Ban đầu tôi làm bartender chỉ là miễn cưỡng, bây giờ thì trót thích nó thật rồi. Thoải mái trong việc sáng chế ra những món mới, cả mùi rượu, mùi siro, mùi vỏ cam, mùi cà phê… lúc nào cũng thơm lừng quầy bar.
Tôi – Một nàng Bartender
Mẹ tôi, từ khi biết công việc thật của tôi, lúc nào cũng nhăm nhăm tìm một đám có thể rước cục lo của bà càng sớm càng tốt. Những phụ huynh nào nghe đến môi trường làm việc của tôi cũng khiếp. Tôi rầu rĩ nói chuyện với Johnny, cậu ấy nhe nhởn: mày phải lấy Tây thôi, như tao chẳng hạn.
Tối mắt vì tình!
Hồi hai mươi hai tuổi, đi học nghề nấu ăn, tôi có lẽ là học sinh tệ nhất lớp. Cố gắng kiểu gì, các món tôi nấu cũng chưa từng được khen là xuất sắc như mấy bạn học. Điều ấy làm tôi mất tự tin kinh khủng.
Cạnh lớp nấu ăn, có một lớp dạy bartender, toàn đàn ông học. Và tôi mê thầy dạy ngay từ cái nhìn đầu tiên. Mỗi lần lên lớp, kiểu gì tôi cũng phải ngó qua chỗ thầy một lần. Giờ giải lao tôi cũng tranh thủ lượn qua lượn lại chỉ để người ta phải ngẩng lên.
Hết khoá nấu ăn, tay nghề chẳng tiến triển được là bao. Tình cảm với thầy dạy bartender cũng vậy. Tôi quyết định học bartender. Khi đó chả tính toán gì, chỉ tối mắt vì tình.
Tôi trở thành nữ học viên duy nhất của lớp bartender. Vì thầy, tôi cố hết sức vào việc tập pha chế. Vì tôi là hoa khôi duy nhất của lớp nên thầy cũng ưu ái nhiều hơn. Ba tháng ấy người tôi cứ lơ lửng như say cocktail.
Đường đến Rome còn xa
Tôi không hề thích công việc pha chế đồ uống. Tôi chỉ nghĩ cố theo một khoá để có cơ hội thổ lộ tình cảm với thầy.
Giấc mơ màu hồng vỡ cái bụp khi thầy mời cả lớp dự đám cưới vào cuối tháng. Tôi nhớ, lúc đó tay đang cầm bình shaker (sau này nó thành dụng cụ bất ly thân của tôi) để rơi choang choang dưới sàn nhà. Mặt tôi, chắc là ngây dại lắm, đến nỗi các bạn học hốt hoảng hỏi thăm. Tôi nói dối mình bị tim bẩm sinh, thỉnh thoảng lại đơ ra thế.
Không còn phần thưởng, tôi chán học hẳn. Cầm cự được đến khi nhận chứng chỉ thì thầy gọi tôi ra nói chuyện. Một bar quen của thầy đang cần bartender là nữ, và thầy muốn giới thiệu tôi. Tôi ậm ừ cám ơn. Cá là lúc đó đầu tôi đầu tôi hoàn toàn rỗng, những từ ngữ kia trôi bâng khuâng trong không khí.
Nhưng tôi vẫn đi làm, nghĩ là tạm thôi, khoảng hai ba tháng, sau đó quay về tiếp quản quầy vải của mẹ cho yên thân. (Mẹ tôi có một quầy vải nhỏ, luôn mong con gái về phụ việc rồi tiếp quản luôn).
Làm việc với tâm thế không có gì để mất nên tôi rất thoải mái trong việc sáng chế ra những món mới. Pina Colada tôi pha không ngày nào giống ngày nào. Có khi, tuỳ vào mặt khách, tôi cho một cậu ấm uống mocktail (một dạng cocktail không có cồn) còn một cô chiêu thì được cocktail Blackjack hạng nặng.
Khách quen của tôi khá đông, và họ hay đùa, hình như tôi bỏ bùa vào đồ uống. Có lần tôi nghỉ ốm, chủ quán gọi điện liên tục. Mấy hôm sau đi làm nghe kể lại, doanh thu giảm hẳn vì thiếu bùa của tôi. Điều ấy khích lệ tôi kinh khủng. Không thể tưởng tượng lại có một niềm hạnh phúc dễ chịu như vậy khi bạn biết bạn có ích cho một cộng đồng nhỏ.
Có lẽ tôi phải lấy Tây!
