Nghề thợ lặn nhiều hiểm nguy

Nghề thợ lặn đằm mình dưới đáy đại dương, săn tìm hải sâm, cá mực, cổ vật… đối mặt giông tố và phải đánh đổi không ít trong hành trình bám biển, mưu sinh nhiều hiểm nguy.

Chỉ với ống dẫn khí, các thợ lặn Lý Sơn ngày ngày kiếm sống dưới đáy đại dương sâu đến cả trăm mét

Nghề “độc” dưới đáy đại dương

Kình ngư Bùi Triết (56 tuổi, ngụ xã An Hải, Lý Sơn) – thuyền trưởng tàu QNg 6209TS hướng cái nhìn đăm đăm ra phía biển nước mênh mông Hoàng Sa, bắt đầu một ngày mới. Nắng lên bỏng rát trên mặt biển. 14 thuyền viên trên tàu thay phiên nhau, chia thành từng ca kéo dài ống hơi lặn xuống biển. Không phải bình oxy như những thợ lặn thường thấy, chỉ là chiếc máy nén hơi, thông vào các ống dẫn thủ công – đồ nghề của ngư dân lặn biển.

Phùng Xuân Thiện, thuyền viên, mặc áo lặn đen kịt, quấn một vòng dây hơi cẩn thận quanh người, ngậm đầu ống vào miệng, một tay cầm chĩa sắt nhọn hoắt, tay kia mang vợt lưới, rê tấm chì nặng trịch buộc bên hông, cố hít một hơi thật sâu rồi ngã người lao xuống biển. Gần 15 phút, ống hơi trên tàu vừa ngưng cũng là lúc thợ lặn Thiện đang ở độ sâu 60m dưới lòng biển.

“Có lẽ chẳng ở đâu, ngư dân có kiểu lặn như các làng chài ven biển chúng tôi cả. 50 – 60m là chuyện thường, có khi đến 80m… Lặn biển không dễ, ngoài kinh nghiệm phải có sức khỏe, sự vững tâm mới có thể thực hiện được” – thuyền trưởng Triết nói. Hai người được phân công lặn dưới biển trong ca đầu tiên. Các thành viên còn lại cẩn trọng theo dõi dấu hiệu từ ống dẫn khí phòng trường hợp bất trắc.

Kình ngư Nguyễn Quang Thanh, 25 tuổi, bảo: Dưới con nước thăm thẳm như thế, liên hệ với anh em trên tàu duy nhất bằng cái ống dẫn khí này. Thanh cẩn thận chỉ từng vạch đánh dấu ở ống hơi. Các đốt đánh dấu cách nhau 10m một. Khi thả cũng như kéo thợ lặn, người trên tàu căn cứ vào vạch đánh dấu để phân cách thời gian. “Không đảm bảo quy tắc này, kéo nhanh đột ngột, lỗ chân lông của người thợ lặn sẽ to ra, khí độc tràn vào gây tê liệt toàn thân, thậm chí tử vong ngay tại chỗ” – Thanh nói.

Dưới độ sâu đến cả trăm mét, những thợ lặn rành rõi làm đủ nghề, hết đâm cá lại kiếm tìm hải sâm. Lòng đại dương mênh mông, thăm thẳm, lờ mờ vệt sáng, ánh đèn trên đầu thợ lặn dụ bọn cá, mực “ăn đèn” bơi tới. Mỗi lần lặn kéo dài đến cả tiếng đồng hồ tùy thuộc độ sâu.

Sức hút từ đáy biển

Chuyến ra khơi lần này, ngoài đánh bắt hải sản, thuyền trưởng Bùi Triết kiêm luôn nhiệm vụ dò tìm phế liệu. Hơn 30 năm giong thuyền ra biển, vị thuyền trưởng lão luyện từng tham gia hàng chục chuyến tàu dò tìm sắt dưới đáy đại dương.

Ông bảo: Nghề mò sắt bắt đầu cách đây khoảng 15 năm, sau những chuyến đánh bắt cá ngừ đại dương thua lỗ. Thấy dưới biển có nguồn sắt dồi dào nên một số người quyết định bán thuyền nhỏ, vay vốn thêm đóng thuyền lớn để chuyển sang khai thác sắt. Lý Sơn giờ có chừng hơn 20 tàu, thuyền chuyên nghề khai thác sắt.

