(hieuhoc_hieuhoc.com) Những người không bằng cấp vẫn có thể thành công, những người không bằng cấp nhưng có thu nhập cao ngày càng nhiều. Tuy nhiên, giữa sự thành tựu học vấn và sự thành công đo bằng giá trị của đồng tiền có sự khác biệt dù cả hai đều phải “học” nếu muốn thành công.
Sự ngộ nhận giữa bằng cấp và thành công của một số bạn trẻ có nhiều nguyên do, trong đó có nguyên nhân do sự định hướng không rõ ràng khi đề ra chuẩn thành công cho mình. Mặt khác, giới truyền thông thường quá tô vẽ những huyền thoại “không bằng cấp vẫn thành công” như Roman Abramovich, Bill Gates, Michael Dell… cũng như phổ biến các số liệu khảo sát, thống kê về “giá trị nghề nghiệp” của các nước phương tây mà các “nghiên cứu” này chỉ làm tăng thêm sự ngộ nhận bởi nó khác biệt so với truyền thống Việt Nam.
Chúng ta cũng không thể giúp cho mình nhận biết sự thành công và bằng cấp từ những lời khuyên “bổ ích” vẫn thường được ca tụng là của “người đàn ông không có bằng Đại học nhưng giàu nhất nhì thế giới” đại loại như: “Không ai quan tâm đến lòng tự trọng của bạn đâu” (10 câu nói bất hủ của Bill Gates). Bởi dù khâm phục, nhưng chúng ta đâu phải Bill, mà cũng chẳng phải Gates.
Cũng vậy, những nghiên cứu được các “triết gia” liệt kê và diễn giải, nào là – “hệ giá trị giáo dục”; nào là – “quá trình thay đổi tư duy và nhận thức lâu dài”; – “phản biện đem đến những thành tựu mang tính chiến lược và bền vững”; – “38% người Mỹ hổng kiến thức công dân”; hoặc – “ở Mỹ, số lượng người có bằng tiến sĩ chỉ khoảng 1% dân số, chủ tiệm “làm móng” mà kiếm nhiều tiền cũng được xem là thành công hơn làm một kỹ sư” v.v…
Nhưng thật sự là, bằng cấp hay không bằng cấp dẫn đến thành công? –Nhiều con số % để tham khảo và diễn giải bất tận về “hệ giá trị giáo dục”, nói chung thì ai chẳng muốn “mang tính chiến lược” để “bền vững lâu dài”…! -Vì sao nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học làm không đúng nghề, gây lãng phí công sức, thời gian, tiền bạc của bản thân, gia đình và xã hội?
Thực tế, nhận thức giá trị thành công của người Việt không chỉ được định nghĩa bằng số lượng tài sản, một giảng viên Đại học dù có thu nhập chỉ đủ sống nhưng vẫn được xem là thành tựu hơn chủ quán nhậu giàu có; một bác sĩ công tác ở miền núi sống với đồng lương ít ỏi nếu so với ông bà chủ nào đó nhờ “làm dịch vụ” mà giàu có thì “bác sĩ nghèo” thường vẫn được xem trọng hơn.Cho nên, mục đích của đa số người học không chỉ để kiếm thật nhiều tiền mà còn phải có chút danh giá! Quan niệm này dù đúng hay không thì thực tế hiện nay nhiều người vẫn nghĩ như vậy, cho dù các “triết gia” hiện vẫn đang tranh cãi với nhau như thế nào là trí thức, “đặc điểm” của trí thức? Và “nghiên cứu” xem thế nào là nhân tài, thực sự… nhân tài (?).
(Mệt quá!)
Năng động, nhạy bén, thích nghi với yêu cầu phát triển của cuộc sống là một thuộc tính tất yếu của tài năng, luôn đi cùng với tư duy sáng tạo trong thực tế cuộc sống. Với niềm tin, niềm đam mê chinh phục và sự dấn thân, người tài năng sẽ được đón nhận và tôn vinh khi tìm ra giải pháp và thực hiện nó để công việc đạt chất lượng cao chứ không không tùy thuộc vào bằng cấp.
Tóm lại, tài năng không phải là có nhiều bằng cấp, dù rằng tài năng sẽ phát triển thuận lợi hơn nếu được đào tạo thêm. Thử hỏi một trường đại học danh tiếng nhất, liệu có chắc tất cả sinh viên của họ khi tốt nghiệp đều sẽ trở thành những tài năng hay không? Tuy nhiên, chúng ta có thể nhận biết một điều: Giữa sự thành tựu học vấn và sự thành công đo bằng giá trị của đồng tiền có sự khác biệt dù cả hai đều phải “học” nếu muốn thành công. “Không bằng cấp vẫn thành công” – ừ! – nhưng đừng ngộ nhận rằng “không cần học vẫn thành công”. Người không có bằng cấp cũng có thể có thu nhập cao hơn người có bằng cấp nhưng “tài năng” đó cũng phải được trui rèn qua quá trình học, tự học và tiếp tục học của riêng họ. Hay nói khác đi, thành công sẽ dễ dàng và thuận lợi hơn nếu “học” đúng lĩnh vực phù hợp sở trường, tính cách của mỗi người và nắm bắt được cơ hội chứ không phải do bằng cấp hay không bằng cấp dẫn đến thành công.
Gia Nghi (hieuhoc_hieuhoc.com)