Sau chín năm thành lập, công ty Nissan Techno Việt Nam (NTV) chuyên thiết kế bằng phần mềm các linh kiện, chi tiết nhiều dòng ôtô hiện có hơn 1.150 nhân viên, trong đó không dưới 90% là các kỹ sư người Việt (40% kỹ sư thiết kế là nữ), mang lại doanh thu năm 2009 hơn 23 triệu USD
Dám đột phá
Tổng giám đốc NTV Akio Chiba kể lại: NTV thành lập năm 2001, ngay sau đó đã chọn vài chục kỹ sư người Việt đưa sang Nhật đào tạo nâng cao tay nghề vẽ kiểu, thiết kế linh kiện ôtô. Đến tháng 10-2003 nhóm kỹ sư này trở về bắt đầu đảm nhiệm công việc thiết kế, vẽ kiểu linh kiện, phân tích các tình huống giả định trên máy tính… do Tập đoàn Nissan (Nhật Bản) chuyển sang. Ở NTV chuyên thiết kế khung xe, thân xe, phân tích thân xe, thiết kế gầm xe, các thiết bị điện, điện tử, động cơ và các hệ thống truyền động.
Theo giám đốc kỹ thuật Yuji Matsuo, có năm bước để hoàn tất một dòng ôtô: vẽ kiểu, thiết kế, kỹ thuật sản xuất (kiểm tra hoàn thiện và liên kết của các chi tiết đã thiết kế, phân tích thông số kỹ thuật…), sản xuất thử nghiệm và cuối cùng là sản xuất hàng loạt. Công việc của các kỹ sư ở NTV chiếm ba công đoạn đầu của quy trình này. Tùy công đoạn mà kỹ sư Việt tại NTV đảm nhiệm 40-90% công việc bằng phần mềm CAD (Computer-Aided Design, dùng rộng rãi trong các thiết bị nền tảng bằng máy tính hỗ trợ cho các kỹ sư, kiến trúc sư để vẽ các bề mặt và hình khối 3D tạo hình).
Ông Yuji Matsuo cho biết các lĩnh vực thiết kế vỏ xe, thân xe, động cơ xe và hệ thống truyền động, phân tích kỹ thuật do người Việt thực hiện những năm qua đã gặt hái được rất nhiều thành công. Thậm chí có những công đoạn người Việt đã cải tiến, rút ngắn thời gian thực hiện mà trong nhiều năm qua các kỹ sư Nhật không nghĩ ra hoặc không dám cải tiến.
Giải thích điều này, kỹ sư Lương Hồng Thương, một trong những người gia nhập NTV từ những ngày đầu, cho rằng người Nhật tuân thủ theo một trình tự công việc từ nhiều năm trước và không dám cải tiến, trong khi với người VN mọi thứ đều mới nên mạnh dạn nghiên cứu thay đổi. Thương kể rằng có một kỹ sư người Việt sau một thời gian nghiên cứu thay thế các thông số trong vụ va chạm giả định trên máy tính đã rút ngắn chỉ còn gần 30% thời gian so với quy trình mà các kỹ sư người Nhật lâu nay vẫn áp dụng. Sáng kiến của anh đã được ứng dụng và tuyên dương trong toàn công ty.
Tổng giám đốc NTV Akio Chiba cho biết trung bình để hoàn thiện một chiếc ôtô cần có khoảng 30.000 chi tiết, bộ phận… do một nhóm khoảng 2.000 kỹ sư thiết kế cùng làm. Ông cũng “bật mí” ít ai biết phần lớn chi tiết, linh kiện lắp ráp cho xe Teana (khá thịnh hành ở VN) và Cube đang bán ở nhiều thị trường trên thế giới do các kỹ sư người Việt ở NTV thiết kế, thực hiện. Đó là chưa kể hàng trăm chi tiết dùng cho các dòng xe khác của Nissan cũng do các kỹ sư NTV thiết kế. “Số chuyên gia người Nhật sắp tới chắc chắn sẽ giảm và thay thế bằng kỹ thuật viên người Việt”, ông Akio Chiba cho hay.
40% kỹ sư là nữ
Nữ kỹ sư chuyên thiết kế thân xe có tám năm kinh nghiệm ở NTV Nguyễn Thanh Hằng kể lần đầu sang Nhật tu nghiệp cô đã khóc rất nhiều khi nhìn thấy bản vẽ quá nhiều chi tiết li ti, chằng chịt… Cô không biết liệu mình có hoàn thành được công việc không. Tuy nhiên chiếc cửa xe đầu tiên do cô và các đồng nghiệp thiết kế đã được chọn để trưng bày là mẫu thiết kế đạt chuẩn. Giám đốc kỹ thuật Yuji Matsuo cho biết công việc này đòi hỏi tính tỉ mỉ, kiên nhẫn… nên rất hợp với phụ nữ, vì thế 40% kỹ sư ở NTV là nữ.
Công việc căng thẳng
Kỹ sư Thương cho biết ngoài việc thực hiện các bản vẽ kỹ thuật, thẩm mỹ, khí động học, an toàn… các kỹ sư còn đảm nhiệm việc tính toán giá thành của linh kiện, tính hiệu quả thỏa mãn yếu tô môi trường, khí hậu, thị hiếu người tiêu dùng để góp nên khả năng thành công của dòng xe.
Chẳng hạn chỉ là chi tiết gạt nước của kính trước, nếu là một cần gạt hoặc loại hai cần gạt ngược chiều nhau, giá thành thiết kế, thi công sẽ đắt hơn loại thông thường nhiều, nên tùy giá thành của thị trường bán xe sẽ thiết kế kiểu gạt nước nào. Hay thiết kế loại đèn trước có cảm biến theo góc lái và trọng lượng người ngồi trên xe (nếu xe chở nặng lên dốc, đèn sẽ tự động hiệu chỉnh thấp xuống).
Với người tiêu dùng, “thu hồi” xe có thể chỉ đơn giản mang xe quay lại hãng sửa chữa, nhưng với các kỹ sư thiết kế ở NTV đó là “ác mộng”. “Mỗi khi nghe dòng xe nào bị thu hồi, chúng tôi đều lo lắng và bị ám ảnh ghê gớm lắm, trách nhiệm chính sẽ thuộc về người thiết kế, vẽ kiểu chi tiết gây nên chuyện thu hồi – Nguyễn Văn Huy, kỹ sư lứa đầu tiên của NTV có tám năm thâm niên, chia sẻ – Các chi tiết đều liên đới với nhau nên không biết chi tiết mình thiết kế có liên quan đến chi tiết gây ra lỗi hay không”.
Ông Yuji Matsuo cho biết thiết kế một chi tiết nhưng phải hội đủ rất nhiều tiêu chuẩn an toàn và chỉ cần một chi tiết không hoạt động hiệu quả hoặc trục trặc dẫn đến phải thu hồi dòng xe đó thì kỹ sư thiết kế coi như chấm dứt sự nghiệp. Tổng giám đốc NTV Akio Chiba khẳng định NTV đang hướng đến mục tiêu sẽ tiết giảm tối đa các kỹ sư người Nhật để đến ngày nào đó thị trường ôtô VN sẽ có những dòng xe do chính các kỹ sư người Việt thiết kế và sản xuất.
Theo: (TTXuân)