Ngư dân Nguyễn Văn Nhật (An Hải, Lý Sơn), thuyền trưởng tàu QNg 97265TS được biết đến là một trong những thợ lặn rành rẽ trong nghề bới lòng đại dương tìm phế liệu. Anh Nhật kể: nhớ nhất là chuyến đi bội thu mấy năm trước tại vùng biển Trường Sa. Tàu phát hiện cả đống phế liệu từ một con tàu bị đắm trước kia. Các thợ lặn nhảy xuống làm nhiệm vụ. Trên thuyền, máy tời và dụng cụ móc đã sẵn sàng vào việc. Chừng tiếng sau, tấm sắt nặng đến hơn 5 tấn từ từ trồi lên khỏi mặt nước, đen kịt và phủ đầy rong rêu….

Anh Nhật nhẩm tính thu hoạch từ chuyến ấy, gồm 11 tấn đồng với giá 75.000đồng/kg cũng được hơn 750 triệu đồng, 80 tấn sắt với giá 7.000đồng/kg cũng được hơn 600 triệu đồng. Trừ chi phí xăng, dầu, ăn uống sau một tháng rong ruổi khoảng gần 300 triệu đồng, chuyến đi lần ấy thu về trên tỷ bạc. Chia đều cho các anh em, mỗi người có khoảng trên dưới 50 triệu đồng.

Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng dễ dàng trúng mánh như thế. Có khi chỉ có vài mẩu sắt nhỏ, chẳng đáng là bao. Thời buổi giá xăng, dầu tăng cao, phải tính toán cẩn trọng, kỹ lưỡng trước mỗi chuyến hành trình để đề phòng các rủi ro.

Đó là mới nói chuyện nghề lặn sắt ở Lý Sơn. Cánh thợ lặn Bình Châu (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) lại nổi tiếng với nghề săn cổ vật. Khó khăn lắm, tay lặn Võ Văn Hân (40 tuổi, thôn Gành Cả, Bình Châu) mới chịu bật mí về nghề.

Đồ cổ được cánh thợ lặn Bình Châu lưu lại trong nhà. Ảnh: Nguyễn Huy

“Từ những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, một số ngư dân lặn bắt hải sâm trên vùng biển Cù Lao Chàm, Hội An (Quảng Nam) tình cờ phát hiện xác con tàu cổ bị đắm từ thế kỷ XV, trong lòng tàu chất đầy đồ gốm sứ Chu Đậu, Hải Dương. Thấy buôn bán có lời, nhiều người đổ xô theo nghề lặn tìm cổ vật”, anh Hân kể.

Nhà anh Hân từng có đến hơn 3.000 cổ vật, đủ loại bát, đĩa, chum sành… được phát hiện trong lần dò tìm tại khu vực đảo Cù Lao Chàm ba năm trước. Lần đó anh em lặn xuống độ sâu 72m thì thấy tàu đắm. Hơn hai ngày trời đằm mình xuống đáy biển mới lấy hết được số cổ vật. Khác với những nghề lặn khác, lặn tìm cổ vật đòi hỏi sự dày công tìm kiếm hơn nhiều.

Anh Hân bảo có chuyến đi miết chẳng kiếm được cái gì, đành phải đánh bắt thêm cá, hải sâm để bù lỗ. Điều thiệt thòi với cánh thợ lặn là nhiều khi không hiểu hết về giá trị cổ vật nên chỉ bán với giá bèo, làm lời cho cánh thu gom đồ cổ. Mới đây, thông tin về việc phát hiện hai tàu cổ nằm ngay sát bờ biển xã Bình Châu càng khiến cánh thợ lặn nhao nhao tìm kiếm.

