Nhân lực ngành CNTT vẫn chưa đáp ứng nhu cầu

(Hiếu học). Thị trường CNTT Việt Nam đã hội tụ những yếu tố cần cho mục tiêu trở thành một Quốc gia mạnh về CNTT. Nhưng nguồn nhân lực, là lợi thế so sánh lớn nhất của Việt Nam lại chưa đủ đáp ứng nhu cầu. Cần có chiến lược tăng tốc đào tạo, nâng cao chất lượng và qui mô hơn nữa.

Hội thảo Quản lý dự án theo tiêu chuẩn quốc tế PMI® / (Hình minh họa).

Theo số liệu của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TPHCM), thị trường lao động khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, chủ lực là thành phố Hồ Chí Minh ngày càng yêu cầu cao về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực.

Trong năm 2010 và giai đoạn 2011-2015 với tốc độ tăng bình quân về chỗ làm việc từ 3% đến 3,5%/năm cho thấy thành phố Hồ Chí Minh sẽ có nhu cầu chung về nhân lực là 280.000 đến 300.000 chỗ làm việc/năm. Trong đó công nghệ thông tin nằm trong nhóm các ngành nghề có nhu cầu lực lượng lao động cao. Để đáp ứng nhu cầu, các trường đại học, cao đẳng, trung học và trường nghề đều mở lớp đào tạo ngành công nghệ thông tin nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Tuy nhiên, một tình trạng “phố biến” hiện nay là các doanh nghiệp vẫn than thiếu nhân sự công nghệ thông tin vì không thể tuyển dụng được nhân sự có đủ trình độ và năng lực cần thiết. Mặc dù thế, hàng năm, hàng ngàn sinh viên ngành này đã ra trường và cầm trên tay tấm bằng “Tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin”. Thực tế này cho thấy không phải số lượng và chất lượng đào tạo luôn “tỷ lệ thuận” với nhau.

Muốn phát triển ngành công nghệ thông tin, vấn đề quan trọng đầu tiên là có nguồn nhân lực. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. (Hình minh họa)

Những năm trước đây, sức tiêu thụ nhân lực được đào tạo khá nhanh nhưng hiện tại đã có dấu hiệu chững lại. Nhiều chuyên gia trong ngành nhận định, việc nâng cao chất lượng và số lượng nhân lực là bài toán muôn thuở, riêng đối với ngành công nghệ thông tin lại càng bức thiết hơn vì công nghệ thông tin là ngành công nghiệp mang tính toàn cầu, nhân lực đòi hỏi có trình độ quốc tế để cạnh tranh trong thế giới phẳng. Muốn vậy, hệ thống đào tạo phải có chất lượng quốc tế.

Hiện trong hơn 400 trường Đại học và Cao đẳng ở Việt Nam thì có 2/3 trường đào tạo về chuyên ngành CNTT nhưng các công ty Việt Nam vẫn kêu, khó có thể tuyển được người có nhu cầu đáp ứng ngay công việc của họ. Điển hình như Intel, một công ty sản xuất vi xử lý lớn nhất thế giới có ý định xây dựng nhà máy sản xuất vi mạch ở Hà Nội, nhưng do nguồn nhân lực CNTT không đáp ứng được chất lượng theo yêu cầu nên hãng đã chuyển vào miền Nam. Tuy nhiên, trên thực tế Intel cho biết, chất lượng nguồn nhân lực CNTT tại đây cũng mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu của doanh nghiệp.

Theo nhiều doanh nghiệp khác như VDC, FPT,…cho biết, sở dĩ như vậy là do sinh viên Việt Nam còn thiếu các kỹ năng xã hội, trình độ giao tiếp tiếng Anh và làm việc theo nhóm còn kém, kiến thức thực tế cũng như khả năng tư duy sáng tạo chưa cao. Còn một số trường đại học lại cho rằng, nguyên nhân là do ngành CNTT có đặc thù đặc biệt, thực tế luôn thay đổi và phát triển rất nhanh. Trong khi đó, các chương trình đào tạo ở một số chuyên ngành chưa phản ánh được những phần cốt lõi nhất trong sự phát triển của chuyên ngành đó. Mặc khác, khả năng nhạy bén và phản ứng chậm với các nhu cầu luôn thay đổi của ngành CNTT cũng làm cho chất lượng đào tạo nhân lực của ngành chưa theo kịp với nhu cầu thực tế.

