Máy hút sâu, phát minh ầm ĩ của Nguyễn Văn Hoàn đã được cơ quan chức năng thẩm định kỹ, rồi mang từ thôn Tiền Phong, xã Phú Lâm, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang về Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao giải nhì Cuộc thi sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc lần ba, vừa mới diễn ra tại Hà Nội.
Nửa đời bươn bả với những đồng chè ngút mắt. Nã thuốc sâu vào ngọn chè rồi đem hái bán, thì trăn trở rằng mình đã xả độc hại vào cơ thể bà con mình. Muốn làm chè sạch không phun thuốc, thì sâu bệnh búa xua, từ tang tảng sáng đến sâm sẩm tối, vợ chồng con cái phải toét mắt đi bắt từng con sâu bé đến mức “chim chích không nhìn thấy” ở khắp 20ha vườn nương. Nhưng bắt bằng tay làm sao cho xuể. Một đêm mất ngủ, ý tưởng chế tạo máy hút sâu chợt loé lên và chưa bao giờ Nguyễn Văn Hoàn nóng lòng chờ trời sáng đến thế. Sau nhiều tháng mài, cắt, gò, hàn… trong xưởng cơ khí ở góc chuồng bò, rồi đem máy ra đồng chè thử nghiệm, cuối cùng chiếc máy hút sâu của anh Hoàn cũng chào đời.
“Con sâu cũng thích búp non như… người uống trà”
Vừa từ thủ đô nhận giải thưởng về, anh Hoàn còn hào hứng lắm. “Tôi gọi cái máy hút sâu của mình là hồ lô bắt yêu quái, như trong phim Tôn Ngộ Không ấy. Gần 10ha chè sạch, vì mình kiên quyết không phun thuốc, nên sâu bệnh chi chít, có con sâu bé như hạt phấn li ti, tôi cứ đùa, đến chim sâu nó chả bắt được. Nào rầy xanh, nhện đỏ, bọ cánh tơ, bọ xít muỗi, sâu muội phấn… Tôi nghĩ, sắp hái chè thì không phun thuốc, vừa phun thuốc thì không được hái chè”. Nói xong, anh Hoàn cười rất hồn nhiên. Có lẽ anh nghĩ chân thành như vậy, bằng chứng là anh đã bỏ nhiều tháng ròng, tốn nhiều tiền để nghiên cứu cái máy hút sâu bọ, dù đã thành công, song nó chưa bao giờ đem cho anh một đồng lợi nhuận, nhưng anh vẫn vô cùng tâm huyết.
“Vì không có tiền, vì sợ phá sản bởi “máy hút sâu bọ”, nên tôi toàn phải đi mua phế liệu về cắt, ghép, mài, giũa; rồi nhờ bạn bè giúp các công đoạn quá khó nhọc. Tôi tính kỹ, nếu thất bại thì đống phế liệu vẫn cứ là phế liệu, chẳng mất gì”. Sau khi nghiên cứu thấy rằng, con sâu vườn chè nó khá giống con người thích thưởng trà ở chỗ: Thích ăn búp non, lá non, chỉ “chén” những gì mơn mởn ở trên mặt bằng của nương chè (phía trên tán); cho nên, anh Hoàn tính: Mình phải tuốt hết bọn sâu này bằng máy. Không thể dùng tay được.
Phải hút chúng lên trời. Rất may, cây chè khác với cây khế hoặc cây rau cải, ở chỗ: Người ta chỉ hái những lá và ngọn ở trên mặt tán chè và sâu cũng chỉ tấn công trên nơi cao nhất, không bao giờ nó ăn xuống quá 10cm tính từ mặt tán. Vì thế có thể dùng lực gió để hút. Lá chè dai, đứng khá thẳng, nên hút lực mạnh vẫn không bị nhàu nát. Thế là các loại ống hút ống thổi được đem ra thí nghiệm lần lượt. Ăn ngoài vườn chè, ngủ trong… xưởng phế liệu, hàng trăm hàng nghìn lần thí nghiệm đều thất bại. Máy nhẹ thì không hút được sâu, máy mạnh thì hút trụi cả tán lá, nương chè nhàu nát như bị ai vò. Vợ kêu trời kêu đất, hàng xóm bảo “thằng Hoàn” phát rồ, phát dở đi phá chè. Anh Hoàn vẫn quyết tâm, vẫn nhìn thấy cái ngày máy của mình được tung hoành khắp các vùng chè cả nước.
