28 tuổi, là tổng giám đốc Công ty cổ phần truyền thông Netviet trụ sở tại TPHCM, có chi nhánh ở Hà Nội và Vũng Tàu và văn phòng đại diện tại Mỹ, nhưng Trần Trung Khiêm khẳng định: “Kế hoạch chỉ mới bắt đầu…”.
Những “cú liều” đầu đời
Người nhà biết tính liều của Trần Trung Khiêm khi anh mới học lớp 9, thấy nhiều bạn bè đã có xe đạp Trung Quốc đi học, Khiêm cũng mơ mình có một chiếc như thế để “khỏi mỏi chân đi bộ đến trường”. Nhưng gia đình khó khăn, không có tiền mua xe. Vậy là một “kế hoạch liều” được Khiêm vạch ra: mùa hè, Khiêm quyết định giấu bố mẹ đi làm thợ hồ để có đủ tiền mua xe.
Hết ba tháng hè, Khiêm kiếm được 800.000 đồng, đủ mua một chiếc xe như mơ ước, nhưng cái giá phải trả: bị giàn giáo đập vào đầu, suýt chết. Mẹ la rầy: “Sao con liều mạng vậy?”. “Kế hoạch liều” đầu tiên trong đời đó như một dấu ấn đậm nét cho tương lai của Khiêm.
Khiêm nói: “Mình liều nhưng có kế hoạch!”. Từ Vũng Tàu khăn gói ra Hà Nội học ngành điện tử viễn thông ở Học viện Bưu chính viễn thông. Hết năm đầu, gia đình lại khó khăn nên bố mẹ “cắt” viện trợ, Khiêm phải tự mình vạch ra kế hoạch nuôi sống bản thân giữa thủ đô đắt đỏ, phải đi làm nhiều việc hơn để có tiền học: cài đặt máy tính, thiết kế website, bán máy tính…
Không ít lần anh phải liều chạy đôn chạy đáo vay mượn bạn bè mỗi người một ít tiền, rồi bán đồng hồ, xe máy (mà anh dành dụm mãi mới mua được) để nộp học phí cho kịp giờ vào phòng thi vì cháy túi.
Ngay cả khi đi làm thêm ở một công ty của Singapore tại Hà Nội, bị chê “không kinh nghiệm, không bằng cấp”, Khiêm lại “liều mạng” chấp nhận làm không công với giao kèo làm được mới nhận lương. “Lúc đó mục đích duy nhất của tôi là phải học thật nhiều, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm để sau này không phải đi làm thuê” – Khiêm nhớ lại.
Ra trường năm 2003, Khiêm vào TP.HCM và đầu quân vào một công ty phần mềm của Canada. Sau bốn tháng, Khiêm được đề bạt vào vị trí trưởng phòng dự án, cuối năm đó trở thành phó giám đốc dự án (mảng gia công phần mềm) thị trường Canada. Nhưng đó không phải là kế hoạch của Khiêm. Khao khát làm chủ luôn nung nấu cho đến giữa năm 2004, Khiêm bỏ ra ngoài thành lập công ty riêng mang tên Netviet, chuyên về truyền thông mạng và gia công phần mềm.
Khởi nghiệp
Văn phòng Netviet ban đầu chỉ rộng 25m2, năm người từ giám đốc đến nhân viên đều ngồi chen chúc nhau để làm việc. Ban đầu họ sống bằng những hợp đồng nhỏ đủ để trả tiền thuê nhà, cuối tháng không đủ tiền trả lương cho nhân viên.
Nhưng Khiêm nhất định không thiếu lương anh em, “ngài giám đốc” chạy vay tiền khắp nơi để trả lương cho bốn nhân viên. Để cam kết uy tín với khách hàng giao hàng đúng hợp đồng, Khiêm “liều” tuyển thêm năm người dù trong túi chỉ còn vài triệu đồng. Nỗ lực tìm được những hợp đồng mới những tháng sau đó đã giúp Khiêm thở phào: đủ tiền trả lương nhân viên, mặt bằng và còn dư chút đỉnh.
Netviet có một nhóm tám nhân viên chuyên “săn” hợp đồng, nhưng chưa bao giờ Khiêm đặt nặng hiệu quả ngay tức thì với nhân viên, với khách hàng cho dù chi phí để nuôi sống bộ máy réo gọi hằng ngày. Khiêm đề ra cách kinh doanh cho Netviet khi tìm hợp đồng: ban đầu khách hàng chưa đồng ý, hãy làm bạn và giúp đỡ họ, để khi cần họ sẽ tìm đến mình.
Công ty khởi điểm từ hai bàn tay trắng, tất cả đều là tiền dành dụm, vay bạn bè, kêu gọi cổ đông. Với Khiêm, “nhờ kết hợp làm việc với bạn bè tốt nên tôi có nhiều cơ hội phát triển”. Ngay từ ngày mới thành lập công ty, ba người bạn đang làm ở công ty khác đã chấp nhận về Netviet làm việc không nhận lương ba tháng đầu.
Netviet dần dần được nhiều khách hàng tin tưởng: Công ty Globals Inc. (Mỹ) thời gian đầu chỉ ký kết hợp đồng sản phẩm nhỏ 10.000 USD/tháng, sau họ chuyển sản phẩm giá trị lớn hơn (trên 30.000 USD/tháng); phân phối sản phẩm GoOnline tại Việt Nam và trực tiếp gia công các sản phẩm về thương mại điện tử cho Công ty Kpro (Na Uy); là nhà phân phối trực tiếp thiết bị bảo mật WatchGuard của Mỹ tại Việt Nam cho Công ty Blitz IT Consultans Pte Ltd (Singapore)…
Nhiều công ty của Mỹ như Tometa Software Inc, School Outfitters… hiện nay đã là bạn hàng thân thiết của Netviet. Hiện số nhân viên của Netviet đã lên đến 50 người và toàn là những người toàn tâm với công nghệ thông tin, những bạn trẻ này đang đặt ra tham vọng: nhắm vào thị trường gia công phần mềm tại Mỹ.
Đầu năm 2005, Netviet đã mở văn phòng đại diện tại tiểu bang Utah (Mỹ) và liên kết với một số Việt kiều đang làm việc trong ngành công nghệ thông tin, thông qua họ để tìm kiếm khách hàng, sau đó văn phòng sẽ trực tiếp thiết kế và chuyển giao sản phẩm về công ty tại Việt Nam để thực hiện.
Khiêm bảo: “Mọi việc chỉ mới bắt đầu cho sự khởi nghiệp”. Ở tuổi 28, Khiêm cho biết còn rất nhiều kế hoạch ấp ủ, chỉ lo không đủ thời gian.
Theo Lê Quỳnh (Tuổi Trẻ)