Nghệ thuật đối thoại.

(Hiếu học). Socrates tiến hành nghệ thuật đối thoại bằng bốn bước, bằng phương pháp và kỹ thuật đặt câu hỏi, giúp mọi người tự tìm thấy lẽ phải, chân lý vốn còn bị che phủ bởi sự mê muội.

Socrates là người thầy của phương pháp làm triết học và khoa học. Hơn thế, ông là tượng đài lẫm liệt của nhân cách: nhân cách của người trí thức đích thực. Vậy là, ngay từ buổi bình minh của triết học, phương Tây đã được thừa hưởng hai bảo vật vô giá: cách làm triết học và cách sống triết học.

Ba trong một: trí thức, nhà nhân quyền, triết gia.

Socrates (khoảng 470 – 399 trước Công nguyên) con nhà nghèo: cha làm đồ gốm, mẹ là bà mụ. Nghề của mẹ (và chắc cũng của cha nữa) thường được ví với phong cách sống của ông: làm người “đỡ đẻ” và hun đúc cho việc đi tìm chân lý. Học vấn uyên bác và đã từng là một chiến binh dũng cảm, nhưng rút cục ông thấy công việc “hộ sinh tinh thần” mới thực là sứ mệnh đáng cho ông dâng hiến trọn đời. Socrates không triết lý trong tháp ngà. Ông lang thang giữa chợ Athens (Hy Lạp) để bàn thảo, tranh luận với thanh niên, với những người “học thật” và “học… giả”.

Tới 50 tuổi mới cưới vợ: bà Xanthippe, nổi danh (và đồng nghĩa) với hình ảnh một bà vợ hung dữ, khó tính. Không phải không có lỗi của ông, (vì chẳng mang được đồng xu nào về nhà!). Khác với những biện sĩ đương thời bán trí khôn kiếm tiền, ông dứt khoát dạy miễn phí. Không rõ bà hay cãi cọ có phải vì ông cương quyết không chịu… thương mại hoá giáo dục hay không, nhưng “chân lý” sáng giá được ông khám phá là: “Nên lấy vợ! Gặp vợ hiền, bạn được hạnh phúc; gặp vợ dữ, bạn thành… triết gia; đàng nào cũng có lợi!”

Thử thách thực sự đến với Socrates vào năm 399 trước Công nguyên. Ông bị tố cáo tội “dụ dỗ thanh niên” và “báng bổ thánh thần”, bị kết án tử hình bằng cách uống thuốc độc. Người như ông mà không bị chụp mũ, tố cáo, lên án mới là chuyện lạ, nhưng thật ra, thời đó, án tử hình cũng hiếm và ông có thể dễ dàng thoát chết bằng hai cách: xin chừa hoặc bỏ trốn. Không thể được! Xin chừa là phản bội sứ mệnh bảo vệ chân lý. Bỏ trốn là phản bội trách nhiệm công dân. Vậy, chỉ có con đường chết: ung dung uống thuốc độc trước mặt bạn hữu và môn đệ, sau khi cùng họ… đàm luận triết học!

Phương pháp đối thoại.

Ta thường biết đến câu nói nổi tiếng của Socrates: “Tôi biết rằng tôi không biết gì cả” và câu châm ngôn ông theo đuổi suốt đời – “Hãy biết chính mình!” Nhưng, cống hiến lớn nhất của ông là đã mang triết học từ trời xuống đất. Thay vì bàn chuyện vũ trụ cao xa như các bậc tiền bối, ông quan tâm đến những vấn đề của cuộc sống con người. Vì ông tin rằng mọi người ai ai cũng biết lẽ phải, sẵn sàng làm theo lẽ phải nếu được thức tỉnh.

Do đó, nhiệm vụ của ông không phải là rao giảng, thuyết phục, trái lại, bằng phương pháp và kỹ thuật đặt câu hỏi, giúp mọi người tự tìm thấy lẽ phải, chân lý vốn còn bị che phủ bởi sự mê muội.

Ông quan tâm đến những vấn đề của cuộc sống con người. Vì ông tin rằng mọi người ai ai cũng biết lẽ phải, sẵn sàng làm theo lẽ phải nếu được thức tỉnh.

Socrates tiến hành nghệ thuật đối thoại bằng bốn bước:

– Giả vờ không biết để nhờ người đối thoại giảng cho. Rồi bằng những câu hỏi trúng đích (có khi châm biếm, mỉa mai) chứng minh rằng người đối thoại thật ra chẳng biết gì!

– Tiếp theo là dùng phương pháp quy nạp để xây dựng từng bước cái biết vững chắc. Đó là phân tích chính xác những ví dụ cụ thể trong đời thường, từ đó rút ra những kết luận và định nghĩa tạm thời.

