Người phụ nữ mang lại giá trị cho cây tre.

Kể từ sau chuyến đi New York (Mỹ) nhận giải thưởng của UNDP trao cho dự án làng tre Phú An, tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh lại tất bật với dự định nghiên cứu phát triển những tính năng của cây tre vào đời sống kinh tế, qua đó góp phần nâng cao giá trị hoạt động bảo vệ môi trường.

Tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh, giảng viên Trường đại học Khoa học tự nhiên, dành phần lớn thời gian làm việc ở làng tre – (Ảnh: Thuận Thắng)

Trong những ngày tháng 9-2010 trên đất Mỹ, tại buổi lễ trao giải, tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh đã nói với chúng tôi về mong muốn phát triển hơn nữa khu bảo tồn tre. Ngay khi về nước, bà đã dành phần lớn thời gian cuối năm cho hành trình tìm kiếm các giống tre mới với sự trợ giúp của người dân địa phương. Ra Hà Nội rồi đáp máy bay đi Luang Prabang (Lào), sau đó bà lần ngược lên Điện Biên Phủ, xuôi về Quảng Trị, vào Kon Tum rồi về lại Phú An (Bình Dương).

Chuyến đi hơn một tháng đã giúp bà bổ sung hơn 70 giống tre mới cho vườn ươm và sưu tập (hiện làng tre Phú An trồng trên 175 giống). Chỉ chúng tôi xem một thân tre thật to trồng trong vườn sưu tập, bà nói: “Đây là tre nước, tên gọi như vậy vì ở Thái Nguyên người ta dùng nó làm ống dẫn nước”.

Từ ước mơ giữ lại lũy tre làng

Trong căn nhà lá của vườn sưu tập, một nhóm sinh viên Pháp và Việt Nam đang làm việc dưới sự hướng dẫn của giáo sư Jacques Gurgand. Đến Việt Nam lần đầu tiên năm 1989 trong khuôn khổ hoạt động hợp tác của Bộ Ngoại giao Pháp, kể từ khi nghỉ hưu giáo sư Gurgand chủ yếu làm việc thực địa và gắn bó với dự án làng tre Phú An từ những ngày đầu tiên.

Dự án khởi đầu cách nay gần 10 năm, phát triển trên ý tưởng của dân làng Phú An “muốn được sống trong môi trường sạch, đẹp và yên tĩnh” – theo lời bà Hạnh – trên địa bàn rộng hơn 3.000ha ở thời điểm chính quyền địa phương quyết định không phát triển nhà máy tại khu vực vốn đã có quá nhiều khu công nghiệp. Nhưng sâu xa hơn, như bà tâm sự, là mong muốn được góp phần vào việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường tại quê hương Bến Cát, Bình Dương, trong đó có hình ảnh của làng quê Việt Nam vùng Đông Nam bộ với lũy tre làng.

Triển khai trên diện tích 10ha, dự án nhận được tài trợ 600.000 euro của vùng Rhône-Alpes thông qua vườn Pillat, một khu bảo tồn tài nguyên thiên nhiên ở Pháp, với hai đối tác ở Việt Nam là Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) và tỉnh Bình Dương.

Với giải thưởng Xích đạo của UNDP, dự án cần được quảng bá nhiều hơn để tạo hiệu quả lan tỏa. Đó là điều mà các sinh viên Pháp tại Đại học Lille III đang đóng góp. Cô Marion Langlois, nghiên cứu sinh năm 2 thạc sĩ chuyên ngành quan hệ văn hóa và hợp tác quốc tế đang thực tập tại làng tre, nói: “Chúng tôi có khá nhiều dự án về phát triển bền vững nhưng muốn tạo sự liên thông với dự án làng tre, nhất là trong việc quảng bá địa điểm và giúp cư dân địa phương tham gia dự án ở góc độ bảo vệ môi trường sống của chính mình. Hiện chúng tôi đang làm các brochure giới thiệu bộ sưu tập tre cho du khách, đặc biệt là tiếp xúc với các tạp chí, cơ quan, đại học, viện nghiên cứu ở Pháp, Québec (Canada), Thụy Sĩ, Anh, Mỹ… để giúp họ biết đến làng tre này và tiến tới các quan hệ hợp tác”.

