Thứ tư tuần trước, tôi dự lễ bàn giao bảy bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại các vùng khó khăn.
Lễ bàn giao được tổ chức tại huyện Bắc Hà, một huyện nghèo của tỉnh Lào Cai. Khi buổi lễ đang diễn ra trong hội trường, thì phía ngoài, một nhóm bác sĩ trẻ từ Hà Nội tổ chức khám bệnh miễn phí cho bà con địa phương. Trời mưa nặng hạt. Nhưng vẫn có rất nhiều người dân, chủ yếu là đồng bào người Mông, đội mưa đến từ sớm, xếp hàng chờ đợi để được khám bệnh.
Ngành y tế trong thời gian qua đã cố gắng giải quyết nhiều vấn đề: tình trạng quá tải, thái độ của nhân viên y tế với người dân, hiện trạng kỹ thuật trình độ… Nhưng vấn đề khó khăn nhất còn tồn tại, là nguồn nhân lực.
Tình hình đặc biệt khó khăn ở tuyến xã và huyện. Chính phủ đã có những chính sách tăng đãi ngộ, phụ cấp lên đến 70%, nhưng cũng không thể nào thu hút được bác sĩ giỏi về bệnh viện huyện.
Trong khi đó, y tế cơ sở chính là người gác cổng chăm sóc sức khỏe gần dân nhất. Nếu không xây dựng hệ thống y tế xã và huyện, chúng ta sẽ không phòng được các bệnh không lây nhiễm, như tim mạch, ung thư, tiểu đường… Tuổi thọ của người dân, tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em tại các vùng sâu vùng xa, thậm chí ngay cả đồng bằng, và tầm vóc của người Việt Nam sẽ không phát triển, nếu không có chăm sóc sức khỏe ban đầu, không có y tế dự phòng.
Nhiều nước phát triển hơn Việt Nam cũng phải đối mặt với tình trạng này. Từ năm 1972, Thái Lan đã có chế độ trả lương cao gấp 3-4 lần cho các bác sĩ về vùng sâu vùng xa. Nhưng sau hơn 40 năm triển khai, chương trình vẫn chưa thể đem lại hiệu quả như mong muốn.
Nếu để các bác sĩ trẻ công tác suốt đời ở các vùng sâu vùng xa, họ sẽ không muốn về. Nhưng nếu chỉ xuống rồi về theo kiểu luân phiên một vài tuần hay một vài tháng, thì cũng không hiệu quả.
Chúng tôi phải tìm ra một phương cách mà trước tiên là đảm bảo quyền lợi cho các bác sĩ về vùng sâu vùng xa, nhưng sau đó, phải đặt ra nó như một nghĩa vụ. Đồng bào những vùng khó khăn chờ đợi lòng yêu nước, nhiệt huyết của tuổi trẻ, và tinh thần “đâu cần thanh niên có”.
Bộ Y tế đã thiết kế chính sách để tạo ra nhiều quyền lợi cho các bác sĩ tình nguyện về huyện nghèo. Những sinh viên trường Y tốt nghiệp loại khá giỏi, có tinh thần xung phong, sẽ được cho đi học ngay chuyên khoa 1 với kinh phí của nhà nước, sẽ được nhận vào biên chế các bệnh viện trung ương hoặc tỉnh, trước khi thực hiện sứ mệnh tại vùng khó khăn. Ở đó, nam bác sĩ cam kết gắn bó với địa phương 3 năm, nữ bác sĩ sẽ công tác 2 năm, trước khi được trả về tuyến trên.
Nhưng cái được mà tôi cho rằng đáng kể nhất, mà họ hưởng, sẽ là việc được va chạm với thực tế. Ở nơi đó, các bạn được tiếp cận nhiều loại bệnh tật, tiếp nhận nhiều bệnh nhân khác nhau. Giữa vùng sâu vùng xa, ít bác sĩ, nhiều bệnh nhân, người dân trông chờ cả vào bạn. Các bạn có cơ hội được thực hành chuyên môn, kể cả vấn đề quản lý, điều hành, ứng xử với thực tiễn. Kể cả khó khăn lẫn thuận lợi. Máy móc trang thiết bị không có, người thầy cầm tay chỉ việc không có, thì các bạn phải sáng tạo để phục vụ. Thực tiễn vô cùng phong phú để các bạn trưởng thành.
Như vậy, đó mới là trường đại học lớn nhất, chuyên khoa lớn nhất mà một bác sĩ học được, chứ không phải chỉ có chuyên khoa 1, chuyên khoa 2.
Sau một thời gian thí điểm và đào tạo, tuần này, tại Bắc Hà, tôi đã có thể bàn giao bảy bác sĩ tình nguyện cho vùng khó khăn. Nhưng trên cả nước, còn 62 huyện nghèo, còn cần hàng trăm bác sĩ như thế. Và sẽ còn cần rất nhiều buổi bàn giao như thế này trên cả nước, để người dân có thể tiếp cận với y tế chất lượng ở tuyến xã, tuyến huyện.
Tham vọng của chúng tôi không chỉ dừng lại ở các bác sĩ trẻ. Để tăng cường y tế cơ sở, tôi nghĩ tới việc các bác sĩ tuyến trên phải về các vùng khó khăn, không chỉ vài tháng mà cả năm, luân phiên nhau.
Các bác sĩ nếu cả đời làm tuyến xã không thể giỏi được, họ phải được lên tuyến trên để học. Ngược lại, các bác sĩ tuyến trên cũng phải luân phiên để trạm y tế xã lúc nào cũng có bác sĩ giỏi xuống làm việc.
Chúng ta sẽ chỉ có các bác sĩ về vùng khó khăn, nếu kết hợp đủ cả 3 yếu tố: sự đãi ngộ, khuyến khích tinh thần cống hiến, và cuối cùng, là đòi hỏi về nghĩa vụ.
Việc này nên phải được thực hiện như một nghĩa vụ của các bác sĩ – ngay cả những người đã nhiều tuổi, đã có vị thế tại các bệnh viện tuyến trên. Đây là nghĩa vụ mà đất nước, chứ không phải Bộ Y tế, đặt lên vai những người thầy thuốc. Các bệnh viện tuyến trên sẽ luôn quá tải nếu người dân không tin tưởng vào y tế xã. Sức khỏe của 100 triệu người sẽ không thể được cải thiện nếu không tăng cường y tế cơ sở.
Đó tất nhiên là một tham vọng, sẽ cần thêm thời gian để thiết kế cả chương trình để áp dụng hiệu quả. Nhưng tôi không ngại chia sẻ nó, như một lời kêu gọi cho các đồng nghiệp. Sự khó khăn của ngành, và sức khỏe toàn dân, còn cần rất nhiều tinh thần tình nguyện phục vụ.
Nếu có một đòi hỏi như thế ở thời tôi còn trẻ, chắc chắn tôi sẽ xung phong.
Nguyễn Thị Kim Tiến Bộ trưởng Y tế (Góc nhìn /VNE)