Trong vòng 5 năm tới, lực lượng lao động ngành du lịch phải tăng trưởng 20%/năm mới đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành. Tuy nhiên, với tình hình đào tạo như hiện nay, khả năng thiếu là rất cao và người lao động từ các nước ASEAN có thể sẽ tận dụng cơ hội này để thâm nhập thị trường.
Ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho biết trong những năm gần đây, lượng khách du lịch tăng trưởng đều đặn đòi hỏi nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực có chất lượng cao cũng phải tăng trưởng tương xứng nhưng các trường, các cơ sở đào tạo không đáp ứng đủ vì chất lượng đào tạo thấp.
“Cả nước có đến vài trăm trường dạy du lịch là khá nhiều nhưng do chất lượng đào tạo thấp nên nguồn nhân lực vẫn thiếu. Nếu không thay đổi thì không lâu nữa nguồn nhân lực từ ASEAN sẽ đổ vào bởi những người này đòi thu nhập không quá cao so với trong nước mà doanh nghiệp lại có nhiều cơ hội tuyển dụng người giỏi”, ông nói vớiTBKTSG Onlinebên lề hội thảo khoa học “Phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xã hội trong thời kỳ hội nhập ASEAN” diễn ra vào hôm nay (9-12) tại TPHCM.
Theo số liệu được đưa ra trong hội thảo, cả nước có 346 cơ sở đào tạo du lịch nhưng phần lớn có chất lượng đào tạo thấp nên doanh nghiệp phải tốn thêm kinh phí đào tạo lại sau tuyển dụng. Tỷ lệ được tuyển dụng của các sinh viên sau khi ra trường cũng thấp. Doanh nghiệp đánh giá sinh viên sau khi tốt nghiệp vẫn thiếu kỹ năng để làm việc, đặc biệt là ngoại ngữ, yếu tố rất quan trọng với người làm du lịch. Phần lớn sinh viên tốt nghiệp không đáp ứng được yêu cầu về ngoại ngữ của các công ty tuyển dụng.
Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, tính đến năm 2015, có 2,25 triệu người làm việc trong ngành du lịch, trong đó có 750.000 người làm việc trực tiếp.
Ông Bình cho rằng, trong vòng 5 năm tới, lực lượng lao động phải tăng khoảng 20% thì mới có thể đáp ứng được nhu cầu phát triển. “Số lượng doanh nghiệp du lịch đang gia tăng. Hiện có hàng trăm khách sạn đang chờ mở cửa và đang cần người làm việc nhưng chúng ta lại thiếu người làm nghề”, ông nói và cho rằng các cơ sở đào tạo phải thay đổi từ gốc rễ, đào tạo người làm nghề du lịch thay vì chỉ đào tạo ra những cử nhân nhưng không biết làm việc.
Đại diện một số trường đại học tham gia hội thảo cũng nói lên tình hình tương tự, khi cho rằng cả nước hiện chưa có quy chuẩn thống nhất về đào tạo du lịch. Mỗi trường có một quy chuẩn, một giáo trình khác nhau, thậm chí tên gọi của từng ngành cũng khác nhau. Đội ngũ giảng viên, chuyên gia nhiều, có chất lượng nhưng lại chưa liên kết để tạo nên những chương trình đào tạo tốt. Thêm vào đó, sinh viên cũng thiếu cơ hội cọ xát với thực tế để tăng thêm kỹ năng làm nghề.
Đào Loan (TBKTSG Online)