Cuối cùng, chiếc máy phát cỏ của Nhật ký hiệu MT700, chạy xăng đã được cải tiến tháo bỏ bánh răng sắt, lắp thêm cánh quạt gió, hút sâu bọ từ ống bầu của máy ngược theo cán cầm, hút ra cái hồ lô phía sau hông người điều khiển. Không sao điều chỉnh được tốc độ gió hút sâu, anh Hoàn quyết định cắn răng mua một bộ cánh quạt của máy xay xát lúa về để “độ”. Anh Hoàn về xưởng, cặm cụi cắt nguội, cắt thủ công từng ly từng tý một, chế tạo từng chi tiết bánh răng, cánh quạt gió thật xịn rồi đem ra vườn thử nghiệm. Anh có tới gần 20ha chè để thử nghiệm, băm nát các triền chè quanh ngôi nhà 3 tầng phủ kín đặc dây leo, cũng là lúc cái hồ lô chứa sâu bệnh đầy tú hụ. Sâu bọ chết nát, vườn chè sạch bội thu từ bấy.
Thời khắc “lịch sử” làm anh Hoàn nhảy cẫng khắp xóm, đó là cuối năm 2008. Mỗi ngày, máy hút sạch sâu cho gần 1ha chè, chỉ tiêu tốn có 2,5 lít xăng; thao tác đơn giản, cầm bầu “ôdoa” có cánh quạt lướt nhẹ trên mặt tán chè có búp lá non, thế là bao nhiêu sâu hại, sâu bệnh vào hết cái “hồ lô bắt yêu quái”. Cái máy hiệnnay của anh Hoàn, trị giá khoảng 3,3 triệu đồng/ chiếc.
Mất ngủ cho những ly trà sạch
Đi nhận giải nhất sáng tạo của tỉnh Tuyên Quang, nhận giải nhì quốc gia về, anh Hoàn lại vẫn thủy chung với xưởngphế liệu ở góc chuồng bò. Anh muốn máy hút sâu phải chạy bằng dầu, thay vì chạy xăng đắt đỏ, muốn nó phải tăng công suất, hút được nhiều sâu hơn, thay vì cả ngày mới “làm sạch” được gần 1ha chè. Trong khi, cứ 10 ngày lạiphải hút một lần, kẻo sâu nó tiếp tục sinh ra. Tức là anhphải quay vòng khắp 10ha chè sạch của mình, hút sâu xong cuối vườn lại quay về đầu vườn hút tiếp. Phải nói là thuốc trừ sâu diệt sâu từ trong ấu trùng, trứng bọ, nó hiệu quả hơn máy hút sâu “made in Nguyễn Văn Hoàn”. Nhưng, bù lại, hiệu quả bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm của máy hút sâu, số tiền thu về nhờ bán một kílô chè sạch lại cao gấp đôi so với chè phun thuốc trừ sâu.
Ông Lê Cù Thật, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang đề cao vấn đề “văn minh” kể trên khi nói về giải pháp sáng tạo độc đáo của anh Hoàn. Trong khi đó, anh Hoàn rất sòng phẳng: “Có phải người nông dân nào cũng ý thức được những điều vì xã hội đó đâu. Phun thuốc tốn tiền thuốc và công phun, hút sâu tốn tiền xăng và công hút. Hiệu quả kinh tế là như nhau. Cái lợi về an toàn thực phẩm thì người tiêu dùng hưởng, còn cái mệt vì liên tục phải đi hút sâu thì người trồng chè chịu. Đời nào họ chịu thiệt mãi? Vấn đề là tôi phải làm sao để chứng minh tính ưu việt của máy hút sâu, tức là vừa tăng lợi nhuận cho bà con, vừa bảo vệ môi trường và sức khỏe người làm chè, sử dụng chè”. Chính anh Hoàn cũng thừa nhận: Nhận giải rồi, thấy phía trước còn gian nan lắm. Làm sao hoàn thiện cỗ máy, làm sao sản xuất hàng loạt, để không chỉ đem lợi nhuận cho nhà sáng chế, mà quan trọng hơn, chúng ta có một thị trường chè sạch “bóp chết” chè bẩn.
