Nguy cơ sóng thần vùng ven biển Việt Nam

Vùng ven biển và hải đảo Trung Trung Bộ từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi, vùng ven biển Bắc Trung Bộ từ Nghệ An đến Quảng Trị, vùng ven biển Nam Trung Bộ đều có nguy cơ sóng thần.

Các vùng nguồn động đất và sóng thần trong vùng Biển Đông (Ảnh: Nguyễn Hữu chụp lại từ tài liệu của Viện KH-CN Việt Nam). – Theo bản đồ, vùng biển Tam Kỳ, Quảng Ngãi là nơi có khả năng bị ảnh hưởng sóng thần rất lớn, sóng cao tới hơn 6m ở chu kỳ 950 năm, hơn 5m ở chu kỳ 475 năm.

Theo tài liệu do Viện Khoa học – Công nghệ Việt Nam công bố gần đây cho thấy, những vùng nói trên có mức độ nguy hiểm sóng thần hiện hữu với độ cao sóng cực đại từ 4 – 6m trong chu kỳ 475 năm hoặc 950 năm.

Điều may mắn, không phải tất cả các vùng ven biển Việt Nam đều có nguy cơ sóng thần và càng không phải nguy cơ cao như nhau.

Đà Nẵng tới Quảng Ngãi hứng chịu sóng thần?

Dựa trên nhiều mô hình tính toán khác nhau, các nhà nghiên cứu thuộc Viện Vật lý địa cầu đã đưa ra nhiều kịch bản tình huống nguy cơ sóng thần đe dọa vùng ven biển và hải đảo Việt Nam.

Theo kết quả tính toán, vùng nguồn động đất gây sóng thần nguy hiểm nhất tại ven biển Việt Nam là động đất xảy ra tại đới hút chìm Manila.

Tại đới đứt gãy này, động đất có độ lớn cực đại 8 độ Richter trở lên có khả năng gây sóng thần nguy hiểm trên vùng ven biển Việt Nam. Còn động đất có độ lớn cực đại 8,5 độ Richter trở lên xảy ra có thể gây sóng thần ảnh hưởng tới toàn bộ vùng biển Việt Nam, từ Quảng Ninh tới Cà Mau.

Vùng nguồn động đất thứ hai có khả năng gây nguy hiểm cho bờ biển Việt Nam là vùng nguồn ở khu vực ngoài khơi Bắc Trung Bộ, phía nam đảo Hải Nam.

Có thể xác định được 3 vùng nguồn gây động đất có kèm theo sóng thần trên Biển Đông. Vùng nguồn nguy hiểm nhất là đới hút chìm Manila. Hai vùng nguồn ít nguy hiểm hơn là đới đứt gãy nam Hải Nam và đới hút chìm Ryukyu (Nhật Bản).

Khu vực có khả năng chịu ảnh hưởng mạnh nhất của sóng thần là khu vực Trung Trung Bộ, từ Đà Nẵng tới Quảng Ngãi.Tuy nhiên, theo những đánh giá hiện nay, những động đất mạnh như đã nói trên ít có khả năng xảy ra…

Theo dõi hoạt động động đất, sóng thần tại Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần trực thuộc Viện Vật lý địa cầu (Ảnh: Như Ý).

Thiệt hại khôn lường

Theo những dự báo trên, các nhà khoa học thuộc Viện Vật lý địa cầu đã xây dựng bản đồ nguy hiểm sóng thần cho toàn quốc. Bản đồ này được xây dựng từ 8 trận động đất kịch bản xảy ra trên đới hút chìm Manila dựa theo chương trình tính bản đồ độ nguy hiểm sóng thần do các chuyên gia Viện Địa chất và hạt nhân New Zealand viết riêng cho Việt Nam.

Theo bản đồ, vùng biển Tam Kỳ, Quảng Ngãi là nơi có khả năng bị ảnh hưởng sóng thần rất lớn, sóng cao tới hơn 6m ở chu kỳ 950 năm, hơn 5m ở chu kỳ 475 năm.

Cũng với các chu kỳ trên, TP Đà Nẵng độ cao sóng khoảng 5-6m, hoặc 4-5m. Vùng ven biển miền Trung từ Quảng Ngãi tới Tuy Hòa sóng cao khoảng 5-6m, hoặc 3-4m. Từ Tuy Hòa tới Phan Rang, Phan Thiết, ảnh hưởng sóng thần giảm bớt, độ cao khoảng 2-3m (chu kỳ 950 năm), khoảng 2m (chu kỳ 475 năm).