Chuyện tôi đi làm ở quán bar rồi cũng đến tai bố mẹ. Lúc đầu bố phản đối rất ghê. Dù gì con gái nhà lành liên quan đến thế giới ấy cũng mang tiếng rồi. Mấy lần về, tay tôi bị bỏng vì biểu diễn pha chế rượu càng làm bố mẹ quyết tâm dứt tôi ra khỏi thế giới của bóng đêm (theo ngôn ngữ của bố mẹ).
Nhưng nói sao nhỉ, ban đầu tôi làm bartender là miễn cưỡng, bây giờ thì trót thích nó thật rồi. Thời gian nghỉ ốm, tôi thực sự nhớ gương mặt và những câu chuyện tầm phào với khách quen của quán.
Tôi nhớ Johnny, cậu bạn người Mỹ hay đùa cho tôi cười vì cậu ấy bảo tôi cười trông rất xinh. Tôi nhớ những câu thanks you, merci… của khách khi đón ly cocktail từ tay tôi. Tôi nhớ cả mùi rượu, mùi siro, mùi vỏ cam, mùi cà phê… lúc nào cũng thơm lừng quầy bar.
Nếu bỏ, tôi sẽ mất niềm vui. Và mất một nguồn thu nhập đáng kể. Mất cả môi trường giao tiếp tiếng Anh tự do mà tôi rất thoải mái. Thế là tôi tiếp tục ở lại với thế giới của ly cốc và những điệu flamenco lúc nào cũng xúi bẩy chân bạn rậm rịch.
Mẹ tôi, từ khi biết công việc thật của tôi, lúc nào cũng nhăm nhăm tìm một đám có thể rước cục lo của bà càng sớm càng tốt. Nhưng phụ huynh nào nghe đến môi trường làm việc của tôi cũng khiếp. Các đấng trượng phu sau khi tìm hiểu, biết tôi thuộc nằm lòng tên gọi, nhắm mắt cũng phân biệt được các loại rượu cũng khiếp nốt. Tôi rầu rĩ nói chuyện với Johnny, cậu ấy nhe nhởn: mày phải lấy Tây thôi, như tao chẳng hạn.
Bây giờ, chẳng có lý do gì để tôi phải bỏ ngang cái nghề đã đeo đuổi gần mười năm trời. Nhưng vì công việc này mà chuyện chồng con của tôi bỗng thành đường xa vạn dặm.
Có lẽ phải cân nhắc lời gợi ý của John thật.
Theo: Người đẹp Việt Nam (Ghi theo lời kể của Nguyễn Bảo Khanh)
Những địa chỉ dạy nghề bartender: Là một nghề thuộc lĩnh vực nhà hàng – khách sạn, nên Bartender được đào tạo bài bản tại các trường nghiệp vụ du lịch.
Hà Nội:
1. Trung tâm giải pháp đồ uống quốc tế Interbeso: 44 ngõ 97 – Hoàng Hoa Thám – Ba Đình – Hà Nội. ĐT: 04 22320489; hotline: 0904236015. Website: interbeso.vn
2. Trường Trung cấp hoa sữa: 1118, đường Nguyễn Khoái, phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội; Điện thoại: 04.36.44.18.39.
3. Trung tâm dạy nghề Quả táo vàng: Số 8 – Ngõ 35- Kim Mã Thượng – Ba Đình – Hà Nội; Tel: 04.37624101 – 04.37625146.
TP. Hồ Chí Minh:
1. Trường Trung Cấp Nghề Việt Giao: Địa chỉ: 193 Vĩnh Viễn, Phường 4, Quận 10, Hồ Chí Minh Điện thoại: 08. 3927 0278 – 08. 3834 9893 Email: info@vietgiaoeduvn Website: vietgiao.edu.vn
2. Trường Nghiệp Vụ - CĐ nghề Du Lịch Sài Gòn (Saigon Travel-Tourism Training School): 347A Nguyễn Thượng Hiền, P. 11, Q. 10; ĐT: 834-4856; 834-4916.
3. Trường quản lý khách sạn Việt Úc – VAAC:Cơ sở 1: 44 Nguyễn Thị Minh Khai, Phường.Đa Kao, Quận 1, Tp.Hồ Chí Minh; Cơ sở 2: 160 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường 6, Quận 3, Tp.Hồ Chí Minh Điện thoại: (84-8) 8228324 – 8228417. Webside: vaacgroup.edu.vn
4. Trường Trung cấp nghề Du lịch – Ngoại ngữ Khôi Việt: Địa chỉ: 553/73 Nguyễn Kiệm, Quận Phú Nhuận, Hồ Chí Minh Điện thoại: 08. 8445910 Email: khoiviet@saigonnetvn Website: khoiviet.com.vn
5. Và các khóa đào tạo nghiệp vụ nhà hàng…
(hieuhoc_hieuhoc.com)