Nhiều câu hỏi có vẻ ngây ngô nhưng thực ra rất hóc hiểm, không biết trả lời ra sao. Chẳng hạn như: Người tiến hóa từ khỉ, vậy tại sao tất cả các con khỉ đều không tiến hóa thành người?
Dưới đây là câu trả lời của nhà khoa học Nga Alexandr Markov đăng trên tờ Elementy:
Điều này xảy ra cũng theo một nguyên nhân là không phải mọi con cá đều bò lên bờ và trở thành con vật bốn chân, không phải mọi sinh vật đơn bào đều trở thành đa bào, không phải mọi loài lưỡng cư đều thành bò sát, không phải mọi loài bò sát đều thành động vật có vú… Cũng theo nguyên nhân đó mà không phải mọi loài hoa đều là bạch cúc, không phải mọi loài côn trùng đều là kiến, không phải mọi loài nấm đều là nấm trắng, không phải mọi loài virus đều là virus cúm. Mỗi loài sinh vật đều là duy nhất và chỉ xuất hiện một lần. Lịch sử tiến hóa của mỗi loài được xác định bởi vô số những nguyên nhân và phụ thuộc vào vô số điều ngẫu nhiên. Hoàn toàn không có chuyện ở hai loài đang tiến hóa (chẳng hạn là hai loài khỉ khác nhau) số phận được an bài tuyệt đối như nhau và chúng đều đi đến cùng một kết quả (chẳng hạn, cả hai loài khỉ đều biến thành người).
Bản thân câu hỏi đặt ra để chúng ta trả lời đã dựa trên hai sai lầm.
Thứ nhất, nó ngộ nhận rằng tiến hóa có một mục tiêu nào đó phải cố đạt cho bằng được, hay ít nhất cũng có “hướng chính”. Một số người nghĩ rằng tiến hóa luôn luôn hướng từ đơn giản đến phức tạp. Chuyển động từ đơn giản đến phức tạp trong môn sinh học gọi là sự “tiến bộ”. Song quá trình tiến hóa không phải là quy định chung, nó không đặc thù cho tất cả mọi sinh vật mà chỉ đối với một phần rất nhỏ. Nhiều động vật và thực vật trong quá trình tiến hóa không trở nên phức tạp hơn mà ngược lại, đơn giản hóa đi, mà vẫn cảm thấy thoải mái. Ngoài ra, trong lịch sử phát triển sự sống trên Trái đất rất thường xuyên xảy ra tình trạng một loại sinh vật mới không thay thế các loại cũ mà bổ sung cho chúng. Nhờ đó mà tổng số loài trên hành tinh (sự phong phú về loài hay là sự đa dạng sinh học) thường xuyên tăng lên. Nhiều loài tuyệt chủng nhưng số lượng các loài mới xuất hiện còn lớn hơn. Do vậy loài người được “bổ sung” cho loài linh trưởng và các loài khỉ chứ không “thay thế” chúng.
Thứ hai, nhiều người sai lầm khi cho rằng loài người chính là mục tiêu mà sự tiến hóa luôn nhắm tới. Các nhà sinh học đã không tìm thấy bất cứ một chứng cứ nào để khẳng định giả thiết này. Dĩ nhiên, nếu chúng ta xem xét phả hệ của mình thì thấy rất giống có sự chuyển động đến mục tiêu đã định – từ sinh vật đa bào đến những động vật đầu tiên, sau đó đến những động vật có dây sống đầu tiên (chordata), những loài cá đầu tiên, động vật bốn chân đầu tiên, rồi bò sát, thằn lằn răng thú, động vật có vú, linh trưởng, khỉ, loài vượn người đầu tiên và cuối cùng là con người. Nhưng nếu ta xem xét phả hệ của bất cứ loài nào khác, chẳng hạn của muỗi và cá heo, thì chúng ta cũng thấy chuyển động “có phương hướng” y như vậy, chỉ khác là không tiến tới loài người mà là tiến tới loài muỗi và loài cá heo.
Nói thêm là phả hệ của chúng ta với loài muỗi trùng hợp với nhau trên mọi con đường từ sinh vật đơn bào đến động vật hình giun thô sơ nhất và chỉ sau đó mới tách ra. Với cá heo thì chúng ta có nhiều tổ tiên chung hơn: phả hệ của chúng ta bắt đầu tách khỏi cá heo chỉ từ cấp độ loài có vú cổ đại, còn trước đó thì mọi tổ tiên của chúng ta đều là tổ tiên của cá heo. Chúng ta thích thú khi tự cho mình là “đỉnh cao tiến hóa” nhưng muỗi và cá heo cũng có không ít cơ sở hơn để tự cho chúng là đỉnh cao tiến hóa chứ không phải loài người chúng ta.
Dĩ nhiên, con người có điều gì đó đặc biệt mà các loài động vật khác không có. Chẳng hạn chúng ta có bộ não lớn nhất và hệ thống giao tiếp phức tạp nhất (tiếng nói). Công bằng mà nói thì mọi loại sinh vật khác cũng sở hữu ít nhất một tính chất gì đó duy nhất chỉ chúng mới có (nếu không thì người ta đã không gọi chúng là một loài riêng). Chẳng hạn báo chạy nhanh hơn hết thảy mọi con thú và nhanh hơn chúng ta rất nhiều. Hãy chứng minh cho nó hiểu rằng suy nghĩ và nói quan trọng hơn là chạy nhanh xem nào. Nó sẽ chết đói nếu đánh đổi bốn chân guồng nhanh như gió để lấy bộ não to đùng. Bởi vì sử dụng bộ não thì cần phải học, phải lấp đầy bằng những kiến thức này nọ… Phải mất rất nhiều thời gian để báo thấy được lợi ích của bộ não lớn trong khi ăn thì nó muốn ngay tức thì.
Nhìn chung sự tiến hóa ít khi dẫn đến sự xuất hiện các loài có bộ não to. Bởi động vật phải trả giá rất đắt cho bộ phận này. Thứ nhất, não tiêu thụ một lượng lớn calo do đó động vật có bộ não lớn đòi hỏi nhiều thức ăn hơn. Thứ hai, bộ não lớn làm cho việc sinh nở khó khăn: ở tổ tiên chúng ta, khi y học chưa ra đời, tỷ lệ tử vong (cả mẹ lẫn con) khi “vượt cạn” rất cao. Điều quan trọng là có vô số cách để sống thoải mái mà không cần bộ não lớn. Cần có sự kết hợp duy nhất nào đó giữa các hoàn cảnh thì sự chọn lọc tự nhiên mới ủng hộ việc tăng bộ não ở các con khỉ mà về sau đã trở thành tổ tiên của chúng ta.
Chúng ta là loài sinh vật đầu tiên có lý trí. Liệu cá voi, voi hay tinh tinh có thể trở thành loài thứ hai có lý trí? Rất khó trả lời câu hỏi này vì cần có thời gian để quan sát trong khi sự tiến hóa là quá trình hết sức chậm chạp. Có thể con cháu của loài tinh tinh châu Phi sẽ trở thành sinh vật có lý trí thứ hai sau chúng ta. Nhưng bao giờ? Có thể sau 10 triệu năm nữa, mà cũng có thể 30 triệu năm.
Theo: (Elementy/Tamnhin)