơn vị sự nghiệp du lịch và các cơ sở kinh doanh du lịch; lao động gián tiếp là 737.800 người, chiếm 66,25%, là đối tượng có liên quan đến hoạt động du lịch.
Ước tính đến năm 2015, lao động trực tiếp trong ngành du lịch đạt khoảng trên 500.000 lao động. Số lượng này vẫn chưa đáp ứng tiềm năng du lịch của đất nước cũng như yêu cầu của ngành du lịch ngày càng phát triển nhanh và bền vững.
Báo cáo tổng hợp về thực trạng nguồn nhân lực Việt Nam qua các năm 2000, 2005, 2009 cho thấy, hiện lao động trực tiếp của ngành du lịch đạt trình độ đại học và trên đại học chiếm 9,7%; đạt trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng chiếm 51% và có đến 39,3% trình độ dưới sơ cấp. Trong số đó chỉ có 43% được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ về các ngành nghề du lịch, được đào tạo về các chuyên ngành khác ngoài du lịch hoặc chưa qua đào tạo chuyên môn du lịch chiếm 57%.
Về ngoại ngữ, so với các ngành khác, số lao động du lịch biết ít nhất một ngoại ngữ có tỷ lệ tương đối cao, chiếm khoảng 48%. Song, tỷ lệ này vẫn còn chưa cao khi đặc thù của ngành du lịch có đối tượng phục vụ trực tiếp là du khách trong nước và nước ngoài. Hơn nữa, người lao động trong ngành hiện nay chủ yếu là biết tiếng Anh, các ngoại ngữ khác chiếm tỷ lệ rất thấp nên chưa đáp ứng với nhu cầu phát triển của ngành.
Chất lượng nguồn lực vẫn là thách thức
Bà Võ Thị Cẩm Nhung, giảng viên trường Nghiệp vụ du lịch Sài Gòn: “Tuy các trường đã cung cấp cho sinh viên nhiều kiến thức, nhưng sau khi ra trường các hướng dẫn viên cần phải tự đào tạo trong quá trình tác nghiệp. Quá trình này chưa được xuyên suốt, do vậy chiếc cầu nối giữa nhà trường và doanh nghiệp vẫn còn rất xa nhau và vì thế nhiều hướng dẫn viên sau khi ra trường chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp đề ra”.
Trong khi đó, ông Huỳnh Công Thắng, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Sân khấu Nghệ thuật TPHCM, phụ trách đào tạo của Hiệp hội Du lịch TPHCM, Trưởng ban giám khảo cuộc thi “Hướng dẫn viên giỏi TPHCM năm 2010”, nói: “Qua cuộc thi này cho thấy chất lượng của các hướng dẫn viên quốc tế giỏi chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao. Bằng chứng là thông qua các câu hỏi yêu cầu thí sinh bộc lộ khả năng về kiến thức tổng quát thì nhiều người đã bỏ cuộc”.
Theo ban giám khảo cuộc thi, điểm mạnh của các thí sinh là đã tự nâng cao kiến thức hơn so với trước đây, “tuy nhiên việc cập nhật các thông tin một cách chuẩn xác của các thí sinh còn yếu, và vì nền tảng kiến thức còn hạn chế nên trong quá trình chuyển ngữ, các hướng dẫn viên quốc tế đã vô tình ‘giết chết’ giá trị văn hóa của các di tích hay điểm đến lịch sử. Điều đó dẫn đến cách hiểu lệch lạc của du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài khi đến tham quan”, ông Thắng nói.
“Với ngành du lịch ngày càng phát triển, đứng từ góc độ của người trực tiếp tham gia giảng dạy và thành viên hội đồng giám khảo, thì chúng tôi rất lo ngại về chất lượng của các hướng dẫn viên không chỉ ở kiến thức mà còn cả trình độ ngoại ngữ. Bởi thế cần có thêm những cuộc thi là dịp để học hỏi, rèn luyện, phát hiện những phần thiếu sót cần phải bổ sung thêm”, bà Nhung cho hay.
Trong năm 2009, lượng khách quốc tế đến TPHCM chiếm 60% tổng lượng khách đến Việt Nam và chiếm 45% doanh thu du lịch cả nước. Du lịch trở thành ngành kinh tế có những đóng góp quan trọng vào tổng thu nhập GDP của thành phố.
Trong năm 2010, du lịch thành phố phấn đấu đạt doanh thu 40.000 tỉ đồng, tăng 15% so với năm 2009 và đón khoảng 3 triệu lượt khách quốc tế.
Hiện nay, các doanh nghiệp lữ hành TPHCM chiếm 60-70% trong top 10 doanh nghiệp lữ hành hàng đầu Việt Nam. Hệ thống cơ sở lưu trú đứng đầu cả nước về số lượng lẫn chất lượng phục vụ với khoảng 60 khách sạn từ 3 sao tới 5 sao; 147 khách sạn 2 sao và khoảng gần 500 khách sạn 1 sao.
Tuy nhiên, quy mô đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội. Đó là một trong những hạn chế được nêu ra trong Báo cáo sơ kết 2 năm rưỡi công tác đào tạo nhân lực ngành Du lịch theo nhu cầu xã hội của Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch.
Cụ thể, tuyển sinh hàng năm ở các bậc đào tạo mới đáp ứng được hơn 65% nhu cầu đào tạo du lịch của xã hội (loại trừ nhu cầu ảo), khoảng 75% nhu cầu lao động trực tiếp của ngành. Các doanh nghiệp thiếu lao động lành nghề, các doanh nghiệp tuyển học sinh, sinh viên mới tốt nghiệp lại phải đào tạo lại. Đặc biệt, đào tạo nghệ nhân, giám đốc, chức danh quản lý cao cấp (như nhân viên tiếp thị, Maitre d’Hotel...) và chuyên gia chưa được chú trọng, chưa có cơ sở đào tạo nào làm tốt việc này.
Nguồn: (Tổng cục Du lịch Việt Nam)/(TBKTSG)