Khi người ta được đào tạo và làm đúng ngành nghề mình yêu thích thì vẫn có nhiều “cơ duyên” để thành đạt. Hơn thế nữa, cuộc sống của họ sẽ có ý nghĩa hơn rất nhiều vì có được những cống hiến to lớn cho đất nước, cho xã hội.
Đang tồn tại một thực tế là trong lúc các ngành học tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh…rất “hot” thì các ngành khoa học cơ bản lâm vào tình trạng “chợ chiều”. Một trong các nguyên nhân của tình trạng này là nhiều bạn trẻ dù yêu thích khoa học nhưng lại e rằng học xong không biết làm gì vàtương lai sẽ mờ mịt. Có đúng là học các ngành khoa học cơ bản thì chẳng có gì để làm và tương lai sẽ mờ mịt?
Hy vọng câu chuyện về những “người hiền” của giáo sư viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu sẽ cho các bạn trẻ một góc nhìn lạc quan hơn, để các bạn hiểu rằng khi người ta được đào tạo và làm đúng ngành nghề mình yêu thích thìvẫn có nhiều “cơ duyên” để thành đạt. Hơn thế nữa, cuộc sống của họ sẽ có ý nghĩa hơn rất nhiều vì có được những cống hiến to lớn cho đất nước, cho xã hội.
– Thầy giáo tiếng Nga Đặng Vũ Minh sẽ chẳng có cơ hội trở thành người tiên phong trong lãnh vực đất hiếm ở Việt Nam vàtiến sĩ Nguyễn Mạnh Sắt sẽ bỏ lỡ cơ hội được thực hiện những thí nghiệm “tầm vũ trụ” nếu như họ không có sự bứt phá để về đúng vị trí của mình, làm đúng công việc mà mình nhiều khả năng nhất.
Từ thày giáo tiếng Nga đến người khai sinh ra labo đất hiếm
Nhân dịp kỷ niệm 15 năm ngày thành lập Viện Khoa học Vật liệu mà tiền thân là Viện Vật lý, giáo sư viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu – người “anh cả” của Viện Vật Lý ngày trước đã kể cho các đồng nghiệp trẻ của mình câu chuyện ông đã bắt tay vào việc “chiêu hiền” ra sao trong những ngày đầu thành lập Viện vào năm 1966. Và “người hiền” đầu tiên mà viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu nhắc đến chính là giáo sư viện sĩ tiến sĩ khoa học Đặng Vũ Minh.
Đặng Vũ Minh tốt nghiệp chuyên ngành lý hóa phóng xạ, nhưng do được đào tạo tại Liên Xô nên thời điểm đó về nước anh được trưng dụng để dạy… tiếng Nga tại Đại học Sư Phạm. Biết chuyện, anh Nguyễn Văn Hiệu liền lóc cóc đạp xe sang Đại học Sư Phạm để xin bằng được anh Đặng Vũ Minh về cho Viện Vật lý vừa mới phôi thai.
Về công tác tại phòng hóa phân tích của Viện Vật lý, Đặng Vũ Minh chẳng khác nào cá gặp nước. Sau đó, anh được cử đi đào tạo phó tiến sĩ, rồi tiến sĩ ở Nga. Năm 1985, trở về nước, tiến sĩ Đặng Vũ Minh trở thành con chim đầu đàn ở một lĩnh vực nghiên cứu rất mới mẻ tại Việt Nam là hóa lý phóng xạ. Và đây chính là nền tảng cơ bản để sau này anh thực hiện được hoài bão của mình -xây dựng lên một labo về đất hiếm tại Việt Nam.
Còn nhớ vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước, sau khi thành lập, phân viện Vật lý Nha Trang đang rất lúng túng trong việc tìm các hướng nghiên cứuthì được tiến sĩ Đặng Vũ Minh ghé thăm. Sau một tuần lang thang trên các bãi biển, trước khi lên máy bay ra Hà Nội, anh đã nói với anh em ở đây một câu đáng giá: “Các bạn nên đi vào nghiên cứu về cát”. Từ lời gợi mở của anh, hơn một năm sau dây truyền sản xuất Dioxit Titan ra đời tại Nha Trang, mở ra bước đột phá cho việc khai thác nguồn cát sa khoáng có thành phần Zicon – nguồn quặng chứa nhiều các nguyên tố hiếm – rất giá trị ở miền Trung ngày nay.
Cũng xin nói thêm rằng, từ một cán bộ nghiên cứu, TS Đặng Vũ Minh đã trải qua nhiều vị trí quan trọng: Viện phó Viện Vật lý, Viện trưởng Viện Hóa học, Chủ tịch Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Công nghệ của Quốc hội và hiện nay là Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
“Nếu ngày ấy anh Minh không về Viện Vật lý thì ngày nay chúng ta đã không có một giáo sư tiến sĩ khoa học là ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch viện Khoa học công nghệ Việt Nam” – giáo sư Nguyễn Văn Hiệu nói.
