Hành trình tuổi trẻ thời nay có thể ví như một chuyến đi xuyên qua bản đồ nhiều ngã rẽ của đô thị tấp nập… Có những con đường được người trẻ yêu thích, thỏa sức phóng xe mà không cần lo lắng. Nhưng cũng có nhiều đoạn đường khiến bạn trẻ tránh né… Vậy nhiều người trẻ đang né những “đường” nào?
Sự ràng buộc
Nhiều người trẻ chưa lập gia đình khi được hỏi sợ điều gì nhất đều có chung một đáp án: sự ràng buộc. Nhưng hỏi kỹ ra thì ràng buộc đối với họ không chỉ là việc cột chặt đời mình với một người khác bằng chứng nhận hôn nhân, mà còn là hàng trăm ngàn mối liên hệ khác nữa.
Diễm Kiều (20 tuổi, TPHCM) tâm sự: “Ở độ tuổi em, việc học là quan trọng nhất… nhưng có nhiều điều khiến em thấy nản: thầy cô giảng bài quá lệ thuộc vào giáo trình khiến sinh viên bị xiềng vào những cuốn sách, và những tấm bằng đôi khi không có nhiều giá trị thực tế… Các mắt xích của việc học nối với định kiến của xã hội về bằng cấp tạo nên sợi dây ràng buộc sức sáng tạo, ước mơ tuổi trẻ của chúng em. Nếu hỏi em ghét điều gì nhất thì đó luôn là sự ràng buộc”.
Minh (18 tuổi, Hà Nội) tuyên bố rằng không yêu đương với cô nào hết cho tự do. Minh nói: “Thấy mấy đứa bạn có bồ mà phát mệt. Khi xa nhau bạn gái nhắn tin gọi điện quản lý sáng – trưa – chiều – tối, lúc gần nhau thì chỉ được nhìn duy nhất một người… Mới yêu đương mà ràng buộc rắc rối như thế thì tốt nhất là tránh đi, cuộc sống tự do vui hơn nhiều!”.
Từ học tới yêu và sống, bất cứ điều gì cũng đều nằm trong một hệ lụy của những tác động dài, đầy tính ràng buộc lẫn nhau. Song bạn trẻ hiện đại dường như muốn phản kháng lại, không muốn đi trên “trục đường chính” nghẹt thở này.
Công việc ổn định
Nguyễn Duy (27 tuổi) hiện đang là dược sĩ tại một bệnh viện ở Cần Thơ, công việc đã ổn định được hai năm. Không giống với các thế hệ cha anh trước đó vài thập niên “phấn đấu một chỗ làm yên ổn rồi từ từ thăng tiến”, Duy cảm thấy mình trì trệ và uể oải vì công việc hằng ngày cứ đều đều một nhịp.
Công việc ổn định mà nhiều người từng mơ ước thời nào lại đang gieo rắc trong đầu Duy ý tưởng mới cho sự thay đổi nghề nghiệp: “…làm một công việc nào đó được bay nhảy và thăng trầm nhiều hơn, còn tính ổn định thì chẳng cần thiết”.
Thùy Vân (26 tuổi, TPHCM) tự nhận mình là một “chân dài” dù cao chưa đến 1,60m, lý do là Vân “nhảy việc” quá nhiều. Từ khi tốt nghiệp đại học, năm nào Vân cũng “nhảy” khoảng vài ba công ty. Bạn bè lâu ngày gặp, câu đầu tiên bao giờ cũng hỏi: “Còn làm ở chỗ cũ không?”. Tuy vậy, bản thân Vân lại không hề cảm thấy cuộc đời bấp bênh vì những cú nhảy của mình.
Vân giải thích: “Mỗi lần nhảy việc tôi tích lũy được thêm kinh nghiệm và tiền lương cũng tăng cao hơn. Tôi nghĩ mình đang như nước chảy vào chỗ trũng, sẽ ngày càng lớn mạnh. Ở mãi một chỗ, không có sự lưu chuyển thì khác nào ao tù, làm sao mà phát triển được. Vậy mà nhiều người không hiểu, cứ cho rằng cuộc sống của tôi lông bông không điểm dừng”.
Hóa ra một con đường bằng phẳng, không có sự phiêu lưu mạo hiểm cũng làm bạn trẻ chùn bước và quay lưng chọn lối đi khác.
Đối diện với hậu quả
Dám làm mà không dám chịu là chuyện muôn đời của những ai thiếu bản lĩnh. Với nhiều người trẻ, đây cũng là một trong nhiều vấn đề ám ảnh họ nhất. Ngọc Tuyết (23 tuổi) đến giờ vẫn không thể nào xóa bỏ những ám ảnh trong lòng về lần tự tử của cô bạn cùng lớp cách đây năm năm.
Xuất phát từ lần cô bạn ấy ngất giữa sân trường, do không thích nhau nên Tuyết cùng hai người bạn thân đã tạo ra tin đồn cô ấy vừa đi phá thai nên mới yếu như vậy. Đối với học sinh lớp 12 đó là chuyện động trời, vài ngày sau tin đồn râm ran khắp trường khiến nạn nhân không dám đi học.
Tuyết và các bạn bắt đầu lo lắng vì trò đùa ác của mình, nhưng quá nhiều nỗi sợ khác khiến họ không dám lên tiếng đính chính, quan trọng nhất là họ không đủ dũng khí đối diện với hậu quả do chính mình gây ra. Điều Tuyết và các bạn không ngờ tới là nạn nhân trước những áp lực oan ức đã toan tự tử…
Cuộc sống yên ả
Nhiều bạn trẻ rất thích đi du lịch về những vùng non nước hữu tình, nhưng bảo họ sống ở đó một khoảng thời gian đủ dài cỡ tháng hoặc năm thì chắc chắn câu trả lời là “không bao giờ”.
Ngọc Quân (24 tuổi, TP.HCM) có lần tuyên bố: “Máy tính mà không có Internet là tớ không sờ vào đâu nhé!” để chứng tỏ không thể sống thiếu công nghệ thông tin. Vừa lên mạng vừa làm việc, học bài đã thành quen với rất nhiều bạn trẻ ở thành thị. Một ngày không có Internet cuộc sống thật ngột ngạt vô nghĩa, một ngày không sử dụng điện thoại như bị mất chân mất tay, và một ngày không có điện thì “ôi thôi, phải tìm ngay một quán cà phê có WiFi để tránh nạn”.
Việc chọn một cuộc sống bụi bặm ở thành phố được bao phủ bởi tiện nghi công nghệ và đầy những thử thách, kể cả bất trắc đồng nghĩa với chọn một con đường đầy những vấn nạn và ô nhiễm.
Trong hành trình cuộc sống hiện đại, còn nhiều con đường khác nhận được sự thờ ơ của dấu chân tuổi trẻ… Có thể họ quay lưng bởi vì không muốn chịu đựng sự nhàm tẻ, hoặc thiếu kỹ năng đối mặt và giải quyết những phiền nhiễu.
Theo: Người trẻ đang né gì? (Nhịp sống Trẻ/TTO)