Nhà báo cần có năng lực học tập thường xuyên và bền bỉ từ cuộc sống và từ nghề nghiệp. Họ cần thứ năng lực đó để tự mình đi tiếp trên hành trình nghề nghiệp sau khi đã được nhà trường giúp đỡ để bắt đầu nghề nghiệp.
“Có rất nhiều thứ mà các nhà báo gọi là “những thứ bạn không được dạy ở trường báo chí”. Chẳng hạn, những vấn đề hết sức tế nhị và éo le về quan hệ giữa cái có thật và sự thật của đời sống”.
* Thưa tiến sĩ, cá nhân ông có bằng lòng với những gì mà nhà trường trang bị cho sinh viên (SV)?
– Nói bằng lòng là nói dối, còn nói không bằng lòng thì lại là không công bằng với những gì mà thầy và trò chúng tôi đã cố gắng. Nhưng nghề nghiệp luôn là một hành trình dài. Thông điệp từ những người giàu trải nghiệm nghề báo đều cho thấy, nhà báo cần có năng lực học tập thường xuyên và bền bỉ từ cuộc sống và từ nghề nghiệp. Họ cần thứ năng lực đó để tự mình đi tiếp trên hành trình nghề nghiệp sau khi đã được nhà trường giúp đỡ để bắt đầu nghề nghiệp. Có rất nhiều thứ mà các nhà báo gọi là “những thứ bạn không được dạy ở trường báo chí”. Chẳng hạn, những vấn đề hết sức tế nhị và éo le về quan hệ giữa cái có thật và sự thật của đời sống. Ở trường, chúng tôi cũng cố nói với các SV báo chí rằng có thật chưa chắc là sự thật. Nhưng để giác ngộ điều đó SV cần phải tự học hỏi thêm từ chính cuộc sống.
– Nhóm nghề báo chí - truyền thông.
– Nghề nhà văn, viết báo, kịch bản.
– Nghề báo và những thách thức chỉ dành cho người bản lĩnh
SV khoa Báo chí – Truyền thông trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM trong một chuyến đi thực tế – Ảnh: Phan Nguyễn Anh Kim.
Câu chuyện chung của giáo dục đại học
* Hiện nay các cơ quan báo chí rất khó khăn trong việc tuyển dụng các phóng viên nam so với số lượng SV học báo chí đa phần là nữ. Nguyên nhân của việc mất cân đối này là do ngành báo chí chỉ tuyển sinh bằng khối C, khối mà SV nam không thích. Vậy theo ông, tại sao lại không mở rộng sang khối A và các khối khác?
– Thật ra khoa chúng tôi đang tuyển sinh cả 2 khối C và D. Kịch bản tuyển sinh khối A cho ngành báo chí không phải là không thể thực hiện, nhưng không chắc vì thế mà sẽ có thêm SV nam cho ngành báo chí đâu. Nhiều trường kỹ thuật bây giờ nữ cũng đang nhiều hơn nam. Đó có vẻ đang là câu chuyện chung của giáo dục đại học VN chứ không riêng gì của ngành báo chí. Đâu đó có thể có câu giải thích sẵn cho chuyện này, nhưng riêng tôi có lúc nghĩ, biết đâu chúng ta đã dựng lên một nền giáo dục đại học với những tiêu chuẩn đánh giá mà nữ giới có lợi thế hơn, như tiêu chuẩn “chăm – ngoan – hiền” chẳng hạn.
Và nếu tôi đang ở vai trò người phỏng vấn, biết đâu tôi sẽ hỏi là tại sao các tờ báo lại mong muốn tuyển dụng phóng viên nam (cười).
* Có ý kiến cho rằng nhà báo cần có tư duy logic chứ không phải chỉ cần giỏi các môn khoa học xã hội. Vậy theo ông, chương trình đào tạo ngành báo chí có cần đưa môn Toán xác suất thống kê vào giảng dạy hay không?
– Thật ra giỏi các môn khoa học xã hội không có nghĩa là kém về tư duy logic đâu. Tư duy nhân loại không chia phe rõ ràng như thế. Có chăng chỉ là, người làm khoa học xã hội có thể không ưu tiên “chưng diện” ra trên bề mặt công việc những quy tắc logic của tư duy mà thôi.
Nhà báo thường được đòi hỏi phải làm việc với thông tin không khác gì các luật sư hay các nhà khoa học. Nghĩa là nhà báo phải viện đến lập luận logic chặt chẽ, sử dụng các chứng cứ phù hợp cho bài viết của mình. Nhất là khi nhà báo theo đuổi các bài điều tra. Nền tảng tư duy logic vững vàng sẽ giúp các nhà báo triển khai bài viết chặt chẽ mà không mắc sai lầm.
Nhưng không phải vì thế mà nên đưa toán cao cấp hay xác suất thống kê vào chương trình đào tạo ngành báo chí. Tôi không nhìn thấy điều đó trong chương trình đào tạo báo chí của các nước khác. Ở VN hiện nay thì SV ngành báo chí được học môn logic học – môn học giúp xác lập vững vàng các nguyên lý của tư duy logic. Như thế không đủ sao?