Bằng chứng là: Anh Hoàn – “nhà sáng chế” với 3 công trình cùng đoạt giải của Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang năm 2009 (trong đó có 1 giải nhất) – hiệnnay, vẫn sử dụng máy hút sâu, máy đốn chè, máy bón phân của mình cho 10ha chè sạch; nhưng anh cũng vẫn đang sống nhờ gần 10ha “chè bẩn” nữa. Vậy là, anh vẫn phải ngậm ngùi làm như người ta vẫn đầu độc cộng đồng lâu nay: Phun thuốc trừ sâu, hái rồi bán mà mình không dám uống. “Nhà tôi vẫn la liệt mấy cái máy phun thuốc sâu, có máy chứa tới 1.000 lít/ bình ngoài sân kia kìa”, anh Hoàn buồn bã nói. Nếu không làm như vậy, trông chờ vào chè sạch thì đói nhăn răng.
Vì sao? Vì chè sạch đang được bán bởi niềm tin “đặt hàng” của người tiêu dùng vào người nông dân đồng chè. Niềm tin ấy có thật và cũng chẳng có thật. Nghĩa là không ai điều tiết, giám định, giám sát thị trường chè sạch. “Khi mà chè sạch cũng bị đối xử ngang bằng “chè bẩn”, thì ai dại gì mà thủy chung với chè sạch?” – anh Hoàn khúc chiết. Tôi và nhiều người vẫn làm “chè bẩn”, không phải vì chúng tôi ác, chúng tôi không có trách nhiệm với vệ sinh an toàn thực phẩm, mà vì nhà nước không điều tiết, quản lý để tôn vinh và đem lại thu nhập xứng đáng cho người kỳ công làm chè sạch. “Nước sông trộn lẫn nước đồng thế này đến bao giờ không biết”, vừa gỡ búi sâu to như quả mít ra khỏi máy, anh Hoàn vừa lẩm bẩm, có cái gì hài hước, có cái gì cũng chua xót. Hội đồng thẩm định của tỉnh lên trang trại nhà anh thẩm định 3 giải pháp sáng tạo cho vùng chè của anh, rồi trao giải quán quân.
Và, họ rất ngạc nhiên, là tại sao một quân nhân giải ngũ nghèo kiết xác như anh Hoàn, từ năm 1995, đã xông pha vào vùng đất nghèo cằn đến mức thả trâu vào trâu cũng chết vì gầy còm này để nhận tới gần 20ha đất làm đồng chè. Hình như, người có máu sáng tạo, thì họ biết sáng tạo trong mọi hoàn cảnh. Họ chẳng cần phải chờ các ông đeo hàm giáo sư, tiến sĩ ra khỏi bàn giấy để làm một công trình nào đó.
Nghe khách nói vậy, anh Hoàn cười phớ lớ: Dân đây đều dùng cái máy hái chè của Nhật, lúc hái bao bì nó căng ra như con voi đang cày trên biển chè uốn lượn. Tôi nhìn các “con voi” đó và nghĩ: Sao họ không nghĩ ra cái máy bắt sâu bọ cho chè nhỉ. Thế là tôi làm. “Đôi khi, mình cũng đi trước người Nhật đấy, chú ạ”, anh Hoàn bỏ dở câu tự trào, lại khoác máy, dò dẫm đi nửa buổi sáng chưa hết một luống chè dài nhà mình ở xứ Tuyên.
Theo: Người hút sâu giữa mênh mông đồng chè… (Đỗ Doãn Hoàng/LĐO)