Nghệ thuật Trúc Chỉ.

Tại Huế, Vườn Trúc chỉ là địa chỉ quen thuộc với những ai muốn khám phá một khái niệm hoàn toàn mới về giấy nghệ thuật. Đến đây người ta có thể bắt gặp những sản phẩm từ Trúc chỉ có tính ứng dụng cao trong đời sống nhưng lại mang một vẻ đẹp thẩm mỹ rất riêng. Họa sĩ Phan Hải Bằng – giảng viên trường Đại Học Nghệ Thuật Huế đã mất hơn 10 năm nghiên cứu và thử nghiệm các vật liệu để cho ra đời Trúc Chỉ như hiện nay.

Trúc Chỉ có nghĩa là giấy tre và ban đầu được dùng để gọi tên loại giấy đặc biêt này. Tuy nhiên cái tên giấy tre chưa bao hàm hết được ý nghĩa của nó. Sau này, nhà văn, dịch giả Bửu Ý đã đặt lại cái tên cho loại giấy đặc biệt này là Trúc Chỉ.

Ít ai biết được rằng điểm xuất phát đầu tiên của dự án Trúc Chỉ là hướng đến nghệ thuật tạo hình và nghệ thuật thị giác. Đó cũng là lý do để nhóm dự án tìm kiếm rất nhiều nguồn nguyên vật liệu khác nhau để thử nghiệm. Mỗi vật liệu qua quá trình xử lý lại cho những kết quả hiệu ứng khác nhau. Để đi đến quyết định cuối cùng, họa sĩ Hải bằng và các công sự đã đưa ra một tính toán. Trên cơ sở quy trình làm giấy dó thủ công truyền thống, họ đã lựa chọn nguyên liệu tre thay thế nguyên liệu vỏ dó để tạo nên Trúc Chỉ.

Một điều đặc biệt ở Trúc Chỉ đó là tính độc bản. Điều này có nghĩa là mỗi tấm Trúc Chỉ là tác phẩm duy nhất. Trúc Chỉ cho phép nghệ nhân sáng tạo bằng tất cả chất liệu tạo hình họ có để thi triển những cảm hứng sáng tạo của mình.

Do yêu cầu thẩm mỹ đặt lên hàng đầu nên người trực tiếp chế tác phải rất kỹ tính và cẩn thận trong khi hoàn thiện sản phẩm. Tính ứng dụng cũng được nhóm nghiên cứu Trúc Chỉ đặc biệt lưu tâm. Những sản phẩm từ Trúc chỉ được thiết kế với ý tưởng của các họa sỹ, có sự kết hợp thẩm mỹ được tính toán tốt giữa hình thức, công năng và nội dung thông điệp. Và không phải ngẫu nhiên mà một số bộ sản phẩm Trúc Chỉ được dựa trên những hình ảnh biểu tượng được chọn lọc từ vốn cổ mỹ thuật.

Sự chuyển hóa từ tư liệu nghiên cứu thành nghệ thuật thị giác đã khiến Trúc chỉ khác biệt hoàn toàn với những quan niệm về giấy nền thông thường. Trong bối cảnh đương đại, Trúc Chỉ dường như đã thực hiện được sứ mệnh tiếp biến các giá trị văn hóa truyền thống của mình. Giống như khẳng định của họa sĩ Phan Hải Bằng và các cộng sự: Những phép cộng và sự trở về vẫn chính là bước đi của Trúc Chỉ trong tương lai.

Theo: Khám phá Việt Nam.

Cùng chuyên mục