Nhân viên chụp X quang trở thành nhà khoa học
Một “người hiền” nữa cũng được giáo sư viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu “rủ rê” về Viện Vật lý từ những ngày đầu tiên là phó giáo sư tiến sĩ khoa học Ngô Quốc Bưu. Anh Bưu cũng theo học ngành hóa tại Liên Xô. Khi về nước anh được phân công làm… nhân viên chụp X quang tại bệnh viện K Hà Nội. Khi về Viện Vật lý, anh cũng được đào tạo để trở thành phó tiến sĩ, rồi sang Nga làm tiến sĩ. Sau khi về nước tiến sĩ Ngô Quốc Bưu được giao làm Viện phó Viện Khoa học Vật liệu kiêm Phân viện trưởng Phân viện Khoa học Vật liệu tại Nha Trang. Tại đây, anh đã có công trình nghiên cứu rất có giá trị là chiết tách hoạt chất có tác dụng ngăn cản sự phát triển của ung thư từ rong biển.
Hiện nay, tuy ở tuổi “cổ lai hy” và đã được nhà nước cho nghỉ hưu nhưng ngày ngày anh vẫn miệt mài đến Viện Công nghệ Môi trường để tiếp tục với các công trình nghiên cứu mới của mình.
Lỡ một chuyến tàu để điều khiển những thí nghiệm trong vũ trụ
Một “người hiền” nữa cũng do viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu “chiêu mộ” về Viện Vật Lý là giáo sư tiến sĩ Nguyễn Mạnh Sắt- nhà điện tử hạt nhân hàng đầu của Việt Nam, người đã được Tổng thống Vladimir Putin trao tặng Huân chương Hữu Nghị “vì những đóng góp to lớn vào việc phát triển và củng cố sự hợp tác khoa học – kỹ thuật giữa Việt Nam và LB Nga”. Hiện nay, tiến sĩ Nguyễn Mạnh Sắt đang là trưởng đoàn cộng tác viên khoa học Việt Nam tại Viện Liên hiệp Nghiên cứu Hạt nhân Dubna ở LB Nga.
Anh Nguyễn Mạnh Sắt kể lại rằng đầu những năm 70 sau khi tốt nghiệp bằng ưu chuyên ngành điện tử anh đã lọt vào “mắt xanh” của tùy viên quân sự của ta tại Liên Xô và bên quân đội chỉ chờ anh về nước là phong hàm sĩ quan để đưa vào phục vụ trong quân đội. Để “níu chân” nhà nghiên cứu điện tử hạt nhân tương lai này lại, viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu đã sang Liên Xô và lập tức đưa anh Nguyễn Mạnh Sắt vào làm việc tại Viện Liên hiệp Nghiên cứu Hạt nhân Dubna. Chuyến trở về Việt Nam của anh Sắt phút chót đã bất ngờ bị hủy bỏ khiến cả gia đình anh háo hức đi đón người thân mà chỉ đón được… một ít đồ đạc do anh gửi bạn học cầm hộ về.
Nhưng chính nhờ chuyến “lỡ tàu” năm đó mà sau này anh Sắt đã có cơ hội trở thành người tham gia lắp đặt hai chiếc máy gia tốc đầu tiên (do các nước xã hội chủ nghĩa tặng) tại Việt Nam từ những năm 70 của thế kỷ trước để phục vụ cho nghiên cứu khoa học và kinh tế của đất nước.
Đặc biệt, vào năm 1980, trong chương trình Intercosmost, khi Phạm Tuân cùng các nhà du hành vũ trụ Liên Xô đang tiến hành một loạt các thí nghiệm trên trạm Hòa Bình, thì ở dưới mặt đất, tại thành phố Ngôi Sao ở Liên Xô, chính tiến sĩ Nguyễn Mạnh Sắt đã túc trực cùng hai nhà khoa học Việt Nam khác để “điều khiển từ xa” giúp Phạm Tuân thực hiện thành công các thí nghiệm đó.
Thày giáo tiếng Nga Đặng Vũ Minh sẽchẳng có cơ hội trở thành người tiên phong nghiên cứu đất hiếm ở Việt Nam, nhân viên chụp X quang Ngô Quốc Bưu sẽ không có điều kiện để tìm ra hoạt chất chống ung thư trong rong biển cũng như tiến sĩ Nguyễn Mạnh Sắt sẽ bỏ lỡ một cơ hội hy hữu được điều khiển những thí nghiệm trên vũ trụ nếu như họ không có sự bứt phá để về đúng vị trí dành cho mình, làm đúng công việc mà mình có khả năng nhất. Nhưng trên hết là người đầu tiên tạo bệ phóng đúng và tốt cho họ. – Với họ, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu là mộtngười như thế.
Theo: Họ thành tài bởi…”đôi mắt thâÌ�n” Nguyễn Văn Hiệu (Beenet)