Việt Nam là nước gắn liền với lục địa nhưng có tỷ lệ bờ biển trên diện tích thuộc top 10 thế giới. Với bờ biển dài hơn 3.200km và diện tích lãnh thổ trên bộ rộng 320.000km2, tính đơn giản thì cứ 100km2 diện tích, ta có tương đương 1km bờ biển.
– Tiềm năng thủy sản Việt Nam trên đường hội nhập.
– Tiềm năng phát triển kinh tế biển Việt Nam.
– Tiềm năng ngành Hàng hải: Công nghiệp tàu thủy.
Theo Luật Biển quốc tế, vùng đặc quyền kinh tế của một nước có biển là 200 hải lý nên diện tích vùng đặc quyền kinh tế trên biển của Việt Nam gấp ba lần lãnh thổ trên bộ. Do đó kinh tế biển là một lĩnh vực vô cùng quan trọng của nước ta.
Chưa có tư duy gắn liền với biển
Tại các nước đang phát triển cũng như các nước phát triển nhanh nhất hiện nay, ven biển luôn là vùng phát triển nhất. Các thành phố lớn phát triển trên thế giới phần lớn đều có cảng biển. Ngay tại nước ta, Hội An trước đây là một thành phố cảng, nhưng ngày nay trở thành phố cổ vì cảng Hội An không đủ sức tiếp nhận tàu bè và Đà Nẵng đã thay thế để làm cửa ngõ cho miền Trung.
Biên Hòa và Mỹ Tho có trước Sài Gòn, nhưng Sài Gòn có cảng sâu, có thể cho tàu viễn dương trọng tải đến 30 ngàn tấn cập bến nên Sài Gòn đã trở thành thành phố công nghiệp – thương mại dịch vụ phát triển nhất phía Nam. Điều đó nằm trong một quy luật: thành phố nhờ cảng để phát triển, cảng tồn tại nhờ sự phát triển của thành phố.
Nhìn dưới góc độ chiến lược kinh tế biển thì tiềm năng của chúng ta thật sự to lớn. Từ diện tích mặt nước, tài nguyên dưới biển, ngoài hải đảo và ở bờ biển đều có thể cho phép xây dựng một chiến lược phát triển kinh tế biển với nhiều ngành nghề quan trọng khác nhau. Chỉ riêng về đánh bắt, nuôi trồng hải sản, khai thác năng lượng, khai thác dịch vụ du lịch dọc bờ biển và xây dựng các khu kinh tế, dịch vụ cảng, giao thông đường biển… đã đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế, nhưng kết quả đó hoàn toàn chưa cân xứng với tiềm năng với nguồn tài nguyên cũng như ưu thế về biển cả của nước ta.
Vậy vấn đề gì cản trở sự phát triển và chúng ta còn thiếu điều kiện nào? Nếu suy nghĩ sâu hơn sẽ thấy một đất nước, một dân tộc đã sống tồn tại và phát triển hằng ngàn năm trên dải đất ven biển như thế mà cho đến nay vẫn chưa có một đội thương thuyền hùng mạnh, chưa có một cảng biển đủ mạnh khả dĩ làm cửa ngõ giao thương trực tiếp với năm châu bốn biển và làm cửa ngõ cho các nước, các vùng đất không có điều kiện ra biển (như Lào, vùng Đông Bắc Thái Lan, Campuchia, vùng Tây Nam Trung Quốc).
Bờ biển nước ta đẹp như thế nhưng doanh thu ngành du lịch của ta vẫn còn kém nhiều nước xung quanh. Các khu kinh tế ven biển như khu kinh tế Dung Quất vẫn chưa trở thành động lực của khu vực.
Mặc dù là một dân tộc sống ven biển, nhưng tư duy của người Việt nặng về nông nghiệp. Phải chăng chúng ta chưa hình thành được tư duy của dân tộc gắn liền biển cả như người Nhật, Anh… Họ dám khám phá, dám ra khơi đương đầu với sóng gió và cũng biết vào bờ tránh bão theo quy luật sinh tồn của thiên nhiên.
Họ có ý chí nhưng không duy ý chí, luôn nắm bắt quy luật tự nhiên để hành xử theo đúng quy luật. Họ vừa mạnh dạn tiếp nhận cái mới từ bên ngoài, vừa sáng tạo ra cái mới từ bên trong, không cục bộ bảo thủ, tức là chỉ nhìn cái lợi trước mắt mà không thấy cái lợi toàn cục, tổng thể, lâu dài. Hôm nay, chúng ta bàn về kinh tế biển là đã quá chậm rồi!
Khi nói đến kinh tế biển là nói đến cảng nước sâu, khu kinh tế, sân bay tại các thành phố biển… nhưng nhiều nơi lại hay đua nhau xây dựng resort, sân goft ven biển để đón du khách. Những đề án đó xét về lý thuyết thì không sai, nhưng nhiều tỉnh thành đã đề ra các đề án phát triển tương tự nhau, nơi nào cũng có tiềm năng và đều muốn mời gọi đầu tư cả. Điều đó thật sự không ổn.
