(Hiếu học). Điều người ta quan tâm là sự thành công của bạn, thành công càng lớn thì sự quan tâm càng nhiều. Đúng, nhưng tự bản thân, sự thành công chỉ có ý nghĩa khi nó được phát xuất cùng với lòng tự trọng, đó là nhân cách.
Sau ánh hào quang của chiến thắng, nếu đó là nổi niềm ân hận, ray rứt vì từng phải đánh mất lòng tự trọng, từng phải “bán rẻ nhân cách để mưu cầu thành công”, thì sự thành công này có đáng gọi là thành công, khi thiếu đi lòng tự trọng?
Luồn cúi trong các mối quan hệ, quỵ lụy trước vật chất là hậu quả của sự sợ hãi, nỗi sợ hãi chính mình, sợ không sớm đạt được thành công, sợ không có được điều thèm muốn tự bấy lâu.
Chỉ khi không ai, không điều gì có thể đe dọa và mua chuộc, khi không phải làm những chuyện “biết xấu hổ mà vẫn làm”, khi không cần phải bán lòng tự trọng để mua lấy bất kỳ một quyền lợi không chính đáng nào. Khi đó, bạn có thể thực sự sống tự do.
Mất hi vọng, thiếu niềm tin sẽ đánh mất lòng tự trọng và ngược lại, không có lòng tự trọng sẽ không đủ tự tin để hy vọng và kiếm tìm thành công một cách chính đáng. Có chăng sẽ chỉ là những toan tính ích kỹ, những trò giật dây xảo trá, cấu xé lẫn nhau, coi tiền bạc là mục tiêu duy nhất, điều đó sẽ khiến cho những người sợ bị thua thiệt, muốn nhanh chóng thành công bất kể lòng tự trọng sẽ dễ dàng bán rẻ nhân cách.
Mặc dù có những lúc, do hoàn cảnh phải làm những việc nhọc nhằn, thu nhập ít, con người dường như trở nên nhỏ bé, nhưng thấp hèn hay không thấp hèn lại tùy thuộc vào sức mạnh từ lòng tự trọng của mỗi người. Muốn được cuộc sống giàu sang hoặc chí ít cũng hơn mức đang có là một mong muốn chính đáng, nhưng có được việc làm lương thiện, có lòng tự trọng thì có thể tự tin rằng trước sau gì cơ hội cũng sẽ đến và đó là thực sự sống, sống đúng với phẩm chất con người, con người có nhân cách.
Lòng tự trọng là sự nhận thức sâu sắc về nhân cách, thể hiện qua hành động giữa con người và con người, là tôn trọng mình và tôn trọng người. Lòng tự trọng là khởi đầu cần phải có, cần phải tiếp tục duy trì, vun đắp trên con đường tìm kiếm thành công
Thiếu lòng tự trọng là tự xếp mình vào loài hèn kém, cho dù có được những thành tựu nhất thời nào đó (do bán rẻ lương tâm) thì “thành tựu” này sẽ sẵn sàng tiếp tục luồn cúi, sẵn sàng chịu khuất phục, quy lụy, sẵn sàng làm nô lệ cho kẻ có sức mạnh lớn hơn.
Có thể bạn đã nghe đâu đó rằng: “Mọi người sẽ không bao giờ ngó ngàng đến lòng tự trọng của bạn đâu, điều mà họ quan tâm chỉ là thành công mà bạn đạt được”. Thật thế sao?
Không, không có một lý do nào có thể biện minh cho sự thiếu tự trọng. Chỉ châm bẩm vào mục đích thành công, lơ là sự tự trọng, không quan tâm đến lòng tự trọng của mình là điều đáng phải suy nghĩ lại!
Để đạt được điều gì đó, thành công nào đó, bất kể giá trị bản thân, không quan tâm đến lòng tự trọng, sẵn sàng “bán rẻ nhân cách để mưu cầu thành công”, mặc kệ nhân cách, chỉ cần “đạt được”để hưởng thụ thành công, đó chính là tâm lý “hãy sẵn sàng làm nô lệ đi”, làm nô lệ đi, làm nô lệ đi… chẳng phải thế sao?
Các bạn hỡi, khi các bạn nói “chúng tôi là thế hệ trẻ Việt Nam”, thì hãy tự hào. Trong câu nói đĩnh đạc này, phải luôn ẩn chứa lòng tự trọng được kế thừa từ một dân tộc, một dân tộc Việt Nam luôn kiên cường và bất khuất.
Vì thế, không thể không quan tâm đến lòng tự trọng. Không thể không đề cao lòng tự trọng. Sự thành công phải có lòng tự trọng đi cùng.
Và cũng để không bao giờ, không bao giờ có một ngày bạn phải chịu mang trong lòng nỗi niềm ân hận, tủi hổ và hối tiếc muộn màng của một người thiếu nhân cách.
Bài liên quan: Lòng tự trọng: Tin vào bản thân.
Văn Chí Kỳ. (hieuhoc_hieuhoc.com).