Hiện tại, stylist (được hiểu là người tạo dựng phong cách) tại Việt Nam gần như không được xem là một nghề chính thức, không hẳn bởi tính mới mẻ của nó mà còn vì yếu tố nghiệp dư khi hầu như ai ai cũng có thể làm stylist, nhất là với “chi nhánh” stylist.
“Tạo dựng phong cách” là một công việc đòi hỏi phải có năng khiếu về thẩm mỹ thời trang và sự sáng tạo bay bổng. Theo đó, ngoài việc có khả năng đón đầu xu hướng thời trang thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, stylist còn phải đưa ra được một chủ đề cụ thể, sau đó mới đến quần áp, phụ kiện và trang điểm. Chưa kể việc để các người mẫu thăng hoa trong diễn xuất theo chủ đề, stylist phải còn có khả năng truyền đạt ý tưởng và cảm hứng cho ê kíp thực hiện là người mẫu, trang điểm, chụp ảnh, dựng cảnh…
Làm stylist quá dễ?
Theo bà Thúy Quỳnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị VMode, phối quần áo, phụ kiện sao cho đẹp là việc tưởng dễ mà lại khó, bởi ngoài yếu tố phù hợp với mùa, thời tiết thì phong các thời trang đúng còn phải phù hợp với từng vóc dáng, không gian và thời gian… “Đó là chưa kể việc kết hợp quần áo với trang điểm sao cho tạo được một phong cách riêng biệt”, bà cho biết.
Thực tế, hầu như các stylist Việt Nam hiện nay gần như đều chỉ được nhận diện qua các bộ ảnh thời trang hay việc tư vấn trang phục cho những người nổi tiếng khi tham dự các sự kiện. Và đa phần là thuộc dạng… tự phát. Nhiều bộ ảnh được tung ra mà stylist không ai khác là phóng viên mảng thời trang. Thậm chí nhiều nhà thiết kế hay nhiếp ảnh, người mẫu, làm tóc cũng kiêm luôn vai trò này.
“Hiện nay, stylist có tay nghề gọi là ổn ổn chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Nhiều người cứ tưởng kiếm vài bộ đồ, cho người mẫu mặc xong chụp vài tấm hình là thành stylist. Thực tế họ chẳng hiểu gì về công việc này”, Aaron Kwok – một stylist quen thuộc với nhiều người mẫu và tạp chí cho biết. Cũng theo anh, đây là một công việc đòi hỏi phải có năng khiếu về thẩm mỹ thời trang và sự sáng tạo bay bổng. Theo đó, ngoài việc có khả năng đón đầu xu hướng thời trang thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, stylist còn phải đưa ra được một chủ đề cụ thể, sau đó mới đến quần áp, phụ kiện và trang điểm. Chưa kể việc để các người mẫu thăng hoa trong diễn xuất theo chủ đề, stylist phải còn có khả năng truyền đạt ý tưởng và cảm hứng cho ê kíp thực hiện là người mẫu, trang điểm, chụp ảnh, dựng cảnh…
Những ý tưởng copy
Một nhà thiết kế và cũng là stylist cho biết, rất nhiều mẫu thời trang của anh được thể hiện không đúng với ý đồ và mục đích của ý tưởng thiết kế. Nhiều người chỉ chú trọng đến việc trang phục ấy có khoe được ba vòng cơ thể hay không mà không tính đến các yếu tố khác, hậu quả là nhiều trang phục lý ra dành cho mùa hè lại được thể hiện trong bối cảnh mùa đông. Đó cũng là lý do anh kiêm luôn cả vai trò này, để tránh đi những dị hợm từ sự thiếu hiểu biết của các stylist tự phong.
