Nhận định đề thi Văn: đề thi hay, vừa tầm

(Hiếu học) Hôm nay, hơn một triệu thí sinh trên cả nước bước vào buổi thi đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT với các môn Ngữ văn và Vật lý.

Kết thúc buổi thi môn Ngữ Văn – môn đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2011, nhiều thí sinh có chung nhận định đề thi vừa tầm. Trong khi đó, các học sinh theo học khối A thì cho rằng đề thi hơi khó…

Thí sinh ra sớm ngồi đợi phụ huynh đón về bàn luận sôi nổi về đề Văn và khá phấn chấn vì đề “dễ thở”. (Ảnh: Khánh Hiền/Dân trí)

Đà Nẵng: nhiều thí sinh đã sớm ra khỏi trường thi. Đa số thí sinh được hỏi đều trả lời đề Văn năm nay “dễ thở”.

Ghi nhận tại Hội đồng coi thi THCS Kim Đồng (Q. Hải Châu, Đà Nẵng), nhiều thí sinh ra sớm thoải mái ngồi quán nước đợi người nhà đến đón về nghỉ trưa chờ buổi thi chiều. Thí sinh Phạm Thanh Vinh, học sinh trường THPT Phan Châu Trinh dự thi tại điểm trường THCS Kim Đồng cho biết: “Phần đề văn em làm có 3 câu: một câu hỏi kiến thức trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa, một câu đề mở và một câu yêu cầu phân tích một đoạn trong bài thơ “Tây Tiến”. Đề nhìn chung là dễ thở. Những đề bài này em đã có ôn tập trước đó nên hy vọng làm không sai ý. Ra sớm nhưng em tự tin không “rớt” môn văn, chỉ sợ hành văn chưa mạch lạc nên điểm không cao thôi.”.

– Kết thúc môn thi đầu tiên, nhiều thí sinh tại Khánh Hòa nhận định đề thi năm nay vừa tầm. Tuy nhiên, các em học sinh học khối A thì nhận định “đề thi khá khó”. Vì là môn thi tự luận nên hầu như không có thí sinh nào nộp bài ra sớm.

Em Quỳnh Như, học sinh trường Nguyễn Văn Trỗi, dự thi tại hội đồng thi trường THPT Chu Văn An cho biết: “Em thấy đề thi năm nay rất hay, nhưng cũng không hề dễ. Em thích nhất câu 2, đề ra là “Trước nhiều ngả đường đi đến tương lai, chỉ có chính bạn mới lựa chọn được con đường đúng cho mình” và yêu cầu viết một bài văn trình bày suy nghĩ. Em nghĩ là câu này em làm rất tốt. Nhưng em cũng bất ngờ với câu 1 khi đề ra về tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu. Em hơi chủ quan nên chắc sẽ không đạt điểm cao ở câu này”.

Em Nguyễn Minh Thư thì chia sẻ: “Em học khối A, nên làm không được tốt lắm, nhưng em cũng khá hài lòng với bài làm của mình. Để đạt được tổng điểm cao nhất có thể, em sẽ cố gắng hơn ở những môn thi khối tự nhiên”.

– Tại Hà nội: Nhiều thí sinh dự thi ở hội đồng thi trường Chu Văn An cũng phấn khởi với đề thi văn và cho rằng sẽ lấy được nhiều điểm ở câu 1- chỉ kiểm tra kiến thức ghi nhớ và câu 3 (phần tự chọn)- yêu cầu phân tích. Chỉ riêng câu 2 yêu cầu viết bài văn ngắn theo hướng mở là khiến các thí sinh hơi e dè. Mấy nam thí sinh cho biết “yêu cầu viết 400 chữ nhưng chúng em cố mãi cũng chỉ viết được khoảng hơn 300 chữ thôi”. Cũng theo các thí sinh, chủ đề được nhiều thí sinh chọn nhất chính là chuyện… chọn trường, chọn ngành dự thi ĐH.

“Đề dễ thôi, cũng không cần viết dài lắm. Em làm xong bài còn 20 phút mới hết giờ, cũng viết hết hơn một tờ giấy thi”- Nguyễn Bích Ngọc (HS trường THPT Nguyễn Trãi) dự thi tại điểm thi trường THPT Nguyễn Trãi, Hà Nội cười rất tươi khi nhận xét về đề thi văn sáng nay. Đối với một thí sinh chọn thi khối D như Bích Ngọc thì đề văn thực sự dễ chịu và không có gì bất ngờ: tác phẩm quen thuộc, yêu cầu của đề bài cũng không góc cạnh.

