Nghĩ từ con số 46,5%

Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã đưa ra kết luận hết sức bất ngờ khi kiểm tra 419 chương trình liên kết đào tạo tại 18 trường (liên kết với 569 cơ sở đào tạo, đào tạo 105 ngành hệ ĐH và 82 ngành sau ĐH với 192.916 sinh viên, học viên và đã tốt nghiệp 96.787 người). Có đến 46,5% chương trình liên kết vừa học vừa làm chưa được Bộ GD&ĐT cho phép, một số trường khi hợp đồng đào tạo không xác định đối tượng tuyển sinh, không quy định cụ thể trách nhiệm cho đơn vị phối hợp tham gia vào quá trình đào tạo, mời giảng viên tổ chức đánh giá kết quả học phần, không có văn bản xác nhận nhu cầu của địa phương. 15/18 trường không có biên bản ghi nhận điều kiện cơ sở vật chất, danh sách giảng viên tham gia giảng dạy.

Rõ ràng, vấn đề liên kết đào tạo đã và đang nhiều bất ổn, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến quyền lợi người học, kỷ cương phép nước, uy tín của ngành Giáo dục. Vậy là trăm dâu đổ vào trách nhiệm quản lí ngành. Nhưng xung quanh câu chuyện 46,5% này, cũng còn trách nhiệm của nhiều đơn vị liên quan. Lãnh đạo một trường ĐH thừa nhận: Thực tế việc liên kết giữa các trường trong nước, ngoài mối quan hệ thì vấn đề tăng nguồn thu cũng là yếu tố quan trọng. Trường liên kết gần như chỉ quản lý, theo dõi kết quả học tập, cấp phát bằng nên không tốn nhiều chi phí công tác đào tạo. Ngược lại, đối tác được liên kết gần như lo toàn bộ từ cả 3 khâu: Đầu vào – Đào tạo – Đầu ra. Lợi ích cục bộ đã được đặt trên lợi ích người học và xã hội!

Khi vì bài toán lợi ích cục bộ, một bộ phận đơn vị giáo dục đã bất chấp quy định pháp luật, cố tình vi phạm với nhiều chiêu thức rất tinh vi. Và, đương nhiên, khi đơn vị đã cố ý vi phạm, thì đồng thời đi kèm họ cũng có hàng loạt chiêu thức che chắn. Thanh kiểm tra, vì thế, không phải dễ! Đơn cử vụ Trường CĐ ASEAN liên kết đào tạo liên thông trái phép vừa qua. Lực lượng kiểm tra phải hết sức mưu trí mới qua được cổng gác, vào được những lớp học của trường này. Con số chương trình liên kết thì hằng trăm, hằng ngàn nhưng lực lượng thanh tra thì quá mỏng. Kiểm tra, lập biên bản, xử phạt rồi, sức răn đe vẫn chưa… tới. Một số cán bộ thanh tra cho biết: Mức xử phạt nhẹ quá… Tuyển trái phép cả ngàn SV, mức thu tiền tỉ mà phạt nhẹ hều thì… không ít đơn vị… chấp nhận phạt, nếu tính toán vẫn… có lợi!

Để xảy ra tình trạng trên, trách nhiệm của các địa phương cũng không nhỏ. Nhiều địa phương chưa nắm hết hoạt động đào tạo trên địa bàn của mình và cũng thiếu cân nhắc khi đồng ý cho liên kết. Hiện nay hễ trường nào muốn liên kết chỉ cần nêu chiêu bài “đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương” thì y như rằng bất kể ngành nghề gì cũng được địa phương thông qua mà chưa tính đến mức độ dư thừa của nhân lực. Quay lại chuyện CĐ ASEAN và ngành dược, thuộc nhóm ngành sức khỏe. Tại TPHCM có 27 cơ sở đào tạo trình độ TCCN ngành này, trong đó có 22 trường NCL, với 14.000 HS. Khảo sát của các trường NCL, theo báo cáo của Sở GD&ĐT, có đến 50-60% HS tốt nghiệp không xin được việc làm hoặc làm trái ngành…

Mô hình liên kết đào tạo được sinh ra với mục tiêu tốt đẹp: Tạo cơ hội học tập cho toàn xã hội, đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương. Nhưng để cho mục tiêu đó được thực thi đúng hướng, cần phải quyết liệt hơn trong lập lại kỷ cương. Người học cũng cần am hiểu hơn quy định pháp luật để không rơi vào các chương trình đào tạo chui.

(Nguồn GD&TĐ)

Cùng chuyên mục