Thành phố Nha Trang đã được chọn để tính toán độ rủi ro sóng thần mà theo đó, khi mức nước ngập 2m, Nha Trang với diện tích 251km2, dân số 361.454 người sẽ chịu tổn thất về kinh tế 12 983 584 USD; 94 người chết (ngày) và 418 người chết (đêm). Còn khi mức nước ngập 8m, thiệt hại sẽ là 2.500.224.471 USD; 18.164 người chết (ngày) và 9.608 người chết (đêm).

25 kịch bản đón sóng thần

Để chuẩn bị cho chương trình diễn tập ứng phó sóng thần, các nhà khoa học Việt Nam đã xây dựng 25 kịch bản cảnh báo nguy cơ sóng thần, làm cơ sở thông báo cho công chúng trước khi sóng thần tràn tới.

Các nhà khoa học cho biết không thể chủ quan với hiểm họa này, bởi Việt Nam nằm ở vị trí có xác suất xảy ra sóng thần không nhỏ. Theo đó, một đứt gãy dưới Biển Đông phía tây Philippines có thể gây ra động đất cấp 9 và sóng thần. Chỉ trong vòng 2 – 3 giờ, sóng thần có thể ập đến Việt Nam, và vùng biển miền Trung có nguy cơ bị tàn phá nặng nề nhất.

TS Vũ Thanh Ca – Viện Khí tượng, Thủy văn & Môi trường, từng ghi nhận một thiên tai kinh hoàng xảy ra ở ven biển Thừa Thiên – Huế ngày 11- 9 -1904, do nước dâng gây ra, tàn phá hơn 22.000 ngôi nhà, làm đắm 519 thuyền và 724 người chết. “Trong điều kiện biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng khắc nghiệt và khôn lường, Việt Nam cần sẵn sàng các phương án để tránh thảm họa tồi tệ nhất.” – PGS Phương nói.

Thử nghiệm cảnh báo sóng thần ở Đà Nẵng

Ngày 6-5, Bộ NN&PTNT có văn bản gửi Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 và thành phố Đà Nẵng về thử nghiệm hệ thống báo động sóng thần tại Đà Nẵng vào ngày 15-5.

Theo Bộ NN&PTNT, Bộ và Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đã hoàn thành 10 điểm cảnh báo sóng thần ở Đà Nẵng. Việc thử nghiệm cảnh báo sóng thần nhằm rút kinh nghiệm để triển khai trong cả nước.

Theo kế hoạch, khi có tín hiệu động đất, sóng thần ở hiện trường, thông tin này sẽ được truyền tới 10 đài trực canh (bản tin, còi ú, đèn tín hiệu); nhắn tin tới các điện thoại di động theo danh bạ chuẩn bị trước; việc sơ tán dân sẽ thực hiện vào sâu 1 km.

Theo: (Khoa giáo – Khoa học/TPO)

Bài liên quan

Làm gì khi có cảnh báo sóng thần?

Theo Cơ quan Khí tượng Nhật Bản hướng dẫn: - “Hãy rời ngay khỏi bờ biển và trú ẩn ở một nơi an toàn khi có thông báo sóng thần…”. Khoảng 10 phút giữa chấn động đầu tiên và lúc các luồng sóng gây chết người ập đến cũng đủ để người dân chạy thoát khỏi các vùng nguy hiểm.   

Nguyên nhân hình thành sóng thần tại Nhật?

Theo các nhà khoa học, sóng thần có thể hình thành khi các mảng địa tầng dưới đáy biển va chạm vào nhau gây nên động đất. Sau khi mảng địa tầng Thái Bình Dương xô vào mảng kiến tạo Bắc Mỹ và xuất hiện sóng thần tại Nhật Bản hôm 11/3.

Sóng thần đến Việt Nam, sau 5 phút có cảnh báo

Sáng nay, 29/3, tại Viện Địa chất Việt Nam đã diễn ra Hội thảo khoa học về động đất và sóng thần. Nếu sóng thần xảy ra, sau 5 phút, Việt Nam mới phát hiện ra và miền Trung sẽ thiệt hại nặng nhất – Viện Vật lý địa cầu nhận định. 

Cùng chuyên mục