– Bằng phương pháp định nghĩa, làm cho những khẳng định tạm thời ấy ngày càng tinh vi và chính xác hơn.

– Sau cùng, có được những định nghĩa rõ ràng, phổ quát về vấn đề đang bàn.

Phương pháp đối thoại ấy trở thành cơ sở cho sự phát triển triết học và khoa học của bao thế hệ về sau.

Ta học được gì từ Socrates? Bên cạnh tấm gương chính trực và dũng cảm mà mỗi khi nản lòng, ta hãy nhớ đến để còn vững tin vào giá trị của con người và còn có thể rút ra mấy kinh nghiệm hay:

– Biết nghe và biết hỏi là yếu tố cơ bản để thành công. Nhưng, hỏi không phải để truy bức, để bắt bí mà để người được hỏi có dịp suy nghĩ và tự trả lời: câu trả lời và giải pháp là do chính họ tìm ra.

Kiểm tra có phê phán sự hiểu biết của chính mình.

– Nền móng của đối thoại là sự trung thực và minh bạch, là sự tin cậy lẫn nhau: “Quan toà phải có bốn đức tính: lắng nghe một cách lễ độ, trả lời một cách rõ ràng, cân nhắc một cách hợp lý, và quyết định một cách vô tư”.

– Tránh mọi sự cực đoan: “Sự cực đoan bao giờ cũng tạo ra sự cực đoan ngược lại. Thời tiết cũng thế, thân thể ta cũng thế, nhà nước, quốc gia đều thế cả”.

Không cần sống khổ hạnh nhưng nên bớt dục vọng và đừng thở than quá mức.

Khôn ngoan là kẻ biết điều mình không biết!

Không biết không đáng trách, đáng trách là không chịu học.

Socrates từ biệt chúng ta nhẹ nhàng: “Thôi, bây giờ đến lúc chia tay. Tôi chết đây, còn các bạn cứ sống. Nhưng ai sướng, ai khổ, chưa biết đâu đấy!” Socrates yêu quê hương, sẵn sàng chết chứ không nỡ bỏ đi, nhưng luôn giữ cái nhìn “toàn cầu”: “Tôi không phải là người Athens hay người Hy Lạp, tôi là công dân thế giới!”

Lược theo: Socrates và nghệ thuật đối thoại

(Bùi Văn Nam Sơn/SGTT)

Bài liên quan

Học cách chú tâm.

(Hiếu học). Những người thành công và hạnh phúc luôn phát triển được khả năng tập trung, chú tâm hoàn toàn vào công việc và duy trì nó cho đến khi hoàn tất. Họ tự rèn luyện bản thân chỉ suy nghĩ, nói và làm những gì mình muốn và nhận biết ngay những suy nghĩ “hổn loạn” trong đầu đang làm phân tán sự chú tâm của họ.

Lựa chọn quan trọng nhất cuộc đời chính là chọn thái độ sống.

(Hiếu học). Dù không thể lựa chọn hoàn cảnh sống, nhưng ta hoàn toàn có thể chọn lựa cách để đối phó với chúng. Tất cả đều tùy thuộc vào thái độ: Can đảm đương đầu để vượt qua hay chịu bị nhấn chìm. Chọn một thái độ sống là chọn lựa quan trọng nhất bởi nó ảnh hưởng đến tâm trạng hiện tại của chúng ta. Không chỉ từ những việc đã qua mà cả mọi việc chúng ta sẽ làm, sẽ thành công hay thất bại.

Học cách sử dụng kiến thức.

(hieuhoc_hieuhoc.com). Để thành công trong tương lai, cần phải có kiến thức, lòng nhiệt tình, tầm nhìn và niềm đam mê trở thành người lãnh đạo. Do vậy giới trẻ phải hành xử thế nào để trở thành người công dân toàn cầu, có kiến thức của người công dân toàn cầu.

Thích nghi với hoàn cảnh.

(Hiếu học). Ðể thay đổi những điều không thích nghi với hoàn cảnh, bạn hoàn toàn có thể chôn vùi cái tôi cũ rích đi. Đem mình nhào nặn lại bộ mặt hoàn toàn khác hẳn, để thích nghi với một hoàn cảnh mới, bắt đầu một cuộc sống mới, mở ra một cuộc đời mới.

Tâm hồn sáng tạo.

(Hiêu học). “Tâm hồn sáng tạo” là gì? Làm thế nào để có một tâm hồn sáng tạo? Tùy thuộc vào quan niệm, thái độ và  phong cách mỗi người: sống một cách tự do thoát khỏi mọi thành kiến, một tâm hồn không còn bị giam cầm trong những ước lệ và quy định. Sống một cách nhận biết: đó chính là một tâm hồn sáng tạo.  

Cùng chuyên mục