Ngay cả đối với những thí sinh dự thi các khối khác mà môn văn không phải là sở trường cũng kết thúc buổi thi môn văn trong tâm trạng thoải mái. Các thí sinh ra khỏi hội đồng thi trường THPT Phan Đình Phùng rất tươi tỉnh, nhiều thí sinh ra trước khi thời gian làm bài còn 20-30 phút. Thí sinh Ngọc Anh (HS trường THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội), dự thi khối A, nhưng cũng đánh giá là “đề văn bình thường, đúng trong chương trình và nằm trong trọng tâm ôn tập của chúng em”. Ngọc Anh cho biết thêm các bạn cùng phòng thi đều làm hết bài.

Thí sinh trao đổi sau giờ thi xong môn Văn tại hội đồng trường THPT chuyên Lê Hồng Phong – (Ảnh: Như Hùng/TTO)

– Trong khi đó tại TP.HCM: nhiều thí sinh cho biết rất bất ngờ với câu số 1 của đề thi. Thí sinh Hoàng Duy Khang, học sinh trường TPHT Đông Đô (Q.Bình Thạnh) ho biết: “Tụi mình cứ nghĩ đề thi môn văn năm nay sẽ ra giống mọi năm là câu 1 sẽ hỏi về văn học nước ngoài, ai ngờ…”. Nhiều thí sinh khác cũng cho biếtôn rất kỹ phần tác giả, tác phẩm văn học nước ngoài nhưng cuối cùng bị…trật tủ.Các thí sinh còn nhận xétđề thi hệ giáo dục phổ thông là hơi dài.

K. Linh, HS Trường THPT Hoàng Hoa Thám, cho biết: “Theo em đề khá dài, phần tự chọn vẫn là những tác phẩm quen thuộc là Tây Tiến và Vợ nhặt nên hầu hết các bạn trong phòng thi của em đều viết sang tờ giấy thi thứ 2, 3. Riêng câu nghị luận xã hội thì hơi lạ nên phải mất nhiều thời gian để viết tốt câu này, tránh bị lạc đề. Câu 1 về chi tiết trong tác phẩm “Chiếc thuyền ngoài xa” đòi hỏi bạn nào phải đọc kỹ tác phẩm này mới trả lời được”.

– Thầy Huỳnh Ngô Thanh Dũng – giáo viên Trường THPT Nguyễn Hiền, TP.HCM nhận định đề thi văn: Đổi mới 50%.

Điều bất ngờ nhất đối với các thí sinh năm nay chính là câu 1 (2 điểm). Bởi vì hàng chục năm nay, câu này thường cho nội dung về văn học nước ngoài, nếu có ra về văn học Việt Nam thì cũng ra theo kiểu “nêu hoàn cảnh sáng tác, tác giả…” mà thôi.

Theo tôi, câu này rất hay và lạ, đòi hỏi thí sinh phải nắm rõ tác phẩm và phải tư duy. Câu hỏi ra theo hướng mở, lại hỏi về một chi tiết ở cuối truyện nên sẽ có nhiều học sinh khi học, ôn bài sẽ bỏ qua chi tiết này. Còn đối với những HS ôn bài theo văn mẫu, theo dạng học thuộc lòng thì cũng sẽ không làm được, bởi các bài văn mẫu phân tích tác phẩm không hề nhắc đến chi tiết ở cuối truyện. Mặc dù câu số 1 chỉ có 2 điểm nhưng sẽ giúp giáo viên và học sinh đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập: không học tủ, học thuộc lòng.

Câu số 2 (3 điểm) cũng khá hay: hỏi về mục đích sống của tuổi trẻ, rất phù hợp với hòan cảnh, tâm sinh lý lứa tuổi học sinh lớp 12 đang phải lựa chọn hướng tương lai cho cuộc đời của mình. Tuy nhiên, học sinh dễ viết lan man và dễ mất điểm nếu không xác định được ý chính của của câu hỏi.

Câu số 3 (5 điểm) là một câu bình thường, quen thuộc, vừa sức với học sinh. Nếu học sinh có học bài hay nói chính xác hơn là cứ học thuộc lòng là làm được.

Nhìn chung, đề thi này có câu 1 và 2 thuộc dạng đổi mới, còn câu 3 thì lại ra theo “lối mòn”: mới chỉ đổi mới được 50% chứ chưa đổi mới hoàn toàn.

– Thầy Chu Văn Sơn- Khoa Văn trường ĐH Sư phạm Hà Nội: Tác phẩm quen thuộc nhưng câu hỏi hay.

Mục đích của câu một là kiểm tra kiến thức, yêu cầu chung cho loại câu hỏi này là HS phải nắm được tác giả, tác phẩm. Tôi đánh giá với câu hỏi của đề thi năm nay là một câu hỏi hay, cách đặt câu hỏi không theo lối mòn quen thuộc như hoàn cảnh ra đời của tác phẩm, tiểu sử tác giả… mà hướng vào hỏi chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm. Cách hỏi này vừa kiểm tra được kiến thức nhưng yêu cầu thí sinh phải nắm kiến thức một cách cụ thể, tức là vừa phải đọc, ghi nhớ, nắm được nội dung, vừa hiểu tác phẩm, có suy nghĩ… Tôi đánh giá câu này có nét đáng ghi nhận. HS sẽ hơi bất ngờ và muốn làm được bài phải nắm được chi tiết tác phẩm.

