Nhà sáng tạo và nhà tư tưởng Lev Tolstoy

Kỷ niệm 100 năm ngày mất của Lev Tolstoy, ngẫm lại những tư tưởng, quan niệm của ông để thấy loài người vẫn luôn đối mặt với những câu hỏi vĩnh hằng về hạnh phúc trần thế và luôn đi tìm câu trả lời khó thấy.

Bài viết của nhà văn V. P. Astafyev về Lev Tolstoy.

Chân dung đại văn hào Nga Lev Nicolayevich Tolstoy – Ảnh: wikimedia.org

Chẳng hiểu do sự khác thường nào của số phận hay do một quy luật nào của nó mà một trong những hồi ức rực rỡ nhất thuở nhỏ của tôi là gắn với Lev Nicolayevich Tolstoy. Tại ngôi trường làng, nơi tôi đến học lớp 1 vào mùa thu năm 1932, ông thầy ở nơi khác đến đã đọc cho chúng tôi, bọn trẻ làng chưa biết đọc, câu chuyện về Zhilina và Costylina.

Đó là cả một sự chấn động khiến cho mãi về sau này tôi không thể lắng nghe và tiếp nhận thêm được gì nữa, chỉ hằng đêm kêu thét lên và luôn tìm cách kể lại câu chuyện về hai người lính Nga trốn khỏi trại tù binh cho tất cả những ai muốn nghe nó.

Bà tôi lần nào nghe tôi kể cũng khóc và cứ nhắc đi nhắc lại: “Lạy Chúa tôi, lạy Chúa tôi! Đời người ta là thế đấy cháu ạ, nhưng đừng cam chịu nó, đừng cam chịu nó… – và có lần bà bảo tôi – Cháu hãy cố học cho giỏi, hãy nghe lời người già, người già không dạy điều xấu đâu…”.

Từ bấy tôi không đọc lại truyện ngắn Người tù Kavkaz của Tolstoy nữa và tôi sẽ không đọc lại, bởi vì nó đã sống trong tôi bằng sự đốn ngộ chói lòa từ thuở đã lâu ấy, tách khỏi tất cả những gì tôi đã đọc thấy và nghe thấy về sau, nhưng tôi vẫn muốn kể lại câu chuyện giản dị nhưng có thể nói là lãng mạn nhất ấy trong văn học Nga của chúng ta.

Có lẽ thiên hướng sáng tạo đã nảy mầm trong tôi chính từ khi nhỏ với ước muốn được kể lại cho người khác điều mình đã nghe thấy, cố nhiên là có phần thêm vào của mình.

Tác phẩm của Tolstoy tôi thích nhất là truyện Chủ và tớ. Nó không chỉ hay về cách viết mà còn có ý nghĩa giáo huấn đối với chúng ta, những người hiện nay đang sống bằng ngòi bút, ở chỗ không nên hi sinh sự thật nghệ thuật cho sơ đồ văn học. Nhà văn và nhà tư tưởng vĩ đại đã thấy và đã hiểu con người trong toàn bộ khối lượng của nó, với tất cả những sự phức tạp và mâu thuẫn đôi khi đến quái đản.

Theo ý tôi, đó chính là những truyền thống của Tolstoy, người đã được giáo dục bằng các truyền thống của nền văn học Nga trưởng thành đã tồn tại từ trước cho đến thời ông và sự vĩ đại của nền văn học này đã được ông nhân lên và nâng lên một tầm cao mà chúng ta phải vươn lên, vươn lên nữa mới với tới để nhìn được vào những chiều sâu bất tận.

Tôi không yêu một nhân vật riêng lẻ nào của Tolstoy, tôi yêu tất cả họ. Suốt đời mình, tôi đọc đi đọc lại Chiến tranh và hòa bình năm lần.

Ấn tượng mạnh nhất là khi tôi đọc bộ tiểu thuyết này trong bệnh viện. Những cảm giác, nỗi đau mà tôi đã trải qua khi đọc Chiến tranh và hòa bình trên giường bệnh không bao giờ lặp lại nữa. Nhưng mỗi lần đọc tác phẩm này về sau lại mở ra cho tôi những “vỉa tầng” mới, trước chưa từng thấy từng nghe, bởi vì bản thân cuốn sách này là vĩ đại, bí ẩn và phức tạp như sự sống, như Trái đất.

