Nhìn những bức tranh Noel được trang trí rất bắt mắt trên các tấm cửa kính của một số khách sạn, nhà hàng, quán cà phê… khó ai nghĩ được rằng đó là những tác phẩm của một nhóm sinh viên Mỹ thuật Huế
Gần ngày thi cuối học kỳ I, nhóm sinh viên của trường Mỹ thuật Huế vẫn miệt mài vẽ các tác phẩm trang trí trên kính ở các quán ăn, nhà hàng, khách sạn.
“Để vẽ lên một tác phẩm đối với bọn mình không khó, nhưng khó khăn nhất là kinh phí ban đầu để mua các phụ kiện như: bút, sơn, màu, khung đồ họa”,trưởng nhóm vẽ Phan Thế Tuấn, lớp Đồ họa ứng dụng 4, ĐH Mỹ thuật Huế, tâm sự.
Công việc không dễ
Phan Thế Tuấn nhớ lại: “4 năm trước, mình ngồi bên quán cà phê nhìn qua của kính trắng trơn của quán, nghĩ ra bao nhiêu ý tưởng trong đầu và quyết định “đánh liều” đặt vấn đề vẽ tranh và được chủ quán đồng ý, tiền công lúc bấy giờ tôi được trả 100.000 đồng, vui không tả nổi!”.
Từ số “vốn” ban đầu đó, Tuấn kêu gọi những người bạn của mình cùng tham gia vẽ tranh và thành lập một nhóm chuyên trang trí cửa kính.
“Ban đầu, nhóm của mình phải vất vả đi khắp nơi mời vẽ. Một năm thất thu bởi nhóm chưa “câu” được khách. Năm đó cả nhóm méo mặt, phải nhịn ăn cả tháng trời góp tiền trả tiền sơn, màu”, Tuấn kể.
Đến nay, nhóm của Tuấn đã có 9 thành viên, ai vẽ tranh Noel trên kính điêu luyện. Những bức tranh vẽ chủ yếu là về chủ đề giáng sinh, ngoài ra nhóm còn mở rộng vẽ trên nhiều vật dụng như trên cây thông, màn…
“Khó nhất khi vẽ tranh trên kính là kính không có ma sát, cửa kính dựng đứng. Hơn nữa kính không thể dùng bút chì để vẽ mẫu được, vì vậy sơn màu khi vẽ hay bị chảy xuống”, Huy, thành viên trong nhóm, chia sẻ.
Một tuần nữa mới đến Noel, nhưng đến nay nhóm của Tuấn đã vẽ được hơn 30 tác phẩm. Mỗi ngày người gọi điện đến nhờ vẽ tranh một đông, nhóm phải tranh thủ làm cả buổi tối cho kịp thời gian. Với Tuấn, một tác phẩm hoàn thành không phải tính bằng thời gian là bao lâu nữa, nó đã trở thành kỹ năng, kỹ xảo của người cầm cọ vẽ, mà quan trọng là chất lượng của một tác phẩm như thế nào.
“Những tác phẩm trên cao, chênh vênh giữa bậc thềm, bọn mình có khi phải bắc thang, đứng trên ghế thậm chí chỉ đứng được một chân làm điểm tựa, nhưng đôi tay vẫn làm “thoăn thoắt””, Thanh, một thành viên khác của nhóm, tự hào cho biết.
Kiếm thêm tiền học
Tuấn cho biết, những ngày vẽ tranh đều nằm trong những ngày thi cuối học kỳ I, nhưng lòng đam mê và muốn tự khẳng định mình trên những tác phẩm “khoe sắc” của ngày Noel, các thành viên trong nhóm vẫn cố sắp xếp thời gian để ôn thi. Hiện tại, lớp Đồ họa ứng dụng của Tuấn có tất cả ba nhóm tham gia vẽ tranh, tác phẩm của mỗi nhóm, mỗi cá nhân đều có dấu ấn riêng biệt.
“Những người trong nghề chỉ cần nhìn nét vẽ là biết của nhóm nào. Nên sự “cạnh tranh” bằng nét bút không những làm cho các bạn học hỏi được của nhau mà đó chính là những tác phẩm dự thi được đánh giá bằng “uy tín” của khách hàng cho những đơn đặt hàng lần sau”, Tuấn thổ lộ.
Tiền công cho mỗi tác phẩm từ 150.000 đến 200.000 đồng. Trung bình mỗi ngày nhóm của Tuấn vẽ được từ hai đến ba tác phẩm. Có những tác phẩm khó mà khách hàng yêu cầu, cả nhóm phải tập trung vào vẽ cả ngày mới xong, nhưng tiền thù lao cũng chỉ được khoảng 200.000 đồng. Sau 21h mỗi ngày, nhóm lại tập trung lại đánh giá kết quả và bàn kế hoạch cho ngày hôm sau.
Tuấn cho biết, cứ sau một mùa vẽ tranh như thế này, cả nhóm cũng kiếm được 8 đến 10 triệu đồng. Trừ mọi chi phí, mỗi thành viên trong nhóm cũng được một khoản mua dụng cụ học tập cho kỳ sau.
Theo: (BaoDatViet)