Tốt nghiệp ngành sinh lý thực vật Đại học quốc gia Sài Gòn năm 1974, bà Hạnh lấy bằng tiến sĩ về khoa học môi trường tại Đại học Paris 12 (Pháp) năm 1994. Hiện là giảng viên của Đại học Khoa học tự nhiên, nhưng đa số thời gian bà Hạnh làm việc ở làng tre. Nơi đây đang trở thành địa điểm lý tưởng cho học sinh, sinh viên trong nước và quốc tế đến tìm hiểu, nghiên cứu, thậm chí làm đề án.

Trên đường hướng dẫn tham quan vườn sưu tập, thỉnh thoảng bà Hạnh ngừng giải thích bởi các cuộc điện thoại. Gần như ngày nào cũng có khách tham quan, phần nhiều đến từ TP.HCM (cách làng tre 42km). Đối với các đoàn, trong đó có cả trường học, thì phải hẹn trước. “Thứ năm này sẽ có 60 học sinh đến đây. Các em thường vẽ tranh về tre sau khi được giải thích sự khác biệt giữa các giống tre” – bà nói.

Vườn ươm tre tập trung nhiều giống được ưa chuộng

Tre chữa bệnh và xử lý nước thải

Khi được hỏi về những câu chuyện thú vị trong hành trình tìm tre, bà Hạnh cười bảo: “Ô, nhiều lắm, chẳng hạn cây lèng eng đây”. Chỉ một bụi tre thấp nhỏ có lá xanh tốt, bà cho biết đây là giống tre lấy về từ Quảng Trị. Gần đây có đoàn dân tộc Vân Kiều trên 20 người thuê xe vào tham quan, nghe bà bảo ở đây có tre Quảng Trị gọi là lèng eng, họ cười rần lên.

“Tên đúng của nó là Làng An, nhưng người miền Trung phát âm là “lèng eng”. Thế là họ bảo cứ gọi nó là lèng eng cho vui”. Đây là loại tre có bộ rễ phát triển ngầm dưới đất nên các bụi tre mọc lên cách nhau cả vài mét.

Ngay sau cổng vào khu vườn thực vật có vài bụi tre gai. Theo Từ điển bách khoa dược thảo Larousse của Pháp (Larousse Encyclopédie des Plantes médicinales), gần như tất cả bộ phận của tre gai, từ rễ, lá đến măng đều được sử dụng trong y học cổ truyền Ấn Độ. Nước ép từ thân tre gai chứa rất nhiều silice, có tác dụng tốt trong việc làm tăng sức chịu đựng của các mô xương và sụn.

“Tôi đang phối hợp với trường dược để thử dược tính một số giống tre trong điều trị bệnh, chẳng hạn làm hạ nhiệt, giảm căng thẳng. Nếu triển khai thành công thì rất tốt” – bà Hạnh nói.

Tre còn có tính năng xử lý nước thải. Công ty Sài Gòn Tantec do Đức đầu tư ở Khu công nghiệp Việt Hương, chuyên sản xuất và cung cấp da thuộc cho các hãng thời trang thế giới, đã đặt hàng đề tài này với bà Hạnh.

“Tôi cho xây cái hồ, đổ đất vào và áp dụng nguyên tắc lọc gồm có đá lớn, đá nhỏ, cát rồi trồng tre ở bên trên. Nước thải từ nhà máy sẽ thẩm thấu qua bãi trồng tre, rễ tre sẽ hút và cho ra nước xử lý rất tốt. Tôi đã thử làm với lục bình và vetiver, nhưng hai loại cây này chịu không nổi với nước thải. Chỉ có tre là tốt nhất”. Thử nghiệm thành công này đã được công ty đưa vào ứng dụng.

Tiến sĩ Hạnh giới thiệu với sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM một loại tre kiểng (tên khoa học là Bambusa multiplex) có tác dụng xử lý chất độc trong đất và nước – Ảnh: Thuận Thắng

Giá trị môi trường

Thế giới có hơn 1.200 giống tre, theo Wikipedia. Ở khu vực châu Á, nghiên cứu về tre và trồng rừng mạnh nhất là Trung Quốc với những rừng tre bạt ngàn mà phim ảnh đã cho thấy. Bà Hạnh nhấn mạnh: “Ở Trung Quốc là tre ôn đới. Việt Nam có chiều dài với hai hệ thực vật rõ rệt: ở miền Bắc là tre liên quan đến phả hệ Trung Quốc, trong khi miền Nam gắn với phả hệ Indonesia và Malaysia”.

