Càng chịu khó lắng nghe, cơ hội thành công cho khởi nghiệp càng lớn.
Dành thời gian để xây dựng một kế hoạch thật chu đáo, đọc sách, tham khảo tư liệu, tham gia các lớp học, tham gia các hoạt động hội đoàn, hỏi ý kiến chuyên gia… sẽ không bao giờ là thừa để giúp một người nâng cao tư duy và mở rộng tầm nhìn trước khi bắt tay vào bất cứ kế hoạch kinh doanh nào. Càng chịu khó lắng nghe, cơ hội thành công cho khởi nghiệp càng lớn.
Với kinh nghiệm năm năm làm tư vấn kinh doanh trong lĩnh vực tài chính và bảo hiểm, Tiến sĩ luật Phạm Khoa, Giám đốc pháp lý và hoạt động doanh nghiệp của Microsoft Việt Nam, đưa ra nguyên tắc chung cho những doanh nghiệp thành công và phát triển bền vững, đó là phải dành thời gian xây dựng một kế hoạch kinh doanh thật chu đáo.
Theo ông Khoa, trong khởi nghiệp, kế hoạch doanh nghiệp là bước khởi đầu, các bước tiếp theo là đưa sản phẩm tới tay người dùng, chọn sản phẩm phù hợp với nhu cầu xã hội, định hướng phát triển trong tương lai.
Để hạn chế khởi nghiệp thất bại, việc học hỏi để gia tăng tư duy và mở rộng tầm nhìn là vô cùng cần thiết. “Có thể học từ các lớp học, từ các chuyên gia chuyên ngành, đọc sách, các tài liệu tham khảo nhiều hơn… Hiện nay, các tập đoàn lớn đều có những chương trình hỗ trợ khởi nghiệp và xây dựng những cộng đồng trên toàn cầu nhằm hỗ trợ khởi nghiệp. Các công ty khởi nghiệp có thể tìm kiếm sự hỗ trợ cả về tài chính, tài nguyên từ các tập đoàn, chuyên gia và cộng đồng”, ông Khoa chia sẻ.
Khi bắt tay vào bất cứ công việc gì, “nói” và “lắng nghe” là vô cùng cần thiết. Nói để chia sẻ, đồng thời lắng nghe để học hỏi, ghi nhận đầy đủ ý kiến (từ khách hàng, các chuyên gia, người đi trước…) về kế hoạch sản phẩm của mình. Ngay cả sau bước đầu khởi nghiệp, trong quá trình hoạt động, doanh nghiệp vẫn phải duy trì sự lắng nghe bằng cách tạo các kênh nhận phản hồi, bao gồm cả những ý kiến phê phán. Ghi nhận ý kiến phản hồi với thái độ cầu thị giúp người khởi nghiệp tránh được tình trạng chỉ biết nghe theo bản thân mình, sản phẩm tạo ra tránh bị chệch ra ngoài nhu cầu thực tế của thị trường.
Theo ông Lê Đức Nghĩa, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Gỗ An Cường, người đã trải qua hơn 20 năm kinh nghiệm trên thương trường để phát triển thương hiệu gỗ An Cường và một doanh nghiệp quy mô nhà máy sản xuất rộng 10 héc ta với 1.300 công nhân, một người, nếu chỉ dựa vào vốn liếng cùng ý tưởng kinh doanh đã vội vàng bước ra làm ăn mà không chịu khó nghiên cứu kỹ lĩnh vực khởi nghiệp, học hỏi kinh nghiệm của người đi trước, thì khả năng thất bại sẽ rất cao. Ông chia sẻ: “Năm xưa, khi mới ra trường, tôi đã có ý tưởng làm chủ doanh nghiệp. Nhưng rồi tôi xác định bước đầu phải đi làm công để học hỏi kinh nghiệm, thậm chí, tôi còn ra nước ngoài tìm cách tiếp cận, lắng nghe các anh em làm nghề…”.
Từ trải nghiệm bản thân và quan sát xung quanh, bà Phan Hương Giang, Giám đốc Công ty TNHH Wonder Dome, cho rằng những người bước đầu đi làm công (làm thư ký, văn thư, bán hàng, giao tế…), trải qua quá trình làm việc cho đến khi họ đủ độ cứng cáp mới bước ra kinh doanh thì khả năng thành công sẽ cao hơn. Bà cho biết bản thân bà đã trải qua gần 20 năm làm việc với nhiều vị trí khác nhau, từ giáo viên dạy văn sang làm cán bộ Đoàn, Bí thư Đảng ủy phường, rồi qua làm việc tại một doanh nghiệp nhà nước trước khi bước ra thành lập doanh nghiệp riêng.
Theo bà Giang, một người tích lũy đủ các điều kiện: vốn, quan hệ khách hàng, uy tín cá nhân, khả năng quản trị nhân sự, trải nghiệm thị trường, đánh giá tinh tế văn hóa tiêu dùng, và trong tâm luôn khao khát đưa sản phẩm mới ra thị trường cùng với mối quan tâm về trách nhiệm xã hội thì khả năng thành công rất lớn; doanh nghiệp của họ cũng sẽ có nền tảng phát triển bền vững. “Khi tham gia các hội đoàn, các câu lạc bộ doanh nhân, các bạn trẻ có thể xây dựng được những mối quan hệ tình thân, từ đó nhận được sự chia sẻ của người có kinh nghiệm. Đừng nóng vội, lắng nghe sẽ không bao giờ thừa trong khởi nghiệp”, bà Giang chia sẻ. “Tôi mở doanh nghiệp khá trễ nhưng ngẫm lại thấy mình có một quá trình tích lũy kinh nghiệm có thể giúp tránh “thương tích” trên thương trường. Thao trường đổ nhiều mồ hôi thì chiến trường sẽ ít đổ máu!”. Tuy vậy, bà khuyên các bạn trẻ đừng đợi đến những 20 năm mới khởi nghiệp như bà, nhưng hãy có sự chuẩn bị thật tốt.
Là Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Đào tạo Doanh chủ, bà Trần Thị Thanh Hằng chia sẻ sự quan sát thị trường của bà gần đây: nhiều người tự bỏ vốn làm chủ doanh nghiệp nhưng tỷ lệ thất bại không phải nhỏ, do không đủ kiến thức kinh doanh, không tính được điểm hòa vốn và sức chịu đựng tài chính, do chưa chuẩn bị kỹ về nhân sự dẫn đến “tan vỡ” trong khởi nghiệp. “Cũng có người khởi nghiệp thất bại do chưa đủ độ trải nghiệm, thiếu kỹ năng quản lý, thiếu kinh nghiệm xử lý tình huống… Cá nhân tôi trước khi khởi nghiệp đã tham gia rất nhiều hoạt động của các hội đoàn; học hỏi kinh nghiệm của nhiều người, học kỹ năng nói, kỹ năng lắng nghe… Quá trình này giúp tôi có thêm vốn sống, nâng cao khả năng kinh doanh, mở rộng các mối quan hệ xã hội. Tất cả những điều này là các điều kiện sống còn trong kinh doanh”, bà Hằng nhận định.
Theo: Vân Nam (TBKTSG)