Hải sâm luôn kích thích sự quyết tâm của những người thợ lặn Lý Sơn – Ảnh: Tr.Q

Theo ngư dân Lê Tấn Phát (thôn Tây, An Vĩnh, Lý Sơn) – chuyên lặn mò hải sâm, trước kia, quanh đảo lặn xuống khoảng 10 mét là bắt được vô khối. Từ sau năm 1990, hải sâm được xuất khẩu, giá cao, ngư dân ồ ạt đi bắt, thế là cạn kiệt, phải ra xa lặn sâu tới 80 mét mới có. Khi ấy trên tàu được trang bị một bình nén khí lớn gấp năm lần bình bơm hơi xe máy. Bình nén khí bơm hơi xuống, không chỉ có oxy mà có cả khí carbonic cùng nhiều khí độc khác do bình nén sản sinh ra. Có trường hợp đang lặn bị vỡ ống dẫn khí, nước tràn vào khiến người lặn chết ngay dưới biển, như trường hợp anh Nhật.

Ở độ tuổi thất thập, kình ngư Bùi Thượng vẫn quắc thước, tráng kiện, giọng nói sang sảng. Dân trong nghề tôn ông lên bậc lão tướng lặn biển với thành tích là người nín lặn (lặn không cần ống thở) sâu nhất Việt Nam năm 1963, ở độ sâu đến 75m. “Nghề lặn có thu nhập khá hơn nhưng mấy ai giàu được với nghề đâu. Ngay đến thoát nghèo cũng chẳng bền vững. Thợ lặn mất nhiều hơn được vì chuyện sinh tử mong manh lắm” – thợ lặn Bùi Thượng (xã An Hải, huyện Lý Sơn, Quảng Ngãi) nói.

“Có một quy tắc mà mọi thợ lặn phải tuân thủ để bảo toàn tính mạng: sau 30 phút lặn dưới độ sâu 60m, khi trồi lên cách mặt nước khoảng 40m, thợ lặn phải dừng lại đó 10 – 15 phút để cơ thể thích ứng với sự thay đổi áp suất của nước. Khi còn cách mặt nước 15m cần phải nghỉ một lần nữa mới được lên tàu. Sau khi lên tàu phải để cơ thể nghỉ ngơi 30 phút mới được sinh hoạt bình thường.” -Kình ngư Bùi Triết

Theo Tiền Phong

Bài liên quan

Nghề cứu hộ: Những kình ngư.

(hieuhoc_hieuhoc.com). Để được vào đội cứu hộ, ứng viên phải vượt qua kỳ sát hạch. Đó là bơi tự do 2.000m, bơi kỹ thuật 300m, bơi thẳng 300m và lặn (không bình hơi) đi xa 20m. Yêu cầu của nhân viên cứu hộ là phải bơi thật giỏi, có bản lĩnh…

10 nghề kinh doanh kỳ quặc

(hieuhoc_hieuhoc) Những nghề tưởng chừng không ai làm nổi hoặc không ai muốn làm vẫn có thể khẳng định vị trí của nó trong xã hội. Dưới dây là 10 ngành nghề kỳ quặc hiếm có. 

Vì sao có người sợ nước?

Sợ nước có thể là trạng thái tâm lý hay bệnh lý. Nếu là trạng thái tâm lý, bệnh được coi là nhẹ, có thể chữa được bằng cách làm quen dần dần với nước. Còn nếu là trạng thái bệnh lý, được coi là nặng, và phải có những liệu pháp vật lý, hoá học đặc biệt mới có thể chữa được.

Phát hiện, phòng tránh dòng nước chết người thế nào?

(hieuhoc_hieuhoc.com). Quan tâm phổ biến cho cộng đồng cách thức phát hiện, phòng tránh và thoát khỏi dòng nước chết như thế nào? Đó là một trong những nội dung được các nhà khoa học ở Viện Hải Dương học (nơi vừa hoàn thành đề tài nghiên cứu đầu tiên về dòng rút).

Tập bơi sải

(hieuhoc_hieuhoc.com).Bơi sải là kiểu bơi tác dụng tích cực nhất lên chiều cao của người tập bơi. Vậy bơi thế nào cho đúng, đạt sức khỏe tốt và tinh thần thoải mái. Xin giới thiệu với các bạn bài tập bơi sải.

Cùng chuyên mục