Mười năm trước rốt cuộc tôi đã quyết định đi tới chốn thiêng – Yasnaya Polyana và tôi đã bị sốc trước sự thờ ơ và vô tích sự của đám đông như một dòng chảy trôi dọc các lối đi trồng cây, các con đường, các đường mòn trong khu trang viên. Những người khách thăm nhai nhai cái gì đấy, đua nhau chụp ảnh kỷ niệm, cười hô hố, kháo nhau những chuyện đồn thổi về Tolstoy mà chủ yếu là về vợ con ông.

Có một bà đứng tuổi tồ tồ nói về ngôi mộ của Tolstoy: “Nghe nói ông ta là một người lớn lắm mà, sao mộ như bị bỏ hoang, không có thánh giá. Chẳng lẽ lại thiếu tiền ư?”.

Lại một nam công dân tóc bạc, mặc chiếc áo như của trẻ con, có khuôn mặt của một đầu bếp hét toáng lên trong quán cà phê của trang viên: “Sao Vodka thì có, mà Cognac lại không? Tôi muốn tưởng nhớ một con người thanh cao bằng một thứ đồ uống thanh cao…”. Ngồi cạnh ông ta là cô con gái hay đứa cháu gái tuổi thiếu niên cúi mắt xuống, mặt ngơ ngác.

Có lẽ tôi đã đi về nhà với tâm hồn nặng trĩu day dứt, nếu như không nhận được lời khuyên đến đấy vào ngày nghỉ của bảo tàng.

Đó là vào tháng 9, khoảng thời gian vàng của miền trung nước Nga. Trong trang viên lá chỉ mới rụng thưa thớt. Không khí trong sáng, nhưng cái chính là vắng người. Tôi để cả ngày đi khắp trang viên, và cả ngày tôi luôn có cảm giác phía sau lưng tôi có một cặp mắt xuyên thấu vào tôi và thấy rõ tất cả mọi điều đã và đang có trong tôi, khiến tôi bất giác rùng mình và nhớ lại những việc tốt, việc xấu tôi đã làm trong đời.

Cả ngày tôi như bị đưa ra phán xét, cả ngày tôi đã làm bản “quyết toán” đời mình.

Đó là một ngày không dễ dàng trong đời tôi, bởi vì khó mà xét đoán được mình qua cái nhìn và lương tâm của một nghệ sĩ vĩ đại.

Về sau tôi có phát biểu một ý rằng với những ai bước lên con đường văn chương, thì trước khi họ gia nhập hội nhà văn và “hợp thức” làm nhà văn, hội nên cho họ đến Yasnaya Polyana, tạo điều kiện cho họ được “một mình với Tolstoy” rồi sau đó hỏi họ: Anh/chị đã sẵn sàng làm công việc mà Lev Tolstoy đã làm chưa?

Đại văn hào Nga Lev Nicolayevich Tolstoy (1828-1910): Lev Tolstoy – Nhà sáng tạo và nhà tư tưởng

Cách đây đúng 100 năm, ngày 20-11-1910, văn hào Nga Lev Nicolayevich Tolstoy đã trút hơi thở cuối cùng tại nhà ga Astapovo giữa mùa đông băng giá ở tuổi 82. Trước đó ông đã rời bỏ điền trang Yasnaya Polyana của mình ra đi để mong tìm kiếm được trên đường câu trả lời cho những vấn đề nhân sinh đã nung nấu tinh thần ông suốt cả cuộc đời.

Bộ ba tiểu thuyết Chiến tranh và hòa bình, Anna Karenina, Phục sinh và cùng bao nhiêu tác phẩm khác Tolstoy đã viết ra cũng chỉ để truy tìm ý nghĩa cuộc sống, ý nghĩa đời người cho nhân loại và mỗi con người đã được sinh ra đời. Một hội thảo khoa học lớn về Lev Tolstoy sẽ được tổ chức ngày 9-12-2010 tại Hà Nội, có sự tham gia của các nhà khoa học Nga và sự có mặt của người chắt nhà văn.

Nguồn: V.P.ASTAFYEV – (Ngân Xuyên dịch từ nguyên bản tiếng Nga/TTCT)

Cùng chuyên mục