Một trong những nguyên nhân của sự trái khoáy đó là tình trạng sao chép ý tưởng từ các layout nước ngoài một cách máy móc và thiển cận. Nhiếp ảnh gia Thành Nguyễn từng cho biết, có lần một stylist đến và đề nghị anh dựng một background sao cho giống hệt trên một tạp chí nước ngoài vốn là một bức tường được dán giấy báo chằng chịt và rơi vãi. Người mẫu cũng được trang điểm theo phong cách châu Âu cổ xưa y như trong tạp chí đó, chỉ có trang phục là khác, đó là sản phẩm mới được ra mắt của một cửa hàng thời trang, và bộ ảnh đó là để PR cho trang phục cũng như cửa hàng đó. Người mẫu T.V cũng cho biết, cô từng được mời chụp ảnh cho một tạp chí, và stylist tạp chí đó đưa cho cô một trang tạp chí nước ngoài rồi đề nghị cô chỉ cần diễn giống như người mẫu trong đó.
“Tôi tin là tất cả stylist trong nước hiện nay không ai dám cho rằng mình không xem các layout nước ngoài. Tuy nhiên, xem để học hỏi hay xem để sao chép mới là quan trọng”, Aaron Kwok cho biết. Cũng theo anh, sao chép từ nước ngoài là còn có thể chấp nhận, nhiều người còn sao chép ý tưởng từ các bộ ảnh thời trang của stylist trong nước, chỉ khác nhau ở người mẫu thể hiện”.
Theo: (Đất Việt)
Học thiết kế thời trang ở đâu?
Nghề stylist tại Việt Nam cần có thời gian để định dáng, định hình và phát triển về nghề từ các biên tập thời trang của các tạp chí, các kênh truyền hình về thời trang và phong cách sống. Hiện chưa có trường nào đào tạo chuyên biệt về nghề này nên các stylist thường phải dựa vào kiến thức đã học qua các ngành mỹ thuật hay thiết kế thời trang – nơi đào tạo những môn học khá gần với nghề stylist như:
– Khoa Đồ họa – ĐH Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội; – Khoa May và Thời trang – ĐH Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên; – Khoa CN May và Thời trang – ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM; – Khoa Mỹ thuật Công nghiệp – ĐH Bán công Tôn Đức Thắng; – Khoa Mỹ thuật Công nghiệp Hiện đại đa truyền thông, Khoa Dệt may – Thời trang – ĐH Hồng Bàng; – Khoa thiết kế thời trang – Trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai; – Đại học Kiến Trúc; – Đại học Công nghệ Sài Gòn; Đại học Dân lập Văn Lang; – Đại học Nghệ Thuật Huế; – Cao đẳng Văn Hoá và Nghệ Thuật.
Ngành thiết kế thời trang có các trường tuyển sinh theo khối A, B như trường ĐH Công nghiệp Hà Nội và tuyển sinh theo khối A như ĐH Công nghiệp TP.HCM. Riêng một số trường đào tạo ngành Mỹ thuật như: ĐH Kiến trúc, ĐH Mỹ thuật, ĐH Sư phạm kỹ thuật, ĐH dân lập Hồng Bàng, CĐ Văn hóa nghệ thuật TP HCM, ĐH dân lập Kỹ thuật công nghệ TP HCM… đều có yêu cầu sơ tuyển khi tuyển sinh. Những thí sinh dự thi vào các trường ĐH này (dự tuyển theo các khối V, H) phải thi hai môn năng khiếu là vẽ trang trí và vẽ hình họa.
– Ngành Hội họa, Đồ họa, Mỹ thuật ứng dụng, Sư phạm Mỹ thuật (hệ chính quy) và Mỹ thuật (hệ tại chức): Khi nộp hồ sơ đăng ký dự thi thí sinh phải nộp thêm 2 bài sơ tuyển là hình họa vẽ người trên khổ giấy 40 x 60 cm và bố cục vẽ màu (phong cảnh, tĩnh vật) trên giấy 30 x 40 cm.
– Ngành Thiết kế trang phục nghệ thuật và Thiết kế mỹ thuật (trường ĐH SKĐA): Sơ tuyển vẽ hình họa đen trắng theo mẫu…(Những trung tâm hướng nghiệp của các trường tuyển sinh ngành Hội họa – Mỹ thật đều có tổ chức luyện vẽ cho học sinh có nhu cầu).