Câu hai là thể loại nghị luận xã hội. Thường các câu hỏi này hay hướng vào hai chủ đề: đạo lý hoặc hiện tượng xã hội. Câu hỏi của đề năm nay liên quan đến nhận thức của giới trẻ trước ngưỡng cửa cuộc đời. Tôi cho rằng đó là một chủ đề hay: Chủ đề này thời sự nhưng gần gũi với đối tượng, gần với sự quan tâm, băn khoăn của các em trong độ tuổi và thời điểm này. Có thể nói đây là một chủ đề “có thật” đối với đối tượng, vì vậy thí sinh sẽ dễ thể hiện suy nghĩ hơn là một chủ đề chung chung, các em phải bày tỏ những suy nghĩ gò ép và khuôn mẫu.

Đối với câu hỏi của phần tự chọn, cách ra đề cân xứng về kiến thức: một câu hỏi về thơi, một câu về văn xuôi. Như vật sẽ tăng khả năng lựa chọn của thí sinh, em nào thành thạo về phân tích thơ hay văn xuôi hơn sẽ chọn được câu hỏi phù hợp với mình.

Đánh giá chung của tôi là đề văn năm nay có cấu trúc tốt, tác phẩm quen thuộc, phạm vi kiến thức năm trong chương trình nhưng yêu cầu của đề thi hay. Với đề thi này vừa kiểm tra được kiến thức, kỹ năng cơ bản, bám sát chương trình nhưng vừa tạo cơ hội cho những HS có năng lực văn chương thể hiện.

– Cô giáo Trương Thị Hiền Lương, giáo viên dạy Văn trường THPT Đào Duy Từ, Hà Nội nhận định về đề thi Văn tốt nghiệp 2011: “Đề thi Văn năm nay rất hay mà cũng hơi bất ngờ nhưng hơi khó với học sinh học trung bình. Đề thi phân loại học sinh một cách rõ rệt.

Cụ thể: với câu 1, nằm trong phần kiểm tra kiến thức cơ bản của văn học Việt Nam. Học sinh phải học hiểu, nắm được toàn bộ tác phẩm thì mới làm được bài, nếu không sẽ lúng túng khi triển khai viết. Với câu hỏi này, học sinh học vẹt, học máy móc không thể làm được bài, bắt buộc học sinh phải tư duy.

Với câu 2, cũng hơi khó với học sinh đại học chỉ phù hợp với học sinh chuyên ban. Câu hỏi kiến thức rất rộng và mênh mông, học sinh khó luận bàn và khó định lượng được bài thi trong 400 chữ sẽ viết linh tinh.

Còn đối với phần tự chọn phân tích đoạn thơ trong bài Tây Tiến và phân tích nhân vật Tràng trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân thì hầu như học sinh nào cũng được học khá kỹ về 2 tác phẩm này nên giáo viên chúng tôi không lo lắng nhiều, yên tâm học sinh sẽ không mất điểm trong phần này.

Với đề thi này, tôi dự đoán năm nay sẽ ít điểm khá, giỏi, trung bình thì nhiều – cô Lương nhận định.

– Riêng tại các điểm thi hệ GDTX: thí sinh hoàn thành bài thi cũng dễ dàng. Trong đề ra, chỉ có câu văn học nước ngoài hơi “khó ăn”. Nhiều thí sinh cho biết, câu “tự hiểu” là một câu hỏi hay, phản ánh đúng thực trạng tình hình tai nạn giao thông nước ta hiện nay. Thí sinh Trần Ngọc Tuyết Mộng (TTGDTX Bình Thủy) cho biết, qua báo đài phản ánh, thì cũng hiểu được phần nào tình trạng tai nạn giao thông nên khi thấy đề ra câu hỏi này tâm trạng trong phòng thi nhẹ nhõm hơn.

Tại TPHCM, nhiều thí sinh vui mừng vì đề thi vừa sức. Tại HĐT Trưng Vương (Q.1), nhiều thí sinh ra sớm 15 phút. Thí sinh Nguyễn Thị Khanh (lớp 12A2, THPT Lương Thế Vinh) dự đoán mình sẽ được 6,5 – 7 điểm: “Đề yêu cầu phân tích thơ và nhân vật, vì đã được ôn thi rồi nên cảm thấy dễ, làm xong còn dư 15 phút”. Khanh cũng tin chắc kỳ thi này mình sẽ đậu, tâm lý rất thoải mái đón chờ buổi thi Vật lý chiều nay.

Tuấn Phong tổng hợp

Bài liên quan

Cùng chuyên mục