Giá trị kinh tế của tre đã được biết đến nhiều trong chế biến thực phẩm, xây dựng, làm hàng nội thất, thủ công mỹ nghệ… Nhưng giá trị về mặt môi trường còn lớn hơn nhiều, nhất là trong việc giáo dục ý thức bảo vệ sinh thái ở người dân. Trồng tre thành rừng trên đất đồi trọc sẽ giúp chống xói mòn, đồng thời bán được chỉ số carbon cho thế giới.

Tre trồng khai thác lần đầu tiên sau ba năm, các năm sau đó cứ liên tục khai thác. Một hecta trồng 400 bụi tre đến tuổi khai thác, theo tính toán của bà Hạnh, mỗi năm có thể thu hoạch 4-5 cây/bụi. Nhưng thuyết phục được người dân về lợi nhuận của tre so với các cây trồng khác, như cao su chẳng hạn (từ 6-7 năm đã khai thác mủ), là chuyện không đơn giản.

Trong dân gian người ta nói trồng tre làm hư đất vì không trồng được thứ gì khác. Sở dĩ có chuyện này là vì tre mọc quá mạnh, tán lá che hết ánh sáng không cho cây khác phát triển. Bà Hạnh đã cho sinh viên làm đề tài chứng minh trồng tre không làm hư đất. Bà giải thích: “Rễ tre đa số phát triển xung quanh bụi chứ không đi xa, ngoại trừ cây lèng eng.

Khi phân tích so sánh dinh dưỡng của đất trong vườn cao su, điều, tre và đất không trồng loại cây nào thì cây tre là loài thực vật lấy dinh dưỡng của đất ít nhất. Bởi vậy người trồng cao su phải bón phân nhiều, trong khi trồng tre thì không cần. Trong vườn tre có rất nhiều trùn đùn đất lên. Khi phân tích đất trồng tre sau năm năm, kết quả cho thấy hàm lượng hữu cơ tăng lên rất cao so với ban đầu”.

Thực tế làng tre Phú An gần như đã xong giai đoạn sưu tập và bảo tồn các giống tre. Việc góp phần phát triển cộng đồng theo hướng tìm đầu ra sinh lợi cho người trồng tre và đa dạng hóa sản phẩm vẫn còn chờ thời gian. Trước khi gặp chúng tôi, bà Hạnh vừa tiếp nhóm khách đến đặt vấn đề cung cấp măng và tầm vông. Cũng đã có cơ quan, xí nghiệp đặt làm hàng rào bằng tre nhưng bà Hạnh không lấy sản phẩm ở làng tre mà đi tìm trong dân, hướng dẫn họ làm giống để cung cấp. “Đây cũng là một cách giúp người dân có thu nhập từ tre” – bà nói.

Bà Hạnh dự kiến cuối năm 2012 làm một lễ hội tre Việt Nam nhằm một mặt giới thiệu loài thực vật đa dạng này, mặt khác tìm nguồn kinh phí để tiếp tục công việc nghiên cứu và mang lại giá trị thặng dư cho cây tre. “Tôi cũng dự kiến có một mô hình làng nghề sản xuất các dụng cụ bằng tre. Vải được chiết xuất từ tre có sợi rất mịn và mặc rất mát. Ở Pháp, một chiếc áo vải tre có giá khoảng 30 euro” – bà nói.

Trong câu chuyện trao đổi hào hứng với chúng tôi về những dự định tương lai, thỉnh thoảng tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh không giấu được sự lo âu trước những rắc rối về mặt quản lý và cả những khó khăn trong việc tạo nguồn thu cho hoạt động của đội ngũ nhân viên làng tre.

Cũng dễ thông cảm cho một phụ nữ rất ngại nói về bản thân, ít nhắc đến chuyện gia đình và chỉ chuyên tâm vào hướng nghiên cứu gắn liền với việc tăng giá trị cho một sản vật quê hương. Nhưng chúng tôi tin bà không bỏ cuộc, vì xung quanh bà luôn có những cộng sự đang và sẽ chung tay góp sức cho dự án.

“Tôi là nô lệ công việc của cô ấy” – giáo sư Gurgand hiền hậu cười nói với chúng tôi trong căn nhà lá treo lủng lẳng rất nhiều vật dụng làm bằng tre.