Chưa kể, các sản phẩm thông tin của báo chí rất đa dạng, đâu chỉ có một thứ sản phẩm duy nhất nào đó đậm chất tư duy logic. Người học có thể tùy theo sở trường tư duy của mình mà chọn đi về những hướng khác nhau trong nghề báo kia mà! Tôi vẫn thấy báo luôn dành “đất” cho không ít bài viết của cảm xúc, của cảm nhận trực giác bên cạnh những bài đậm chất chặt chẽ và lạnh lùng của phong cách thông tấn. Và như thế cũng có nghĩa là các toà soạn vẫn sẽ phải cần có những nhóm người có năng lực tư duy theo những kiểu khác nhau.
“Trục xương sống” cho nghề báo
* Thực tế nhiều năm qua có một số môn học của ngành báo chí khá hàn lâm, có môn chỉ học để cho biết, khi ra trường không áp dụng (môn lịch sử báo chí chẳng hạn) nhưng số tín chỉ rất cao, vậy tại sao không giảm bớt học phần của các môn học này để tập trung cho chuyên môn làm báo, thưa ông?
– Báo chí rõ ràng không phải là một ngành hàn lâm, nhưng dù thế nó vẫn có những vấn đề, những khía cạnh hàn lâm riêng của nó. Một ngày nào đó, nhà báo tự hỏi sao mà giọng điệu của một bản tin thể thao lại có thể khác như thế so với giọng điệu của một bản tin thời sự xã hội. Thế đã là câu hỏi của hàn lâm rồi. Cho nên báo chí cũng cần có một nền tảng lý thuyết hàn lâm tối thiểu để tạo “trục xương sống” cho nghề nghiệp. Và SV báo chí phải học điều đó ở nhà trường.
Nhưng tôi đồng cảm ở chỗ, những kiến thức hàn lâm trong chương trình đào tạo cần được thiết kế trên giả định tối thiểu về năng lực tự học của SV và nên được điều chỉnh về thời lượng. Nghĩa là, có thể số tín chỉ ít hơn nhưng người học vẫn nắm được những chỉ dẫn căn bản để tự thu hoạch kiến thức liên quan, không nhất thiết phải dạy quá nhiều tiết. Đương nhiên, điều kiện cần là SV phải chủ động đọc sách. “Năng suất” đọc sách hiện nay của SV VN nói chung là thấp, đó có thể sẽ là một vấn đề cần quan tâm trong chuyện này.
Tôi nghĩ rằng nếu không được trang bị kiến thức hàn lâm cần thiết của nghề báo, SV rất có thể chỉ đạt mức “bắt chước làm báo”, nghĩa là chỉ học được những kỹ thuật tác nghiệp cụ thể mà không chắc hiểu những nền tảng lý lẽ liên quan. Bắt chước làm báo không khó, nhưng làm báo chuyên nghiệp thì không dễ chút nào.
Kỹ thuật “đóng gói tri thức” của nhà trường
* Thực trạng hiện nay SV báo chí rất thiếu kỹ năng thực hành, nhưng thời gian thực tập của họ lại rất ngắn. Ông có nghĩ rằng chương trình học của SV báo chí còn những điều bất hợp lý?
– Thật ra tổng thời gian thực hành, thực tập của SV báo chí trong 4 năm đào tạo không ít đâu. Nếu cộng hết thời gian thực hành của từng môn học chuyên ngành cộng với thời gian thực tập tại cơ sở 3 tháng thì tỷ lệ đó là 60% lý thuyết và 40% thực hành. Điểm bất hợp lý theo tôi là ở chỗ, trình tự tổ chức thực hành còn chưa hợp lý. Chẳng hạn, đến khi đi thực tập SV vẫn chưa được trang bị kỹ năng làm tường thuật chuyên ngành.
Một chuyện khác đáng nói hơn là kỹ thuật “đóng gói” tri thức của nhà trường VN để chuyển giao cho người học vẫn còn chịu ảnh hưởng nặng bởi cách “đóng gói” kiến thức kiểu “container”. Nhà trường vẫn đang hình dung trang bị cho SV một “container” kiến thức lớn bằng 4 năm học, rồi lần lượt “đóng” vào đó những “món hàng” kiến thức theo phương pháp tuần tự. 4 năm sau khi tốt nghiệp người học mới có cơ may mở “container” ra dùng. Kết quả là có không ít “món hàng” kiến thức quý được đóng vào sớm quá nên đã bị “thối rữa” vì không được dùng đến quá lâu. Và cũng vì thế mà SV không được thực hành theo một trình tự từ thấp đến cao lần lượt qua các năm học.
Chúng tôi đang nghiên cứu phương án “đóng gói” lại theo phương châm: nhỏ hơn và có thể sử dụng dần trong quá trình học. Ví dụ, kỹ thuật viết tin sẽ được chia làm 3 phần nhỏ, đóng vào 3 gói kiến thức khác nhau ở các năm học 1, 2, 3. Hằng năm SV đều được thực hành theo trình tự làm tin từ thấp đến cao. Kỹ năng thực hành sẽ nhờ đó mà hình thành một cách căn cơ và được trau dồi thường xuyên. Tôi đã trình bày phương án này với các đồng nghiệp của hai đơn vị đào tạo báo chí ở Hà Nội trong một hội thảo nghiêm túc và được mọi người chia sẻ đồng tình.
Nhưng biết không, để làm việc đó sẽ không dễ đâu. Chúng tôi còn phải vượt qua những ràng buộc của “vòng kim cô” chương trình khung do Bộ ban hành, của thói quen thiết kế chương trình đào tạo kiểu “container”.
Theo: Nhà báo và năng lực học hỏi.
(Võ Khối – Võ Ba/Thế Giới Trẻ – Thanh Niên)