Trong ngành công nghệ thông tin, hiện nay xuất hiện một con “đường tắt” để có nhãn mác quốc tế đó là chứng chỉ của các hãng công nghệ toàn cầu. Vì thế bằng đại học chưa đủ tính thuyết phục, nếu nhân lực Việt Nam muốn cải thiện chất lượng thì đó là cách ngắn nhất.

Để CNTT Việt Nam có thể bứt phá và cất cánh thì cần chuẩn hóa chương trình đào tạo và nội dung đào tạo. Hơn nữa, việc nhập khẩu chương trình và nội dung từ các trường đại học hàng đầu thế giới cũng nên được cân nhắc. Vì điều này sẽ phương pháp tốt nhất để đào tạo nhân lực CNTT chất lượng cao, đạt chuẩn khu vực và thế giới.

Đồng thời, bản thân sinh viên khi học phải xác định mục tiêu cho nghề nghiệp và sự thăng tiến trong tương lai. Muốn vậy, ngoài những kiến thức được nhà trường trang bị, sinh viên phải tìm tòi, học hỏi, tận dụng những cơ hội thực hành và thực tập tại các doanh nghiệp để rèn luyện khả năng ứng dụng ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Hiện nay, nhà trường và doanh nghiệp cũng đã bắt tay hợp tác để đào tạo, định hướng và hỗ trợ sinh viên về các kỹ năng cần thiết trong công việc.

Hiện nay đề án đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT đang được Chính phủ xem xét phê duyệt. Việc thông qua đề án này sẽ tạo nền tảng cho giai đoạn tăng tốc phát triển của ngành phần mềm và CNTT Việt Nam. Với những thành tích đã được khẳng định, với nội lực sẵn có, ngành CNTT được kỳ vọng rất nhiều với mục tiêu trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin năm 2010.

Tuấn Phong tổng hợp (hieuhoc_hieuhoc.com)

Bài liên quan

Giải pháp cho nguồn nhân lực công nghệ thông tin.

(Hiếu học). “Khoảng cách giữa khả năng cung ứng nhân lực và nhu cầu thực tế trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) sẽ ngày càng lớn nếu không có các giải pháp phù hợp và kịp thời. Đến năm 2020, con số thiếu hụt nhân lực trong ngành công nghiệp CNTT có thể lên tới trên 200.000 người”.

Tiềm năng và thực trạng lao động ngành Công Nghệ Thông Tin.

(Hiêu học). Nhu cầu nhân lực ngành Công nghệ thông tin rất lớn. Đây là ngành rất hấp dẫn và là ngành có nhiều trường đào tạo, dễ tìm trường. Tuy nhiên, thực trạng lao động trong ngành Công Nghệ Thông Tin tại Việt Nam hiện nay lại thiếu về số lượng, dù sinh viên đã được đào tạo qua trường lớp nhưng vẫn yếu kém về chất lượng khi làm việc.        

Công nghệ thông tin: Những yêu cầu và cơ hội.

(hieuhoc_hieuhoc.com). Công nghệ thông tin hiện là một ngành còn có rất nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng rất nhiều yêu cầu thử thách. Thật sự công nghệ thông tin là một ngành đòi hỏi chất xám và sự kiên trì, phải có tư duy tốt, tư duy suy luận và giải quyết vấn đề, tư duy sáng tạo chứ không chỉ thuần túy là giỏi toán nếu muốn vươn cao trở thành chuyên viên lành nghề trong ngành công nghệ thông tin.  

Đề Thi Sẽ Không Quá Khó

Bộ GD-ĐT vừa ban hành quy chế hướng dẫn chi tiết việc tuyển sinh ĐH và CĐ hệ chính quy, khẳng định đề thi sẽ không được ra ngoài chương trình, vượt chương trình trung học, sẽ không quá khó, quá phức tạp, không ra đề vào những phần đã được giảm tải, cắt bỏ, hoặc đã chuyển sang phần đọc thêm.

Cùng chuyên mục