Các mẫu anagyre làm từ tre – Ảnh: Q.Thái

Anagyre: chỉ quay đúng hướng

“Đây là một món đồ chơi quay được trên một mặt phẳng, nhưng chỉ quay được theo chiều kim đồng hồ. Nếu dịch chuyển theo chiều trái, nó sẽ chao đảo rồi tự động tìm lại hướng đúng, tức quay ngược lại theo chiều phải. Trong khoa học, người ta gọi đây là động năng hoặc năng lượng chuyển động”. Ông Bruno Minguet, một nghệ nhân điêu khắc gỗ, giải thích với chúng tôi về cái anagyre có hình êlip làm bằng tre ông đang chế tác tại làng tre Phú An.

“Với một miếng gỗ bằng phẳng thì dễ làm ra anagyre, nhưng với cái mắt tre này tôi phải tìm cách tạo ra một định dạng thích hợp, với phần mũi hơi nhô cao hơn. Cái khó là phải phối hợp phần hợp lý của miếng tre để nó quay được như anagyre và phần tự nhiên của nó, tức cái mắt tre, còn giữ lại vài cành nhỏ nhô lên”.

Làm nghề điêu khắc gỗ từ 35 năm nay ở Pháp, ông Bruno hoạt động sáng tác tại Puy du Fou (xem trang web www.sculpture-minguet.com), một khu công viên giải trí có các phân xưởng giới thiệu hoạt động làng nghề.

Ông kể: “Khi đến tham quan công viên này và phát hiện đặc tính kỳ lạ của anagyre, bà Hạnh hỏi tôi liệu có thể làm nó bằng tre. Tôi nghĩ rằng không, vì đối với tôi cây tre quá nhỏ và lại mỏng. Thế là bà ấy mang đến vài mẩu tre để tôi làm anagyre, trong đó có cả rễ tre, rồi đề nghị tôi giúp hướng dẫn vài nhân viên sẽ đưa sang đây học nghề. Tôi trả lời tốt nhất là tôi đến Việt Nam nên mới có chuyến đi này”.

Giới thiệu anh Huyền, một học trò khéo tay mà ông có dịp hướng dẫn làm anagyre bằng gỗ dừa ở Bến Tre, ông Bruno nói thêm: “Anh ta nắm bắt nguyên tắc anagyre rất nhanh và vận dụng nó trong các sản phẩm làm ra dưới nhiều hình dạng, trong đó có cả máy bay, tàu”. Bà Hạnh cho biết sẽ mở phân xưởng để anh Huyền làm các anagyre như một cách đa dạng hóa sản phẩm từ tre.

Ông Bruno nói: “So với xã hội Pháp vốn đã bảo hòa, tôi thấy ở Việt Nam vẫn còn nhiều thứ để khởi đầu, để sáng tạo. Những anagyre do làng tre làm ra có thể bán cho du khách và sẽ thu hút nhờ đặc tính độc đáo của nó”.

Ngày 21-2, Chính phủ đã ban hành chính sách khuyến khích phát triển ngành mây tre, trong đó có biện pháp miễn giảm thuế sử dụng đất cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư đầu tư trồng rừng nguyên liệu mây, tre và áp dụng thuế suất nhập khẩu 0% đối với máy móc, thiết bị chuyên dùng cho sản xuất hàng mây tre trong nước chưa sản xuất được theo danh mục do Bộ Công thương ban hành. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 5-4-2011 cũng nêu rõ việc ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí để thực hiện việc điều tra trữ lượng, diện tích các giống mây tre, ứng dụng công nghệ sinh học vào các khâu bảo quản, chế biến…

Theo: Người đàn bà say mê tre (TTCT – TTO)

Bài liên quan

Những nữ doanh nhân thành đạt

Ánh mắt, nụ cười lấp lánh khi chị cùng sinh viên xem đoạn clip về gia đình nhỏ. "Bé Gấu" - con trai chị cứ bi bô chỉ trỏ: "Mẹ kìa, mẹ kìa". Có lẽ bé chưa từng được thấy mẹ trong bộ đồng phục công sở đang họp bàn cùng các nhân viên. Người vợ - người mẹ này là Giám đốc đối ngoại Ngân hàng Sacombank.

Các nữ chính khách thành công

Các nữ chính khách đang chứng tỏ họ thành công nhờ bản lĩnh, nhờ tính cách mạnh mẽ, nhưng vẫn rất nữ tính và xem trọng các giá trị gia đình. Năm qua, từ Đông sang Tây, một loạt các nữ chính khách giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử để trở thành nguyên thủ quốc gia.  

Cùng chuyên mục