Trong nền kinh tế thị trường, khách hàng luôn là “thượng đế”. Nguồn vốn của chúng ta có hạn nên không thể lãng phí vốn đầu tư. Do đó khi thực hiện đề án, thiết nghĩ cần phải xem xét ba yếu tố sau:
1. Khách hàng là người quyết định tất cả. Họ là người lựa chọn trên cơ sở so sánh lợi thế của chúng ta với các nơi khác. Đây chính là yếu tố đầu tiên và cơ bản nhất mà chúng ta phải điều nghiên, cân nhắc để tiến hành đề án gì, ở đâu, quy mô cỡ nào, khách hàng là ai, những hệ quả kèm theo là gì… khi đề án được thực hiện.
2. Các điều kiện nội tại như cơ sở hạ tầng kinh tế (đường sá, điện, nước, thông tin), hạ tầng xã hội, luật pháp, hệ thống thủ tục hành chính… có đáp ứng được yêu cầu của nhà đầu tư hay chưa.
3. Còn có đề án nào hiệu quả hơn, thiết thực hơn khi thực hiện một đề án mà phải cạnh tranh với một đề án tương tự ở gần bên ta, nhất là cạnh tranh hay ảnh hưởng đến một đề án khác ngay trong nước ta.
Cần xây dựng một chiến lược phát triển kinh tế biển
Bờ biển chúng ta như một cây cung, dây cung phải là hệ thống đường giao thông Bắc – Nam, vì vậy phải có hệ thống đường cao tốc (cả đường sắt lẫn đường bộ) để nối liền các thành phố ven biển, các khu kinh tế ven biển và với cả những vùng sản xuất sâu vào bên trong, và còn nối với tuyến đường xuyên Á để các nguồn hàng đổ về vùng cảng biển.
Nếu xây dựng một cảng biển nước sâu để làm cảng trung chuyển cho cả khu vực, có đủ sức cạnh tranh với cảng các nước trong vùng thì hàng hóa xuất nhập khẩu của cả nước sẽ tập trung về đó và còn thu hút được hàng hóa của nước Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar, vùng Tây Nam Trung Quốc…
Muốn thực hiện được điều này, việc đầu tiên là phải tập trung phát triển hệ thống giao thông. Khi đã hình thành được hệ thống giao thông nêu trên thì các khu kinh tế ven biển hay trong lục địa sẽ mọc lên một cách tất nhiên. Song song với điều kiện trên, các chính sách kinh tế và các công cụ quản lý cũng phải thay đổi cho phù hợp với yêu cầu phát triển (như hải quan, tài chính tín dụng quốc tế…).
Nếu làm được như vậy, các ngành kinh tế, các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước sẽ tự khắc chọn được những ngành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phù hợp nhất mà không phải chờ Nhà nước chỉ ra. Việc quy hoạch trước chỉ là mặt bằng, điều kiện cơ sở hạ tầng, cơ sở tiện ích, là sự chuẩn bị các điều kiện hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp đến làm ăn.
Muốn biết môi trường kinh tế – xã hội thuận lợi hay không, chỉ cần xem xét luật lệ và chính sách kinh tế vĩ mô và hệ thống quản lý hành chính, kinh tế. Vì vậy phải tiếp tục hoàn thiện cơ sở phần mềm này đi trước một bước so với điều kiện phần cứng nêu trên, cũng nhằm để tạo niềm tin cho các đối tác nước ngoài đồng thời chuẩn bị việc đào tạo lực lượng cán bộ quản lý thực hiện chiến lược phát triển kinh tế của đất nước trong giai đoạn kế tiếp.
Sức mạnh của thời đại hiện nay chính là tốc độ. Tư duy nhanh, nắm bắt tình hình chính xác và quyết đoán đúng, chúng ta sẽ nắm bắt được thời cơ của thời đại và mượn được lực của thời đại để phát triển đất nước.
Để xây dựng chiến lược phát triển kinh tế biển, phải đặt nó trong chiến lược phát triển chung của quốc gia và xây dựng những chủ trương, chính sách hỗ trợ phù hợp, cụ thể cho từng ngành kinh tế khác nhau, có đủ sức thu hút vốn đầu tư của nước ngoài, nếu cần xây dựng một cảng trung chuyển đủ tầm cho quốc gia và quốc tế thì chỉ nên tập trung ở một nơi và đầu tư đủ tầm để đảm bảo hiệu quả, không thể đầu tư tràn lan như hiện nay. Bên cạnh đó, việc đầu tư cho giáo dục và đào tạo cán bộ cho các ngành kinh tế liên quan là không thể chậm trễ.
“Lộ thông thì tài thông” là quy luật kinh tế muôn đời. Do đó, phải ưu tiên xây dựng hệ thống giao thông hiện đại, hệ thống hành chính và luật lệ (các yếu tố trên được gói gọn trong từ “lộ thông”) để làm tiền đề cho chiến lược phát triển kinh tế biển của nước ta.
Theo: Nhận dạng kinh tế biển Việt Nam. (Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần)