Ngọc ba điên ăn vận lịch lãm, phong cách nói chuyện nhẹ nhàng. Điển trai, mỗi lần anh nở nụ cười nhìn thật lành. Người đàn ông này từng bị nhiều người vận vào đời tới ba chữ “điên”. Anh nói, phải vượt qua ba chữ điên ấy mới có ngày hôm nay.
Tốt nghiệp phổ thông trung học, như một cơ duyên, Nguyễn Tuấn Ngọc được nhận về làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn (Hà Nội). Anh làm thợ nhiếp ảnh, chụp lưu dữ liệu những ca mổ khó của bệnh viện.
Không có bằng đại học, nhưng sau một thời gian giữ chân nhân viên văn phòng, anh được GSTS Nguyễn Văn Xang – Giám đốc bệnh viện bổ nhiệm làm trợ lý giúp việc. Nhiều người tỏ ra ngạc nhiên khi anh trở thành nhân vật quan trọng, trong khi chưa từng qua trường lớp đại học nào.
Ba cái điên
Ngạc nhiên hơn, sau mười ba năm làm việc ở một nơi thu nhập cao, Nguyễn Tuấn Ngọc bỗng quyết định về “một cục” với 3,5 triệu đồng. Nhiều đồng nghiệp khá bất ngờ khi nghe anh tuyên bố rời bệnh viện để theo đuổi ước mơ xây dựng mô hình nhà dưỡng lão của mình.
Có người nói thẳng mặt anh: “Điên thật rồi!”. Đồng nghiệp ngày đó phân tích anh có ba cái điên: Người Việt vẫn nhiều người coi việc đưa cha mẹ vào nhà dưỡng lão là bất hiếu. Nếu xây nhà dưỡng lão thì ai sẽ đưa bố mẹ mình gửi gắm vào đây, đầu tư kinh doanh mảng này là… điên;
Người già, tuổi càng cao thì sức càng yếu, dù có chăm sóc tốt đến mấy cũng tới ngày các cụ đi, mở dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là… điên;
Cái điên thứ ba, là bỏ một bệnh viện đa khoa lớn giữa thủ đô để đến một nơi còn hoang sơ, cuốc từng cuốc đất đầu tư vào mảng kinh doanh được coi khó có lãi.
Cái tên Ngọc ba điên có từ đó. Mô hình nhà dưỡng lão đầu tiên tại Việt Nam mà Ngọc ba điên theo đuổi, chính là lấy thu bù chi. Ngày đó, cách đây tròn mười năm, khu đất anh chọn dựng nhà dưỡng lão xa tít tận xã Minh Khai, huyện Từ Liêm (Hà Nội). Khu này vốn là nhà kho cũ, dùng để máy nông cụ của công ty vườn quả du lịch Từ Liêm, cỏ dại xung quanh mọc vươn quá đầu người.
Nhân viên những ngày đầu chỉ vẻn vẹn năm người. Ba chữ tự khắc phục được đặt lên trên hết. Ai cũng dốc sức xắn tay, xắn chân vào làm việc. Sau Tết Nguyên đán, nhiều người còn du xuân, thì Ngọc ba điên vẫn đạp xe quanh Hà Nội để nhặt nhạnh từng cây đào, cây quất trên vỉa hè, ao hồ, triền sông đem về trồng lại làm vườn hoa. Phải mất hơn một năm, nhà dưỡng lão mới ra hình hài với năm phòng. Tháng tư năm đó, đón cụ đầu tiên đến xông nhà, lần lượt sau đó có thêm sáu cụ.
Nhà dưỡng lão mà Ngọc ba điên gây dựng trong thời điểm không ít người nghĩ rằng, bố mẹ vào khu dưỡng lão là do bị con cái hắt hủi, hay những người già có hoàn cảnh đặc biệt…
Những năm đầu, để được nhiều người biết đến là rất khó và giữ chân được các cụ an dưỡng tuổi già nơi đây còn khó hơn. Có lúc anh tưởng không vượt qua trước quá nhiều sóng gió đến với một ngành nghề còn khá mới mẻ.
Và nếu không có hai chữ “kiên nhẫn” thì chắc anh đã bỏ cuộc giữa chừng. Song cứ nghĩ đến các cụ mình nhận vào an dưỡng sẽ đi đâu, về đâu, anh lại quyết tâm tiếp tục sống chết với nghề.
Sự kiên nhẫn của Ngọc ba điên đã được đền đáp. Người già tìm đến an dưỡng ngày một đông, nhất là hai, ba năm trở lại đây. Trong khuôn viên gần 10.000m2, ngoài nhà ở, có phòng tập thể dục phù hợp với người cao tuổi, một ao cá, vườn cây ăn quả. Các cụ vào an dưỡng không chỉ được chăm sóc việc ăn, ở mà còn được đặc biệt quan tâm tinh thần.
Các bác sĩ đông y, tây y duy trì việc khám sức khỏe định kỳ, hằng ngày các y tá điều dưỡng giúp xoa bóp, bấm huyệt, châm cứu cho các cụ. Họ luôn tạo cho các cụ đời sống vui tươi, không nhàm chán, với các hoạt động như đánh cờ tướng, chơi cầu lông, chơi bonsai, đi câu cá…
Nhà dưỡng lão chuẩn quốc tế
Ngọc ba điên nay đã có thể mỉm cười. Ước mơ tuổi trẻ của anh “Làm gì cho người già, để các cụ có niềm vui, sống có ý nghĩa, hạnh phúc” đã thành hiện thực. Từ bảy cụ đầu tiên, nay nhà dưỡng lão ở hai cơ sở đang chăm sóc hai trăm cụ già, nhân viên nhà dưỡng lão cũng đã lên tới 70 người.
Xuất phát từ suy nghĩ phải đến các nước tiên tiến trên thế giới có truyền thống các nhà dưỡng lão học hỏi kinh nghiệm, Ngọc ba điên đã không tiếc tiền đến Đức, Nhật, Mỹ… học tập. Khi trở về anh quyết tâm phải xây dựng một nhà dưỡng lão đạt tiêu chuẩn quốc tế. Cơ sở hai với hệ thống nhà điều dưỡng phù hợp cuộc sống hiện đại, theo mô hình nhà dưỡng lão của Nhật Bản và Đức đã ra đời giữa Hà Nội.
Ngọc ba điên đã tạo được một nơi chốn lý tưởng cho người già, để họ gửi niềm tin phần cuối đời, coi nơi này như ngôi nhà thứ hai của mình.
“Những người già đến nhà dưỡng lão chúng tôi không phải người giàu mà phần lớn là người nghèo. Họ được con cái, cháu chắt giúp đỡ để có cuộc sống cuối đời thoải mái. Điều tôi tâm đắc hơn cả là một phần xoá tan được quan niệm cũ rằng: Đưa bố, mẹ, ông, bà vào nhà dưỡng lão là bất hiếu. Chính nơi đây mới là nơi báo hiếu khi xã hội ngày càng phát triển, con cháu không có nhiều thời gian để chăm sóc sức khoẻ cho các cụ một cách chu đáo” – Ngọc ba điên nói.
Giờ đây, nghĩ lại, Ngọc ba điên vẫn không hiểu sao mình đã vượt qua nhiều sóng gió để đi đến thành công như hôm nay.
Anh nói, những người phản đối anh theo nghề dưỡng lão nhất chính là những thành viên trong gia đình. Vợ anh, một y tá của Bệnh viện Đa khoa Thanh Nhàn kịch liệt phản đối việc chồng bỏ việc nhà nước ra làm ngoài. Vợ chồng anh bất hòa cũng vì anh nhất nhất theo đuổi ý định, bất biết người trong gia đình có ủng hộ hay không.
Mẹ ruột Ngọc ba điên cũng thề sống, thề chết không bước chân tới nhà dưỡng lão một lần để xem con trai út của mình làm ăn ra sao. Song, năm trước cụ bà (năm nay 77 tuổi) bị tai biến. Sau thời gian bà cụ nằm điều trị ở bệnh viện, Ngọc ba điên đã động viên mẹ vào nhà dưỡng lão để tiện chăm sóc. Một thời gian sống ở nhà dưỡng lão của con trai, sức khỏe bà cụ dần bình phục.
Sức khỏe tốt hơn, người mẹ của Ngọc ba điên thời gian này mới có dịp trò chuyện, hàn huyên với những cụ ông, cụ bà sống ở nhà dưỡng lão mà con trai mình gây dựng.
Chính tai bà được nghe những lời khen ngợi: “Giám đốc Ngọc hiếu đễ lắm, gặp chúng tôi là một dạ, hai vâng, hỏi han đủ điều, nào là cụ hôm nay ăn có ngon miệng không, cụ ngủ có được không ạ…?”. Người mẹ thấy cảm động và tỏ ra thương con trai nhiều hơn. Bà tuyên bố, sẽ ở lại nhà dưỡng lão của con trai mình đến cuối đời.
Tuy vậy, anh Ngọc vẫn còn nhiều trăn trở: “Cái khó lớn nhất của chúng tôi là thiếu nhân lực. Hiện Việt Nam chưa coi đây là một nghề, nên chưa có trường lớp nào dạy nghề chăm sóc người già”.
Anh có hai con; con trai đang học lớp 7, con gái 17 tuổi đang học trung học tại Anh. Ngọc ba điên thổ lộ, học hết phổ thông con gái anh sẽ học lên đại học, theo ngành bác sỹ chăm sóc sức khoẻ người già tại Anh.
“Tôi không qua trường lớp đại học nào. Trường đại học của tôi là trường đời. Nhưng đời con mình phải khác, các cháu phải tốt nghiệp đại học, nếu có năng lực phải học lên cao hơn” – Anh nói.
Theo: (Hoàng Nghĩa Nam/TPO)